Bất chấp những khó khăn về kinh tế - xã hội 6 tháng đầu 2023, thị trường lao động vẫn có những điểm sáng, duy trì tốc độ phát triển tương đối ổn định, các chỉ số vẫn có sự tăng trưởng nhẹ.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 6 tháng đầu năm 2023 là 67,5%, tăng khoảng 0,5 điểm % so với năm 2022; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 26,6%, tăng 0,4 điểm % so với năm 2022.
Lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 913,2 nghìn người, giảm 192,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, chiếm 27%, giảm 5,77 điểm % so với năm 2020.
Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497.000 đồng/tháng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ 5,9 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị 8,5 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn 6,1 triệu đồng/tháng.
Báo cáo nhanh của 52 tỉnh, thành phố, trong 5 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động là gần 500.000 người (cao hơn nhiều so với số lao động bị mất việc, thôi việc). Bên cạnh một số ngành bị ảnh hưởng tiêu cực, vẫn có nhiều ngành chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,6% so với cùng kỳ.
6 tháng đầu năm 2023 các địa phương cũng đã đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm, thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội. Theo đó, 3 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay đạt 2.194,7 tỷ đồng; cho vay 37.839 dự án, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 62.028 lao động.
Nhờ tốc độ tăng ở một số ngành này đã giúp giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động. Ngoài ra, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 95.000 DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao hơn so với số DN rút khỏi thị trường, qua đó góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Mặc dù thị trường lao động có nhiều tín hiệu tích cực, ổn định nhưng cũng tồn tại nhiều thách thức, khó khăn. Đầu tiên phải kể tới đó là tình trạng doanh nghiệp, tập đoàn lớn sa thải lao động. Điều này khiến tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao. 6 tháng đầu năm số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) lên tới hơn 562.000 người, tăng hơn 10% so với năm 2022. Tổng số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 1.103.689 lượt người; số người được hỗ trợ học nghề là 11.209 người.
Bên cạnh đó, thị trường lao động phát triển chưa bền vững, bởi vì tỷ lệ lao động làm ở khu vực phi chính thức vẫn chiếm tỷ lệ cao, chiếm hơn 65% tổng số lao động (cả nước có hơn 52 triệu lao động) và có chiều hướng gia tăng.
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, trước tình thế đó, Bộ đã tìm kiếm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời tư vấn Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Tăng cường hơn nữa các phiên giao dịch việc làm, kết nối cung – cầu lao động.
Các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động ngoài nước được đẩy mạnh. Công tác tuyển chọn, đào tạo nguồn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được quản lý chặt chẽ hơn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra DN hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Để đẩy nhanh thực hiện các nhiệm vụ của ngành, ông Đào Ngọc Dung cho rằng từ nay tới cuối năm cần đẩy nhanh 3 vấn đề có tính chất đột phá chiến lược đó là: Phát triển thị trường lao động; tạo thêm nhiều việc làm mới; đảm bảo chất lượng đời sống cho công nhân, người lao động…