Trong thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Nhiều địa phương ghi nhận xuất hiện những ổ dịch tả lợn châu Phi gồm có huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳ Hợp, Đô Lương và thành phố Vinh. Toàn tỉnh Nghệ An hiện có đàn lợn hơn 981.000 con. Hiện, tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt nhằm khống chế dịch tả lợn châu Phi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, dịch tả lợn châu Phi chủ yếu xảy ra tại những nông hộ nhỏ, quy mô đàn lợn ít. Nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp là do điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, mầm bệnh tồn lưu trong môi trường, sau thời gian mưa lụt mầm bệnh phát tán rộng.
Hiện tại các nông hộ, trang trại chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn mong sớm triển khai tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi để an tâm chăn nuôi. Nhiều chủ trang trại đã được tập huấn kỹ thuật triển khai tiêm vắc xin trên đàn lợn. Trong khi đó, đối với những trang trại quy mô lớn, trang trại nuôi kết hợp lợn nái, lợn giống chưa triển khai tiêm vắc xin.
Nhiều năm chăn nuôi lợn với quy mô lớn, ông Lê Quốc Tân (trú tại huyện xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) chia sẻ, chúng tôi cũng được tham gia tập huấn tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi. Tôi thấy việc triển khai tiêm vắc xin trên đàn lợn thịt là rất tốt. Nếu có thể triển khai tiêm vắc xin trên diện rộng thì sẽ ngăn dịch lây lan, bà con cũng an tâm hơn khi chăn nuôi.
Ông Phạm Sỹ Tiến (trú tại xã Hưng Lộc, thành phố Vinh, Nghệ An) người chuyên nuôi lợn thịt chia sẻ, với quy mô đàn lợn ít, thường xuyên có người ra vào thì nguy cơ dịch bệnh rất cao. Nếu đàn lợn được tiêm vắc xin thì chúng tôi cũng an tâm hơn khi chăn nuôi. Bên cạnh đó, lợn khi xuất chuồng cũng đảm bảo an toàn.
Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An đã triển khai tiêm thử nghiệm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi trên đàn lợn thịt với sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn. Cụ thể, vắc xin được tiêm thử nghiệm là của Công ty cổ phần Avac Việt Nam. Đã có 188 con lợn của 3 hộ dân ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An được tiêm thử nghiệm.
Đến ngày 7/11, Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Nghệ An đã lấy 43 mẫu gửi Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương để xét nghiệm đánh giá hiệu quả kháng thể sau khi tiêm phòng. Hiện nay, đàn lợn đang sinh trưởng bình thường.
Trong khi chờ đánh giá, UBND tỉnh Nghệ An bố trí nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng chống, không để dịch lây lan, phát sinh ổ dịch mới. Thành lập các chốt kiểm soát tại các trục đường chính, triển khai khử trùng phương tiện, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật mẫn cảm với bệnh dịch tả lợn châu Phi ra vào vùng dịch.