Nhóm lao động được tăng lương từ 1/7 mà không lo thu nhập giảm là ai?

Thùy Anh Chủ nhật, ngày 09/07/2023 13:37 PM (GMT+7)
Khác với công chức, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, lao động làm trong đơn vị sự nghiệp hành chính, nhất là cấp xã, phường sẽ được hưởng tiền tăng lương cơ sở tuyệt đối mà không lo tới việc "lương tăng, thu nhập giảm".
Bình luận 0

Tăng lương dù ít dù nhiều cũng... bớt khổ

Sau bao lần thấp thỏm, mơ ước được tăng lương, cải thiện thu nhập để bớt khổ của cán bộ, công chức, viên chức đã được đáp ứng một phần.  Từ 1/7 lương cơ sở tăng từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng. Việc này không chỉ giúp người lao động có thêm thu nhập mà còn động viên, khích lệ họ tiếp tục gắn bó, cống hiến cho cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước.

Năm 2014, về nhận công tác tại vị trí công chức, chuyên viên văn phòng của Ủy ban nhân dân huyện ngoại thành Hà Nội, chị Nguyễn Thị Minh. A (30 tuổi) nhận mức lương khởi điểm là 2.600.000 đồng/tháng. Ngoài khoản tiền lương trên chị không có thêm bất kỳ một khoản thu nhập nào khác.

tăng lương

Nhóm hành chính sự nghiệp, công chức, viên chức phường xã là nhóm được hưởng niềm vui trọn vẹn khi tăng lương cơ sở. Ảnh: NT

Sau 8 năm, hiện tại, chị Minh A hưởng hệ số lương là 3,0 tương đương với mức lương là 4.470.000 triệu đồng/tháng. Nếu tính các khoản phụ cấp, làm thêm, chị A nhận tổng thu nhập là 5,1 triệu đồng/tháng.

Mỗi ngày chị vượt hơn 20km đi từ Hưng Yên sang huyện Thanh Trì làm việc. Công việc bắt đầu từ 8 giờ tới 17h chiều. Ngoài đống văn bản giấy tờ chất cao như núi, chị A còn phải tham gia các cuộc họp, thảo văn bản... và nhiều công việc không tên khác.

"Nhiều lúc mệt mỏi, muốn nghỉ việc nhưng giờ kinh tế khó khăn cũng không biết phải làm gì. Làm tiếp thì lúc nào cũng bị dằn vặt vì lương mình không bằng lương mấy bạn chạy xe ôm", chị A nói.

Nghe nói từ tháng7  được tăng lương, chị A đang rất mong chờ. Nếu lương tăng thu nhập của chị có thể tăng thêm được gần 1 triệu đồng. Khoản tiền tuy không nhiều nhưng nếu cả 2 vợ chồng (chồng chị là công chức phường) tăng được gần 2 triệu thì đây cũng sẽ là khoản tiền giúp gia đình chị vượt qua khó khăn, để vợ chồng chị gắn bó với công việc.

"Tăng lương mà giảm thu nhập nợ lương thì còn gì ý nghĩa"

Chia sẻ niềm vui với cán bộ, công chức cấp xã, phường, quận huyện, bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh - Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến đời sống người lao động. Việc tăng lương cơ sở ít nhiều đã giúp đời sống cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện.

“Dưới góc độ quản lý, tôi cho rằng, việc tăng lương sẽ khiến cán bộ, công chức, viên chức nhiệt huyết trong công việc hơn. Tăng lương ở thời điểm này là hoàn toàn hợp lý”, bà Ánh nhận định.

Vị phó chủ tịch cũng cho rằng, ngoài việc tăng mức lương cơ sở, cần phải thực hiện triệt để cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương là trả lương theo vị trí việc làm và theo chức vụ lãnh đạo quản lý.

“Cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở Ủy ban nhân dân xã, phường sẽ có đặc thù riêng. Công việc phải thực hiện của mỗi người cũng không giống nhau. Tôi mong rằng, Nghị quyết 27 sẽ làm rõ, phân bổ tiền lương theo vị trí nhiệm vụ việc làm tại UBND xã, phường”, bà Ánh đề xuất.

tăng lương cơ sở

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng tăng lương mà nợ lương, giảm thu nhập thì ý nghĩa của việc tăng lương sẽ không còn. Ảnh: NN

Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội quốc hội cho rằng, tăng lương cơ sở sẽ tác động mạnh nhất tới nhóm lao động làm công ăn lương, những công chức, viên chức trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Đây là nhóm làm công ăn lương, hưởng lương nhà nước.

So với các nhóm khác (nhóm lao động làm ở đơn vị sự nghiệp công, tự chủ) thì nhóm này có thể được hưởng niềm vui trọn vẹn hơn. Lý do là bởi hầu hết đơn vị sự nghiệp công tự chủ hiện nay đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính. Nếu dồn tiền tăng lương thì có thể phải tính toán lại các khoản khác. Vì vậy chuyện "lương tăng, thu nhập giảm" là chuyện có thể xảy ra. Còn với đơn vị hành chính sự nghiệp (những đơn vị thực hiện nhiệm vụ công vụ, hành chính của nhà nước) thì khác. Đa phần hưởng lương 100% từ ngân sách nhà nước. Bởi vậy mà tiền lương của họ có thể tăng tuyệt đối.

"Vấn đề là có một số đơn vị hành chính sự nghiệp (cấp xã, phường) lâu nay có thu lớn, tự chủ một phần thì vẫn sẽ gặp khó khăn. Nhiều đơn vị chi tiền lương hoặc tiền lương tăng thêm từ khoản này vì  thế có thể nhóm lao động làm việc ở đây cũng sẽ đối mặt với khó khăn... thậm chí là bị nợ lương", ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, tăng lương, tăng thu nhập là để cải thiện đời sống cho cán bộ công chức, vì thế phải ưu tiên các nguồn lực để tăng lương cho lao động. Nếu tăng lương, mà giảm thu nhập, hoặc nợ lương thì chính sách không còn tác dụng, ý nghĩa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem