TP.HCM: Thị trường lao động dự kiến vẫn bị ảnh hưởng và trầm lắng trong thời gian tới
Thị trường lao động TP.HCM dự kiến vẫn trầm lắng trong thời gian tới
Mỹ Quỳnh
Thứ năm, ngày 18/05/2023 18:52 PM (GMT+7)
Sở LĐTBXH TP.HCM nhận định, trong thời gian tới, thị trường lao động dự kiến vẫn còn bị ảnh hưởng và trầm lắng vì nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động
Thông tin gần 6.000 công nhân lao động tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP.HCM) sắp bị cắt hợp đồng lao động do khó khăn về đơn hàng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Đây là lần cắt giảm lao động thứ 2 trong năm 2023 của đơn vị này và cũng là đợt cắt giảm có quy mô lớn nhất kể từ khi PouYuen hoạt động ở TP.HCM (năm 1996).
Thị trường lao động sẽ còn bị ảnh hưởng
Theo thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TP.HCM, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động trước bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao, các sở, ban ngành, địa phương đang chủ động, tích cực thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Trong đó, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện chủ động, thường xuyên nắm tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tình hình quan hệ lao động, biến động lao động, chủ động giải pháp hỗ trợ kịp thời, phòng ngừa tranh chấp tập thể, ngừng việc; phối hợp với các Sở, ban, ngành để tham gia giải quyết;
Tình hình cắt giảm lao động tại các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cũng được Sở LĐTBXH và chính quyền, đơn vị liên quan theo dõi sát sao.
Ngoài ra, Sở LĐTBXH tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Thành phố tổ chức các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối cung - cầu lao động. Thực hiện kịp thời các chính sách bảo hiểm thất nghiệp (trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề); Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định.
Đề nghị Bảo hiểm xã hội Thành phố chủ động kiểm tra, giám sát tình hình nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của các doanh nghiệp.
Sở LĐTBXH nhận định, dự kiến thị trường lao động trong thời gian tới vẫn còn bị ảnh hưởng và trầm lắng vì nhiều doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn tìm cách phục hồi đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dệt may - giày da, bất động sản, xây dựng, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ…
Hơn 30% doanh nghiệp giảm lao động
Theo Sở LĐTBXH TP.HCM, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp giảm 2,2% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 19,1%, sản xuất đồ uống giảm 18,9%, dệt giảm 11,3%, sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu giảm 10,4%.
Theo kết quả khảo sát với hơn 3.700 doanh nghiệp trong tháng 3/2023 cho thấy, có 30,75% doanh nghiệp phản ánh lao động giảm, 50,65% phản ánh lao động giữ nguyên và 18,6% phản ánh lao động giữ nguyên. Riêng trong nhóm cắt giảm lao động, rơi chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giày da - dệt may, xây dựng, chế biến lương thực - thực phẩm.
Dự kiến trong quý 2/2023, có 71,78% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động như cũ, 20,95% doanh nghiệp tăng lượng lao động và 7,27% doanh nghiệp dự kiến giảm lao động. Nguyên nhân giảm lao động chue yếu là do doanh nghiệp thiếu đơn hàng, không tái ký hợp đồng hết hạn.
Với kết quả khảo sát nhanh tại các doanh nghiệp trong tháng 3/2023, đánh giá về triển vọng sản xuất kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2023, Sở LĐTBXH cho biết, đa phần các doanh nghiệp có nhận định lạc quan với tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Trong đó, có 62,31% doanh nghiệp cho rằng sẽ "hoạt động bình thường", 16,54% "tăng trưởng so với 6 tháng đầu năm" và 9,35% "tiếp tục thiếu hụt đơn hàng" và 11,75% các nhận định khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.