Nguy cơ tái phát rất cao, chủ nuôi lợn vẫn e dè tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi
Nguy cơ tái phát rất cao, chủ nuôi lợn vẫn e dè tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi
Khương Lực
Thứ sáu, ngày 03/11/2023 18:30 PM (GMT+7)
Mặc dù Bộ NNPTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7/2023, nhưng số lượng sử dụng còn hạn chế, do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn.
Ngày 3/11, Bộ NNPTNT tổ chức hội nghị phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Một trong những vấn đề được lãnh đạo Bộ NNPTNT và các doanh nghiệp, địa phương quan tâm là nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan diện rộng trong thời gian tới là rất cao, nhưng số lượng sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi còn rất hạn chế.
Vấn đề sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi được đề cập nhiều tại Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, diễn ra ngày 3/11, tại Hà Nội. Ảnh: Khương Lực
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Long – Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên thế giới diễn biến rất phức tạp. Đối với dịch tả lợn châu Phi, tính đến 31/6/2023, Tổ chức Thú y thế giới (WOAH/OIE) đã ghi nhận trên 10.000 ổ dịch dịch tả lợn Châu Phi tại 37 quốc gia thuộc 3 châu lục châu Á, châu Phi và châu Âu. Trong đó, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với số động vật mắc bệnh gần 450.000 con, tiếp đến là châu Á với xấp xỉ 100.000 con.
Tại Việt Nam, từ đầu năm đến ngày 31/10/2023, cả nước đã xảy ra 481 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 42 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 18.110 con lợn; trong đó, dịch bệnh trầm trọng và dai dẳng nhất tại một số tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Đăk Lăk, Sơn La. Hiện nay, cả nước có 107 xã thuộc 58 huyện của 23 tỉnh chưa qua 21 ngày.
Vào tháng 7/2023, Bộ NNPTNT đã có văn bản cho phép sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi trên phạm vi toàn quốc, nhưng theo đánh giá của Cục Thú y, số lượng sử dụng còn hạn chế, do một số địa phương, chủ nuôi lợn chưa thực sự quan tâm, còn tâm lý e ngại chưa tiêm cho đàn lợn.
Theo Cục Thú y, tổng số vaccine dịch tả lợn châu Phi đã cung ứng, sử dụng từ lúc cấp phép lưu hành là trên 1,3 triệu liều. Số lượng vaccine cung ứng, sử dụng diện mở rộng sau khi Bộ NNPTNT ban hành Công văn số 4870/BNN-TY ngày 24/7/2023 là gần 375.000 nghìn liều, trong đó gồm: 75.000 liều vaccine do Công ty Navetco sản xuất; 300.000 liều do Công ty AVAC sản xuất.
"Sau 3 tháng sử dụng, các báo cáo tham luận, người dân, doanh nghiệp sử dụng gia tăng rất mạnh, từ 5-10 lần; thứ hai, giúp cho địa phương, doanh nghiệp, người dân hiểu rõ hơn, dù đây là vaccine khó nhất trên thế giới trong ngành thú y, nhưng Việt Nam đã sản xuất thành công và chúng ta đã tổ chức triển khai có hiệu quả" – ông Nguyễn Văn Long đánh giá và mong các địa phương, người chăn nuôi yên tâm sử dụng theo đúng hướng dẫn của các nhà sản xuất.
"Thực tế đã chứng minh những người dân, doanh nghiệp đã sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi đều cho thấy kết quả sử dụng an toàn, hiệu lực, thậm chí đáp ứng miễn dịch trên 90%" – ông Long khẳng định. Cùng với việc sử dụng vaccine ở trong nước, Công ty AVAC đã xuất khẩu 300.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi sang Philippines. Số lượng vaccine đã sản xuất và đang bảo quản tại kho của các công ty là trên 2 triệu liều.
Dù vậy, trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan ra diện rộng thì việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi còn hạn chế. Lý giải về việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi còn hạn chế, TS. Trần Xuân Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương (Navetco) cho biết, việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi chưa cao do người dân còn e dè vì đây là vaccine quá mới.
"Mặc dù Trung ương có chỉ đạo quyết liệt, nhưng đôi khi ở dưới tỉnh có thể người ta vẫn còn ngại" – ông Hạnh nhận định và cho biết một lý do khác là kinh phí các địa phương bố trí để tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi còn hạn chế.
Về mặt vaccine, tôi trực tiếp làm vaccine này và được các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá đây là vaccine rất tốt, đạt an toàn, hiệu quả phòng dịch rất cao. Nếu chúng ta có một chính sách tốt để việc tiêm phòng được phủ rộng ra thì tôi nghĩ dịch tả lợn châu Phi dần dần sẽ hạn chế được rất nhiều" – ông Hạnh nói
Nói về tình hình dịch tả lợn châu Phi, bà Đinh Thị Thu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lạng Sơn cho biết, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã xảy ra 76 ổ dịch với khoảng 2.300 con lơn bị tiêu hủy, trong đó có 380 con lợn nái; số còn lại cơ bản là lợn con. "Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn còn 4 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 4 xã chưa qua 21 ngày" – bà Thu thông tin.
Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã mua 200 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi và đã tiêm phòng được 3 tháng. Đàn lợn được tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi phát triển tốt. "Công tác tiêm phòng thời gian vừa qua có hạn chế vì người dân lo ngại tiêm phòng bị chết nên chúng tôi đã tham mưu HĐND tỉnh Lạng Sơn ban hành nghị quyết hỗ trợ rủi ro cho các hộ tiêm phòng vaccine bắt buộc" – bà Thu nói và cho biết việc tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi chưa có trong danh sách bắt buộc nên chưa được hỗ trợ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, tốc độ tăng trưởng chăn nuôi trong 10 năm vừa qua rất cao, dự kiến năm nay tăng 5%. Nếu không làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh thì không thể đạt kết quả tăng trưởng cao như vậy.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các địa phương phải "nhìn thẳng vào sự thật" để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trước nguy cơ tái phát và lay lan dịch bệnh rất cao trong thời gian tới, ngăn ngừa tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. "Riêng vaccine dịch tả lợn châu Phi, chúng ta đã làm rất công phu, rất kỹ, tất nhiên giai đoạn đầu có trục trặc nhất định, nhưng Bộ NNPTNT đã tổ chức rút kinh nghiệm, điều chỉnh ngay" – ông Tiến nói.
Theo đánh giá của Cục Thú y, trong 10 tháng đầu năm 2023, về cơ bản các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm tiếp tục được kiểm soát tốt so với cùng kỳ năm 2022. Bệnh dịch tả lợn Châu Phi có số ổ dịch giảm 60% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm 68%. Bệnh cúm gia cầm có số ổ dịch giảm 54% và số gia cầm chết, tiêu hủy giảm 63%. Bệnh viêm da nổi cục có số ổ dịch giảm 60%; số trâu, bò mắc bệnh giảm 80%; số chết, tiêu hủy giảm 79%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.