Kiến nghị giảm bớt quy trình, thủ tục tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, tạo tâm lý yên tâm cho nông dân
Kiến nghị giảm bớt quy trình, thủ tục tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi, tạo tâm lý yên tâm cho nông dân
Khánh Nguyên
Thứ sáu, ngày 24/11/2023 17:55 PM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, các địa phương cần xem xét giảm bớt thủ tục khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi để việc tiêm phòng được thuận lợi hơn, quy mô lớn hơn, để không còn tâm lý e dè của người dân trong khi dịch bệnh vẫn đang có diễn biến phức tạp.
Dịch diễn biến phức tạp, dân vẫn e dè tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong 9 tháng năm 2023, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiếp tục kiểm soát tốt, riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch giảm gần 66% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm trên 72%.
Cụ thể, trong 9 tháng, cả nước xảy ra 389 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 153 huyện của 41 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là trên 15.000 con. Hiện nay, cả nước có 92 ổ dịch thuộc 46 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 3.870 con, số lợn chết và tiêu hủy là 4.252 con. Năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, cả nước thiệt hại khoảng 6 triệu con lợn.
Đáng chú ý, với sự hỗ trợ, hợp tác của các nhà khoa học Mỹ, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã sản xuất ra sản phẩm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi an toàn, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và PTNT cũng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh và xem xét, quyết định việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi.
Đơn cử như tại Yên Bái, tháng 10 vừa qua, tỉnh này đã triển khai tiêm 160 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi (AVAC ASF LIVE do Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) cho lợn nuôi thịt khỏe mạnh từ 4 tuần tuổi trở lên tại 5 hộ chăn nuôi của huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái (huyện Trấn Yên 2 hộ, 76 liều; thành phố Yên Bái: 3 hộ, liều 84 liều).
Qua theo dõi, các đàn lợn sau tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi đều phát triển bình thường, không phát hiện biểu hiện bất thường liên quan đến vaccine. Chi cục đã lấy 31 mẫu huyết thanh của 4 hộ sau tiêm vaccine DTLCP để xét nghiệm kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng.
Kết quả tại Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 7009 ngày 7/11/2023 của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương cho thấy: kháng thể dịch tả lợn châu Phi dương tính 31/31 mẫu, đạt tỷ lệ bảo hộ 100%. Một hộ chăn nuôi ở thành phố Yên Bái đã tiêm cho đàn lợn gia đình 24 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi do Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO nghiên cứu, sản xuất. Qua theo dõi sau tiêm phòng, lợn không thấy biểu hiện bất thường liên quan đến vaccine.
Tại một cuộc họp bàn giải pháp phòng chống dịch bệnh động vật những tháng cuối năm do Bộ NNPTNT tổ chức, bà Đinh Thị Thu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã mua 200 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi và đã tiêm phòng được 3 tháng. Đàn lợn được tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi phát triển tốt. "Công tác tiêm phòng thời gian vừa qua có hạn chế vì người dân lo ngại tiêm phòng bị chết nên chúng tôi đã tham mưu HĐND tỉnh Lạng Sơn ban hành nghị quyết hỗ trợ rủi ro cho các hộ tiêm phòng vaccine bắt buộc" – bà Thu nói.
Theo Báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT) (từ đầu năm đến hết tháng 10)
* Cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 44 tỉnh, thành phố.
* Hơn 18.000 con lợn đã phải tiêu hủy.
Giảm bớt quy trình, thủ tục tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi
Dù vaccine dịch tả lợn châu Phi đã chứng minh được tính hiệu quả, tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Thú y, đến thời điểm này, số lượng sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi còn hạn chế, do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn.
Theo Cục Thú y, tổng số vaccine dịch tả lợn châu Phi đã cung ứng, sử dụng từ lúc cấp phép lưu hành là trên 1,3 triệu liều. Số lượng vaccine cung ứng, sử dụng diện mở rộng sau khi Bộ NNPTNT ban hành Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 là gần 375.000 liều, trong đó gồm: 75.000 liều vaccine do Công ty Navetco sản xuất; 300.000 liều do Công ty AVAC sản xuất.
"Sau 3 tháng sử dụng, các báo cáo tham luận, người dân, doanh nghiệp sử dụng gia tăng rất mạnh, từ 5-10 lần; thứ hai, giúp cho địa phương, doanh nghiệp, người dân hiểu rõ hơn, dù đây là vaccine khó nhất trên thế giới trong ngành thú y, nhưng Việt Nam đã sản xuất thành công và chúng ta đã tổ chức triển khai có hiệu quả" – ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y đánh giá và mong các địa phương, người chăn nuôi yên tâm sử dụng theo đúng hướng dẫn của các nhà sản xuất.
"Thực tế đã chứng minh những người dân, doanh nghiệp đã sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi đều cho thấy kết quả sử dụng an toàn, hiệu lực, thậm chí đáp ứng miễn dịch trên 90%" – ông Long khẳng định. Cùng với việc sử dụng vaccine ở trong nước, Công ty AVAC đã xuất khẩu 300.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi sang Philippines. Số lượng vaccine đã sản xuất và đang bảo quản tại kho của các công ty là trên 2 triệu liều.
Lý giải về việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi còn hạn chế, TS. Trần Xuân Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) cho biết, việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi chưa cao do người dân còn e dè vì đây là vaccine quá mới.
"Mặc dù Trung ương có chỉ đạo quyết liệt, nhưng đôi khi ở dưới tỉnh có thể người ta vẫn còn ngại" – ông Hạnh nhận định và cho biết một lý do khác là kinh phí các địa phương bố trí để tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi còn hạn chế.
Ông Hạnh kiến nghị xây dựng cơ chế tiêm phòng vacxin bắt buộc từ Trung ương đến địa phương, cùng chính sách hỗ trợ giai đoạn đầu để người dân hiểu và quen về loại vaccine còn mới này.
Từ thực tế ở Lạng Sơn, bà Thu cho rằng, nguyên nhân phát sinh các ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Lạng Sơn là do chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn sinh học, các ổ dịch cũ. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều cơ sở giống, con giống đưa từ các tỉnh khác vào không rõ nguồn gốc, không kiểm soát được.
Từ thực tế, đó, bà Thu kiến nghị các công ty phối hợp với địa phương để giám sát, chọn đối tượng cụ thể cho tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi có hiệu quả tốt hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.