Nuôi thứ ốc đặc sản đắt tiền, một nông dân Nam Định trúng lớn ngay từ vụ nuôi đầu tiên

Mai Chiến Thứ năm, ngày 23/11/2023 12:53 PM (GMT+7)
Với quy mô 3.000m2, sau 6 tháng nuôi, anh Nguyễn Minh Trưởng (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) xuất bán hơn 10 tấn ốc hương thương phẩm, sau khi trừ chí phí anh thu về hơn 1 tỷ đồng.
Bình luận 0

CLIP: Anh Nguyễn Minh Trưởng (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) chia sẻ về thành quả sau vụ nuôi đầu tiên. Thực hiện: Mai Chiến.

Thành công vụ nuôi ốc hương đầu tiên

4h chiều một ngày giữa tháng mười một, anh Nguyễn Minh Trưởng cầm chậu thức ăn, trong đó chứa nhiều cá tươi to bằng 2 ngón tay đem cho ốc hương ăn. 

Cá ném xuống ao nuôi tới đâu là từng đàn ốc hương có màu sắc rực rỡ thi nhau ngóc đầu, ngoi lên hẳn mặt đáy cát để bâu kín thức ăn tới đó.

Chỉ trong chốc lát, những con cá chích, cá lâm biển - nguồn thức ăn chính của ốc hương bỗng chốc hết nhanh gọn. Có lẽ vì đàn ốc hương đang đói. 

"Mỗi ngày, tôi chỉ cho ốc ăn 1 bữa vào chiều tối và cứ 3 ngày cho ăn liên tục thì cho ốc nghỉ 1 ăn ngày", anh Trưởng chia sẻ về bữa ăn dành cho ốc.

Nuôi ốc hương, chàng trai quê Nam Định trúng lớn ngay từ vụ nuôi đầu tiên - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Minh Trưởng (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) giới thiệu về mô hình nuôi ốc hương. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Trưởng nói thêm, chế độ ăn của ốc hương được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ lúc còn là con giống đến 1 tháng tuổi thì cho ốc ăn ruột hàu; giai đoạn tiếp theo từ sau 30 ngày tuổi cho đến lúc thu hoạch thì cho ốc hương ăn cá biển.

Là kiến trúc sư thường xuyên hoạt động trên thành phố Hà Nội, đặc thù công việc không tiếp xúc với lĩnh vực thủy sản, nhưng anh Trưởng lại sớm bén duyên với thủy sản một cách tự nhiên. 

Với anh, việc dấn thân vào ngành thủy sản ban đầu chỉ là đam mê nuôi giải trí, làm nơi để đi về nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.

Lúc đầu anh Trưởng dự định nuôi cá nước ngọt, tuy nhiên nhận thấy ở thời điểm đó con tôm thẻ chân trắng đang lên "ngôi", giúp nhiều nông dân nơi đây có "của ăn, của để" nên anh đã đổi hướng sang nuôi tôm.

"Năm 2017, tôi quyết định đầu tư tiền của, xây dựng các bể nuôi tôm thẻ chân trắng. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ cao hoạt động rất hiệu quả, đến nay tôi vẫn đang duy trì", anh Trưởng cho hay.

Theo anh Trưởng, anh biết đến con ốc hương trong lần đi giao lưu với bạn. Qua tìm hiểu, anh được biết, ốc hương là đối tượng nuôi mới ở Hải Hậu, chưa có nhiều người nuôi và cho giá trị kinh tế cao hơn so với com tôm thẻ chân trắng nên đã tìm hiểu, tham quan mô hình nuôi ốc hương.

Nuôi ốc hương, chàng trai quê Nam Định trúng lớn ngay từ vụ nuôi đầu tiên - Ảnh 3.

Vụ nuôi đầu tiên, anh Nguyễn Minh Trưởng xuất bán hơn 10 tấn ốc hương thương phẩm. Ảnh: Mai Chiến.

