Dân Việt

Xuất khẩu vào EU thu hơn 1,5 tỷ USD, ngành cà phê Việt Nam thích ứng thế nào với đạo luật mới?

Thiên Ngân 23/11/2023 19:06 GMT+7
Theo Bộ NNPTNT, với diện tích cà phê hơn 700.000ha, cho sản lượng hơn 1,8 triệu tấn, nông dân không mở rộng diện tích, chỉ tái canh trên diện tích sẵn có nên đạo luật mới của EU về không gây phá rừng (EUDR) không quá lo ngại với cà phê Việt Nam.

Quy định không gây mất rừng (EUDR) của EU hiệu lực khi nào?

Quy định không gây mất rừng (EUDR) do Ủy ban châu Âu (EC) thông qua ngày 16/5/2023, có thể xem là quy định mới nhất của Liên minh châu Âu (EU) liên quan đến vấn đề phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, trong đó áp tiêu chí rất cụ thể về các nông sản được làm ra không dựa vào việc chiếm đất rừng.

Các sản phẩm chịu sự điều chỉnh của EUDR gồm gia súc chăn thả, ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, hạt tiêu… Đáng nói là sự điều chỉnh này bao gồm cả các sản phẩm có chứa hoặc được nuôi bằng thực phẩm có sử dụng các nguyên liệu thô nói trên (như thức ăn cho gia cầm, gia súc, da, chocolate, đồ nội thất, than củi, giấy in và một số dẫn xuất dầu cọ).

Nông sản của những công ty thuộc các nước có độ rủi ro thấp theo đánh giá của EC sẽ hưởng quy trình thẩm định đơn giản hơn khi xuất khẩu sang EU - tỷ lệ hàng hóa được kiểm tra là 9% dành cho mức rủi ro cao, 3% dành cho mức rủi ro tiêu chuẩn (cơ bản) và 1% dành cho mức rủi ro thấp.

Xuất khẩu vào EU thu hơn 1,5 tỷ USD, ngành cà phê Việt Nam thích ứng thế nào với đạo luật mới? - Ảnh 1.

Vườn cà phê 2ha của gia đình ông Hồ Minh Điệp (thôn 18, xã EaKtur, huyện Cưkuin, tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: DV

Các cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ được phép truy cập vào thông tin liên quan do các công ty cung cấp (tọa độ định vị địa lý về các khu vực canh tác), dùng các công cụ giám sát vệ tinh và phân tích ADN để kiểm tra xem sản phẩm đến từ khu vực nào. Các hình phạt đối với việc không tuân thủ quy định sẽ ở mức ít nhất là 4% tổng doanh thu hằng năm tại EU của bên vi phạm.

Quy định không gây mất rừng của EU chính thức có hiệu lực từ sau ngày 31/12/2024. Nghĩa là chỉ còn hơn 1 năm nữa để ngành nông nghiệp Việt Nam thay đổi và thích ứng. 

Là quốc gia xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới, ngành nông nghiệp Việt Nam được đánh giá bị ảnh hưởng không nhỏ bởi quy định EUDR, nhất là cà phê, cao su, hạt tiêu, hạt điều, gỗ và sản phẩm gỗ. Đây đều là những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta và châu Âu là thị trường quan trọng của những mặt hàng này.

Tái thiết ngành cà phê theo hướng minh bạch, rõ nguồn gốc 

Năm 2022, khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 90% tổng sản lượng thu hoạch, kim ngạch xuất khẩu đạt 4,5 tỷ USD. Trong đó, thị trường EU chiếm phần một phần lớn cà phê xuất khẩu của nước ta, với sản lượng hơn 700.000 tấn, kim ngạch hơn 1,5 tỷ USD. 

Cùng với tiềm năng mở rộng quy mô thị trường, quy định mới của EU đòi hỏi ngành cà phê phải tuyệt đối tuân thủ tiêu chuẩn bền vững, đảm bảo khả năng truy xuất và minh bạch.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), EUDR mang đến những thách thức đáng kể cho ngành cà phê Việt Nam, đặc biệt là trong việc tuân thủ tiêu chuẩn bền vững và duy trì quyền tiếp cận thị trường EU. 

Tuy nhiên, bằng cách áp dụng các phương pháp trồng trọt bền vững, tăng cường hợp tác, phối hợp nguồn lực và chia sẻ kinh nghiệm giữa khối công và tư, ngành cà phê Việt Nam có thể thích ứng với những thách thức này và tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên thị trường cà phê toàn cầu. 

Quy định mới của EU cũng chính là cơ hội để cà phê Việt Nam phát triển theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh. Chúng ta cần thực hiện tốt các quy định của EU, vì đây cũng là trách nhiệm của nền sản xuất Việt Nam đối với môi trường, đối với ngành cà phê thế giới.

Đại diện Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, quy định mới EUDR không tác động nhiều đến ngành cà phê bởi chỉ hạn chế việc phá rừng sau ngày 31/12/2020 để trồng cà phê. Thực tế là hầu hết diện tích cà phê ở khu vực Tây Nguyên được trồng từ cách đây 20-30 năm, điều cần làm hiện nay là chứng minh được nguồn gốc cà phê, xây dựng bộ dữ liệu, chỉ dẫn địa lý để dễ dàng kiểm tra, truy xuất... 

Mặc dù vậy, đại diện các địa phương cho biết không thể chủ quan, bởi trước mắt có rất nhiều việc phải làm. Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, diện tích trồng cà phê trên địa bàn tỉnh manh mún, nhỏ lẻ, người dân đã canh tác lâu năm nên việc xác định nguồn gốc, truy xuất nguồn gốc sẽ mất rất nhiều thời gian, chi phí. 

Xuất khẩu vào EU thu hơn 1,5 tỷ USD, ngành cà phê Việt Nam thích ứng thế nào với đạo luật mới? - Ảnh 3.

Khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 dương lịch, khi tiết trời se lạnh cũng là lúc cà phê trên địa bàn huyện Đăk Hà nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung chín rộ. Ảnh: Quang Vinh/baokontum

Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, với diện tích 210.000 ha cà phê của tỉnh hiện nay cơ bản không phải do phá rừng mà có (tính từ năm 2020 trở lại đây). Sản lượng cà phê sản xuất trên diện tích này cơ bản đã bảo đảm các điều kiện để xuất vào thị trường EU. 

Để đáp ứng thuận lợi các điều kiện của EU, mới đây UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch “Triển khai các giải pháp thích ứng với Quy định không gây mất rừng của Liên minh châu Âu trên địa bàn Đắk Lắk”. 

Cụ thể, tỉnh đã và đang triển khai thí điểm tại 7 huyện, thị xã, thành phố, gồm: Krông Năng, Cư M'gar và Ea H'leo (do tổ chức IDH hỗ trợ triển khai thực hiện); các huyện Krông Ana, Cư Kuin, TX. Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột (do Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk hỗ trợ triển khai thực hiện), thời gian từ tháng 10/2023 đến 12/2024. 

Các mô hình thí điểm sẽ làm cơ sở cho việc xây dựng hệ thống dữ liệu ngành hàng cà phê Việt Nam, dữ liệu quốc gia và cơ chế chia sẻ thông tin phản hồi với EU. Đây cũng là tiền để cho việc mở rộng đến các huyện trồng cà phê khác trong toàn tỉnh. 

"Những công việc này phải triển khai ngay trong niên vụ cà phê 2023 - 2024 để có đầy đủ các hồ sơ, thủ tục trình EU xem xét, truy xuất nhằm bảo đảm kịp thời cho những lô hàng cà phê xuất khẩu vào năm 2024. Và để làm được điều này cần có sự chung tay phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với khu vực tư nhân, các tổ chức trong và ngoài nước để chuẩn bị sẵn sàng thông tin đáp ứng các quy định của EU, đảm bảo sinh kế cho nông dân. 

Ngành NNPTNT Đắk Lắk coi việc tuân thủ quy định này không chỉ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu các mặt hàng chủ lực vào thị trường EU, mà đây còn là cơ hội để đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển ngành nông nghiệp theo định hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh" - ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk thông tin.