Cà phê nội tăng 200 đồng/kg, trong đó mức giao dịch cao nhất được ghi nhận tại tỉnh Đắk Nông là 67.300 đồng/kg
Kết thúc phiên giao dịch, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đảo chiều tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 11 USD, lên 2.639 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 11 tăng 16 USD, lên 2.480 USD/ tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York cùng xu hướng tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 9 tăng 1,30 cent, lên 163,15 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12 tăng 1,00 cent, lên 163,20 cent/lb, các mức tăng đáng kể. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên hôm nay tăng 200 đồng, lên dao động trong khung 66.600 - 67.300 đồng/kg. Cụ thể, tỉnh Lâm Đồng có giá cà phê thấp nhất là 66.600 đồng/kg. Tiếp đến là tỉnh Gia Lai 67.000 đồng/kg. Cùng thời điểm khảo sát, tỉnh Đắk Lắk có giá thu mua cà phê là 67.100 đồng/kg. Đắk Nông ghi nhận mức giao dịch cà phê là 67.300 đồng/kg - cao nhất trong các địa phương được khảo sát.
Giá cà phê hai sàn đảo chiều tăng nhẹ khi USDX suy yếu thêm trong rổ tiền tệ mạnh trong khi thị trường đang trông chờ Fed công bố quyết định về vấn đề lãi suất.
Fed quyết định nâng mức lãi suất USD kỳ này thêm 0,25%, lên dao động trong khoảng 5,25% – 5,0%/năm, nhưng không gây bất ngờ vì không ngoài suy đoán của thị trường trước đó do các báo cáo cho thấy lạm phát đã có phần hạ nhiệt.
Tỷ giá đồng Reais tăng thêm 0,44% lên ở mức 1 USD = 4,7280 R$ đã ngăn cản người Brazil bán hàng cà phê vụ mới do họ sẽ thu về ít nội tệ hơn, đã hỗ trợ xu hướng thị trường giá tăng.
Giá cà phê hàng thực giao ngay đồng loạt tăng nhẹ tại thị trường nội địa Brazil theo tỷ giá đồng Reais.
Tình trạng thắt chặt từ các nước sản xuất và xuất khẩu hàng đầu khiến thị trường tiêu dùng dấy lên mối lo thiếu hụt nguồn cung cà phê trong ngắn hạn. Theo đó, dự báo sản lượng của Indonesia sẽ giảm sút 1,8 triệu bao xuống ở mức 9,7 triệu bao (60 kg/bao), là một vụ mùa giảm mạnh nhất trong vòng 10 năm qua và Việt Nam dự kiến vụ sắp tới sẽ không vượt quá 30 triệu bao.
Sản lượng Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2022-2023 sẽ giảm 6% so với niên vụ trước, xuống còn 29,7 triệu bao. Nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới sẽ có vụ thu hoạch thấp nhất trong 4 năm do chi phí sản xuất (nhân công, phân bón) cao hơn và người nông dân có xu hướng chuyển sang trồng các loại cây có lợi nhuận cao hơn như bơ, sầu riêng và chanh dây.
Phải đến niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê Việt Nam mới có thể phục hồi 5% lên 31,3 triệu bao, theo đánh giá của USDA.
Theo ước tính của Công ty Safras & Mercados, khoảng 83% vụ cà phê Robusta ở Brazil đã được thu hoạch, cùng mức với năm ngoái và thấp hơn mức trung bình 5 năm là 89%. Đầu tháng có vài ngày mưa nhưng các hoạt động thu hái đã sớm trở lại bình thường.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để khôi phục sản xuất đối với các diện tích cà phê bị thiệt hại do hạn hán, bà con nông dân cần áp dụng cho từng vườn cây cụ thể, căn cứ theo mức độ thiệt hại.
Đối với diện tích cà phê bị khô chết toàn bộ cành cơ bản: Giải pháp duy nhất là cưa đốn phục hồi. Vào đầu mùa mưa, bà con tiến hành cưa bỏ toàn bộ thân cây cách mặt đất 30 – 40cm, sau đó nuôi từ 1-2 chồi/gốc để thay thế cho thân cũ bị cắt bỏ, hoặc có thể tiến hành ghép bằng các dòng vô tính khác có năng suất, chất lượng tốt hơn nhằm cải tạo lại vườn cây.
Sau khi cưa xong, bà con đưa toàn bộ thân cành ra khỏi lô, tiến hành cày bừa giữa hai hàng cà phê ở độ sâu khoảng 25-30cm để trồng cây ngắn ngày nhằm tăng thêm thu nhập; trồng bổ sung cây che bóng cho vườn cây bằng các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ,…
Đối với diện tích cà phê chỉ bị khô chết những cành thứ cấp, nhưng cành cơ bản vẫn còn khả năng tái sinh: Do phần lớn những cành thứ cấp mang quả đều bị khô héo, hoặc chết nên sản lượng cà phê bị giảm sút nghiêm trọng hoặc không có khả năng cho sản lượng trong vụ tới. Vì vậy, đối với những diện tích cà phê đã có tuổi đời trên 20 năm bà con nên áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi, hoặc cưa ghép cải tạo bằng các dòng cà phê vối mới.
Đối với những diện tích cà phê dưới 20 năm tuổi thì sau 1-2 cơn mưa đầu, lá non hoặc chồi non sẽ phát triển, dễ phân biệt các cành bị khô chết và cành còn khả năng tái sinh. Bà con tiến hành cắt bỏ những cành khô, những đoạn cành cơ bản quá già nằm xa thân chính để tái tạo bộ tán mới.
Đối với diện tích cà phê chỉ bị rụng lá, khô quả: Phần lớn những diện tích này chỉ bị thiếu hụt nước tưới vào giai đoạn cuối mùa khô, hoặc ở vườn cây không có cây che bóng. Do quả bị khô chết nên tại các đốt đó sẽ phát sinh ra nhiều cành thứ cấp, vì vậy, trong những tháng mùa mưa, bà con cần thường xuyên vặt tỉa bớt các cành thứ cấp này, đặc biệt là những cành trên đỉnh tán, tạo sự thông thoáng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại. Bà con có thể trồng bổ sung kịp thời cây che bóng vào đầu mùa mưa.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm nay xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1 triệu tấn với kim ngạch thu về gần 2,4 tỷ USD, giảm 3,1% về lượng nhưng tăng 2,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là kim ngạch xuất khẩu cao nhất ghi nhận được của ngành cà phê trong 6 tháng đầu năm kể từ trước đến nay.
Lũy kế 9 tháng đầu tiên của niên vụ hiện tại 2022-2023, xuất khẩu cà phê của nước ta đạt tổng cộng 1,44 triệu tấn (khoảng hơn 24 triệu bao), với kim ngạch 3,38 tỷ USD, tăng 2% về lượng và tăng 6,6% về kim ngạch so với cùng kỳ niên vụ trước.
Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê Robusta lớn nhất thế giới đang được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch nhu cầu từ cà phê Arabica giá thành cao sang Robusta có giá rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.