Không ngại dấn thân, đầu năm 2023, anh Trưởng quyết định chuyển 1 phần diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi ốc hương dù anh chưa có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi ốc hương.

Vừa nuôi, anh Trưởng vừa học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc. Rất may, đàn ốc hương phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt ít. Sau 6 tháng nuôi, con nào con nấy đều đẹp mã, to gần bằng ngón chân cái người lớn.

"Trang trại đã xuất bán ra thị trường lứa ốc hương thương phẩm đầu tiên với số lượng hơn 10 tấn, bán với giá 270.000 - 280.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, trang trại thu về 50% lợi nhuận", anh Trưởng bật mí.

Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất

Tận dụng hạ tầng sẵn có từ mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Trưởng áp dụng công nghệ cao vào nuôi ốc hương một cách bài bản và khoa học. 

Anh đầu tư hệ thống mái che nắng, che mưa; hệ thống lọc, xử lý nước tuần hoàn; hệ thống sục khí tạo oxy và nuôi ốc bằng ao lót bạt...

Nuôi ốc hương, chàng trai quê Nam Định trúng lớn ngay từ vụ nuôi đầu tiên - Ảnh 4.

Ao nuôi được lắp đặt hệ thống mái che và ốc được nuôi theo quy trình VietGAP. Ảnh: Mai Chiến.

Anh Trưởng cho hay, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, hạn chế dịch bệnh, tăng hiệu quả kinh tế… Trong đó, việc lắp đặt, sử dụng hệ thống mái che, hệ thống lọc nước quyết định 80% thành công mô hình.

Theo anh Trưởng, mái che giúp hạn chế nắng nóng, ổn định nhiệt độ trong ao nuôi, hạn chế rêu và tảo mọc; bên cạnh đó mái che còn có tác dụng ngăn nước mưa, tránh ốc bị sốc nước. Còn hệ thống lọc nước sẽ giúp môi trường nuôi luôn được sạch sẽ.

Cầm con ốc hương trên tay, anh Trưởng chia sẻ, ốc hương là đối tượng thủy sản nước mặn có sức đề kháng tốt, sống khỏe, ít dịch bệnh, mỗi năm nuôi được 2 vụ. So với tôm thẻ chân trắng, nuôi ốc hương nhàn hơn, thời gian quản lý không nhiều, chi phí thức ăn thấp và hiệu quả kinh tế cao hơn tôm.

Nuôi ốc hương, chàng trai quê Nam Định trúng lớn ngay từ vụ nuôi đầu tiên - Ảnh 5.

Cá biển là nguồn thức ăn chính của ốc hương. Ảnh: Mai Chiến.

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi ốc hương nếu nguồn nước bị ô nhiễm, vệ sinh không sạch sẽ thì ốc dễ bị cứng miệng, sưng vòi, bỏ vỏ, đau bụng… do đó cứ 2 - 3 ngày phải thay nước 1 lần.

"Nguồn nước trước khi cấp vào bể nuôi phải được bơm vào ao lắng trước khoảng 3 ngày, sau đó lọc, xử lý sạch sẽ rồi mới bơm vào bể nuôi", anh Trưởng nói.

Đặc biệt, để hạn chế dịch bệnh lây lan ở những vụ nuôi tiếp theo thì sau khi thu hoạch xong phải vệ sinh ao nuôi, đáy cát và phơi ao khoảng 1 tháng để giảm khí độc tồn đọng trong ao nuôi.

Hiện nay, con giống được anh Trưởng mua ở những cơ sở có uy tín trong miền Nam. Sau đó, đưa về bể gièo tại trang trại để thuần hóa, làm quen với môi trường, khí hậu vùng ven biển Hải Hậu. Khi ốc hương đạt size, đủ tiêu chuẩn thì chuyển từ bể gièo sang ao nuôi. 

Tháng 9/2023, mô hình chăn nuôi ốc hương đã đạt chứng nhận VietGAP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem