Nông dân ven biển Ninh Bình trồng rừng hấp thụ carbon, vừa thêm màu xanh, vừa có thêm tiền
Nông dân ven biển Ninh Bình trồng rừng hấp thụ carbon, vừa thêm màu xanh, vừa có thêm tiền
Vũ Thượng
Thứ năm, ngày 23/11/2023 11:34 AM (GMT+7)
Những cánh rừng trồng ngập mặn được trồng tại huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) được ví như lá phổi xanh khổng lồ, trở thành báu vật của cư dân làng xóm xung quanh bởi rừng đã tạo sinh kế với vô số sản vật mặn mòi. Mùa nào thức ấy, bà con nông dân ở đây luôn có thêm tiền từ rừng.
Kim Sơn là huyện ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình, thuộc vùng Đồng bằng Bắc Bộ, nằm phía Đông Nam của tỉnh Ninh Bình. Là huyện có vị trí địa lý tương đối thuận lợi, tiếp giáp biển Đông với chiều dài bờ biển 18km, cùng sự đa dạng sinh học nổi bật đã được Tổ chức UNESCO công nhận là vùng đệm khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Trồng rừng hấp thụ carbon, vừa thêm màu xanh, vừa thêm tiền... tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
Tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) là 1.558,90 ha. Trong đó, diện tích rừng là 654,85 ha, hiện đang được Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn quản lý 523,42 ha; Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình quản lý 66,47 ha; Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình quản lý 46,81 ha; UBND huyện Kim Sơn quản lý 18,15 ha. Đất chưa có rừng trong quy hoạch khoảng 904,05ha.
Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết số 71/NQ-CP là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương, những năm qua chính quyền các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải… (huyện Kim Sơn) đã có nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
Cụ thể là tổ chức tuyên truyền lưu động; hội nghị tuyên truyền tại trụ sở cơ quan; trên đài phát thanh ba cấp,… Qua đó đã nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cộng đồng dân cư trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản.
Công tác phối kết hợp giữa các chủ rừng, Hạt Kiểm lâm Kim Sơn, Đồn Biên phòng Kim Sơn, UBND các xã Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải… trong công tác bảo vệ và và phát triển rừng liên tục được tăng cường. Chính vì thế, các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật.
Công tác quản lý bảo vệ rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn trong những năm qua được thực hiện tốt đã góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Đặc biệt là xây dựng cảnh quan môi trường sinh thái, điều hòa nguồn nước, tăng khả năng bồi tụ và giảm thiểu đáng kể rủi ro thiên tai gây ra…
Nhiều dự án trồng rừng tại Kim Sơn
Công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân vùng ven biển.
Đã có rất nhiều chương trình dự án trồng rừng ngập mặn được triển khai như: Dự án "Trồng rừng ngập mặn - giảm thiểu rủi ro thảm họa" do Hội chữ Thập đỏ tỉnh Ninh Bình thực hiện; dự án "Trồng rừng ngập mặn ứng phó biến đổi khí hậu và chống xói lở bờ biển" do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện; dự án "661 trồng mới 5 triệu ha rừng" do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh thực hiện.
Được biết, dự án "Phục hồi và Quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng sông Hồng", viết tắt là KFS do Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Lâm nghiệp Hàn Quốc tài trợ với tổng vốn đầu tư 4,392 triệu USD, (tương đương gần 94 tỷ đồng).
Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc là 3,792 triệu USD, vốn đối ứng của Việt Nam là 0,6 triệu USD. Thời gian thực hiện trong 5 năm (từ 2020-2024) bao gồm cả thời gian chuẩn bị dự án. Địa điểm thực hiện: Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định và huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Ông Vũ Văn Tấn - Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn cho biết: "Năm 2021, trên địa bàn huyện Kim Sơn tiếp nhận dự án "Phục hồi và quản lý bền vững rừng ngập mặn vùng đồng bằng Sông Hồng", do Chính phủ Hàn Quốc viện trợ không hoàn lại, với các hạng mục: Trồng mới 240ha; phục hồi 20 ha; thiết lập 1 vườn ươm với quy mô 2 ha...".
Qua số liệu thống kê từ huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình các năm, rừng và đất lâm nghiệp tại huyện Kim Sơn có những biến đổi rõ nét.
Cụ thể, năm 2011, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp toàn huyện là 1208,03 ha, trong đó đất có rừng 492,67 ha; đất trống 715,36 ha.
Năm 2016, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp huyện Kim Sơn là 1432,94 ha, trong đó đất có rừng 511.9 ha; đất trống 921,02 ha. Năm 2022, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 1576,2 ha, trong đó đất có rừng 630.65 ha; đất trống 945,55 ha.
Người dân kiếm thêm tiền từ rừng ngập mặn
Nhờ trồng rừng ngập mặn, đời sống của hàng trăm hộ dân ở các xã ven biển huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) đã được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình khó khăn, không có tàu thuyền đi biển, hằng ngày vẫn có thể bắt cua, ốc, tôm cá ở rừng ngập mặn để bán lấy tiền chi tiêu sinh hoạt.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh (xóm 6, xã Kim Trung) chia sẻ: "Từ việc tận dụng mùa hoa cây sú, vẹt, gia đình tôi đã đầu tư nuôi hơn 100 thùng ong để khai thác phấn hoa. Sau khi hết mùa hoa sú vẹt, tôi di chuyển đàn ong đi nơi khác, cứ chỗ nào có hoa là tôi tìm đến. Bình quân cứ 7 ngày, tôi bắt đầu quay mật ong 1 lần, mỗi lần quay hơn 100 thùng ong. Tạm tính năng suất mỗi cầu ong cho từ 0,2-0,3kg mật ong, thì mỗi lần quay mật mong, tôi thu về gần 300kg".
Hiện, ông Ánh đang bán mật ong sú vẹt với giá từ 60.000-70.000 đồng/kg. Trừ mọi khoản chi phí, gia đình ông cũng bỏ túi vài chục triệu đồng mỗi tháng.
Bà Phạm Thị Hoa (xóm 4, xã Kim Đông) cho biết: "Tôi thường vào rừng ngập mặn để "săn" con rạm đồng. Cứ đi khoảng 3-5 tiếng là có 4-5 kg rạm, có ngày thu nhập cũng được nửa triệu đồng, tuy công việc cực nhọc nhưng bù lại chúng tôi có đồng ra đồng vào thường xuyên".
Việc khai thác phấn hoa cây sú, vẹt cũng như đánh bắt các loài thủy hải sản như: Con tôm, cá, cua, cáy… từ rừng ngập huyện Kim Sơn đã tạo sinh kế cho nhiều người dân nơi đây với mức thu nhập bình quân từ 100.000-200.000 đồng/ngày.
Ngoài ra, toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn huyện Kim Sơn hiện đã được hộ dân nhận khoán theo quy định của Nghị định 168/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về khoán rừng, vườn cây và diện tích mặt nước trong các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và Công ty TNHH một thành viên nông, lâm nghiệp Nhà nước.
Năm 2023, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Kim Sơn tổ chức ký hợp đồng bảo vệ rừng với 22 hộ nhận khoán (mỗi hộ ký hợp đồng không vượt quá 30 ha), mức hỗ trợ là 450.000 đồng/ha.
Các chủ rừng thường xuyên phối hợp với các hộ nhận khoán, Hạt Kiểm lâm Kim Sơn, chính quyền địa phương các xã có rừng thường xuyên tuần tra, kiểm soát không để tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng xảy ra.
Trồng rừng hướng phát triển du lịch xanh
Quan sát từ phóng viên Dân Việt, những cánh rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn đã tồn tại hàng chục năm tuổi, nhiều cây rừng cao 3-5m. Rừng vẫn được bảo tồn và phát triển ngày một xanh hơn, giàu có hơn.
Bên cạnh đó, rừng ngập mặn ven biển huyện Kim Sơn cũng là nơi trú ngụ của những đàn cò lớn, dưới tán là hệ sinh thái đang hồi sinh với với vô số tôm, cua, ốc, cáy...
Trồng rừng ven biển Kim Sơn còn đóng vai trò như "bức tường xanh" để giảm ảnh hưởng của ngập lụt, sóng, gió mạnh. Nhờ vậy mà rừng bảo vệ dân làng khỏi thiên tai bão lũ, sóng triều… Không những thế, các cánh rừng ở đây còn góp phần quan trọng bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy, hải sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.
Bên cạnh đó, trồng rừng còn tạo cơ sở cho địa phương xây dựng kế hoạch, đề án thu hút đầu tư phát triển các mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, tạo sinh kế bổ trợ cho người dân, góp phần giảm sức ép từ các hoạt của người dân đối với rừng.
Ông Trần Anh Khiêm-Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình) cho biết: "Trước kia, khu vực các xã ven biển huyện Kim Sơn luôn chịu tác động do biến đổi khí hậu như: Nước biển dâng, xâm nhập mặn, mưa lũ, sản lượng thủy sản giảm…Vì thế, việc tái tạo và phát triển rừng ngập mặn chính là xây dựng "bức tường xanh" để người dân an tâm lao động, sản xuất.
Việc trồng rừng không chỉ là nguồn hấp thụ carbon khổng lồ mà còn là nơi sinh sản và phát triển cho các loại sinh vật biển, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân khỏi thiên tai, bão lũ...Không chỉ thế, trồng rừng còn hướng đến phát triển du lịch xanh bền vững".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.