Lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng cao trong quý I/2023
Lao động đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng cao trong quý I/2023
Thùy Anh
Thứ tư, ngày 19/04/2023 06:00 AM (GMT+7)
Quý 1/2023, số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng gần 20% so với cùng kỳ 2022. Riêng trong tháng 3 năm 2023 tăng 60-70% so với tháng 2. Đây là thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Tập huấn Công tác truyền thông về lĩnh vực việc làm cuối tuần qua.
Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc Làm) cho biết, trong năm 2022, các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước tiếp nhận 983.810 người đến nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 22,7% so với năm 2021 (801.925 người). Trong đó có 975.333 người có quyết định hưởng TCTN, tăng 27,6% so với năm 2021 (764.643 người) và chiếm 99,1% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN.
Riêng 3 tháng đầu năm 2023 có 146.000 người nộp hồ sơ hưởng TCTN, giảm 12,7% so với cùng kỳ năm 2022 (167.267 người), trong đó có 128.460 người có quyết định hưởng TCTN.
Ông Tú cho biết, sở dĩ tình hình nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN trên cả nước năm 2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021 là do số người tham gia BHTN tăng hàng năm dẫn đến số người đủ điều kiện hưởng TCTN tăng.
"Mặt khác do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp, tổ chức giảm quy mô, giải thể hoặc tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm nhân sự, không tuyển dụng nhân sự mới và cũng do ảnh hưởng tình hình kinh tế, chính trị thế giới bất ổn, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng do đó nhiều lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động hưởng TCTN dẫn đến số người nộp hồ sơ hưởng TCTN tăng", ông Tú nói thêm.
Theo báo cáo, mức hưởng TCTN bình quân của người lao động là hơn 3,3 triệu đồng/người/tháng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021 (hơn 3,2 triệu đồng/người/tháng).
Cũng theo ông Tú, 100% người đến Trung tâm Dịch vụ việc làm để xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đều sẽ được tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí và hỗ trợ học nghề. Có học nghề, có kỹ năng thì người lao động mới có nền tảng để chuyển đổi vị trí việc làm.
Cụ thể, năm 2022, trên cả nước có hơn 2,2 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm (TVGTVL), bằng 226,2% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng TCTN, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021 (hơn 1,7 triệu lượt người).
3 tháng đầu năm 2023 có hơn 340.000 lượt người được TVGTVL, giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2022 (375.788 lượt người). Hiện nay các TTDVVL sử dụng các phương pháp tư vấn trực tiếp với NLĐ đến giao dịch. Tại những TTDVVL có nhiều người lao động đến giao dịch trong một thời điểm thường sử dụng phương pháp tư vấn tập thể.
Ngoài ra, một số TTDVVL đã sử dụng phương pháp tư vấn trực tuyến qua mạng Internet, thư điện tử, mạng xã hội, các công cụ giao tiếp trên mạng máy tính (Yahoo, Skype, Facebook…), tổng đài tư vấn (Hà Nội, Cần Thơ…). Nguồn dữ liệu việc làm được TTDVVL lấy từ các tổ chức, doanh nghiệp đến tuyển dụng tại Trung tâm, sàn giao dịch việc làm, dữ liệu trực tuyến thống kê và lập danh sách, đồng thời lập bảng công ty để giới thiệu đến NLĐ. Một số Trung tâm tổ chức phiên giao dịch việc làm, phiên giao dịch việc làm online đối với người lao động hưởng TCTN (Hà Nội, Hải Dương, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Giang, Điện Biên…).
Không chỉ tăng số lao động thất nghiệp được tư vấn, giới thiệu việc làm trong năm 2022, số lao động thất nghiệp được giới thiệu học nghề cũng tăng nhanh. Cụ thể giới thiệu học nghề cho 21.825 người, tăng 18,8% so với năm 2021 (18.368 người), bằng 2,2% so với số người có quyết định hưởng TCTN. Riêng 3 tháng đầu năm 2023 có 4.237 người được hỗ trợ học nghề, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2022 (3.598 người).
Các ngành được người lao động đăng ký học nghề nhiều nhất là: Lái xe ôtô (31,8%), Kỹ thuật nấu ăn (16,1%), Kỹ thuật pha chế thức uống (8,7%), tin học văn phòng (5%), vận hành xe nâng hàng (3%), phiên dịch (2,1%), trang điểm chuyên nghiệp (1,9%), may mặc, da giày (1,8%)…
Thị trường lao động khởi sắc, nhưng vẫn còn những khó khăn
Từ những số liệu về tình hình thất nghiệp ông Ngô Xuân Liễu - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ quốc gia về việc làm (Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH) cho rằng đây là những số liệu phản ánh khách quan tình hình hình của thị trường lao động. Tín hiệu này cho thấy "sức khỏe" của các doanh nghiệp đang gặp vấn đề và cơ quan chức năng cần tiến hành các giải pháp, chính sách chủ động để giúp doanh nghiệp đối đầu với những cú sốc lớn.
"Các ngành thâm dụng lao động, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu đã và đang bị ảnh hưởng từ quý 4/2022 đến nay và dự kiến tiếp tục chịu tác động không mong muốn đến quý 2 này. Bản thân các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng đã hết sức nỗ lực, cố gắng trong việc tìm kiếm đơn hàng, thị trường mới", ông Liễu cho hay.
Trước những bối cảnh đó, ông Liễu cho rằng, để thích ứng với tình hình trong từng giai đoạn cụ thể, việc doanh nghiệp phải cơ cấu lại lực lượng lao động là vấn đề hết sức bình thường, đặc biệt ở một số ngành liên quan đến xuất khẩu.
"Cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ghi nhận sự sụt giảm đơn hàng, dẫn tới một bộ phận lao động bị thiếu hoặc mất việc làm nhưng nhìn tổng quan chung về thị trường lao động vẫn vận hành ổn định", ông Liễu đánh giá.
Trước tình thế này các trung tâm dịch vụ việc làm trong cả nước đã tổ chức nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ lao động và doanh nghiệp kết nối cung - cầu. Bản thân các doanh nghiệp cũng rất chủ động trong việc chuyển hướng hoạt động, sản xuất nhằm thích ứng với tình hình mới, biến động mới. Vì vậy, thị trường lao động trong tương lai gần sẽ có những cải thiện theo chiều hướng tích cực.
Về lâu dài, Giám đốc Trung tâm dịch vụ quốc gia về việc làm cũng đề xuất cần có những giải pháp, chính sách "nóng" để thị trường lao động ổn định, tránh tình trạng sa thải, thiếu việc làm lan rộng.
"Đầu tiên cần nắm bắt thông tin biến động của thị trường lao động để kịp thời tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Thứ hai, các trung tâm việc làm phải đáp ứng ngay nhu cầu của doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh qua các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến", ông Liễu kiến nghị giải pháp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.