Dịch tả lợn châu Phi diễn biến thế nào mà UBND tỉnh Nghệ An ban hành công điện khẩn?

Thắng Tình Thứ bảy, ngày 28/10/2023 06:00 AM (GMT+7)
UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công điện khẩn số 33/CĐ-UBND ngày 23/10 về việc tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến rất phức tạp ở Nghệ An.
Bình luận 0

Trong hơn 9 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có 64 ổ dịch tả lợn châu Phi, 3 ổ dịch cúm gia cầm, 10 ổ dịch dại. Đặc biệt, thời gian gần đây, bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát ra diện rộng. Trong đó, tình hình dịch đang diễn biến phức tạp tại các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳ Hợp.

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Nghệ An ban hành công điện khẩn để ứng phó - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh: N.T

Nhận định trong thời gian tới, các dịch bệnh phát sinh và có nguy cơ lây lan cao, do một số địa phương còn chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; công tác tiêm phòng vắc-xin vụ xuân cho đàn vật nuôi ở một số địa phương còn đạt tỷ lệ thấp...

Vì thế, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, trong đó, chú trọng những nội dung sau:

Các huyện đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, tập trung mọi nguồn lực triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống, không để dịch lây lan, kéo dài và phát sinh ổ dịch mới. Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh gồm: Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 19/3/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành kịch bản ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Nghệ An; Quyết định số 3385/QĐ-UBND ngày 01/10/2020 về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi giai đoạn 2020 - 2025.

Dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, Nghệ An ban hành công điện khẩn để ứng phó - Ảnh 2.

Cơ quan chức năng tiến hành phun hóa chất khử trùng tại điểm phát hiện dịch tả lợn châu Phi ở xã Tân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh: N.T

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch mới phát sinh. Báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh từ cơ sở đến cấp xã, huyện, tỉnh theo đúng quy định. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch lây lan rộng, gây ảnh hưởng đến người dân và cộng đồng.

Thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn; tập trung vùng có dịch, vùng có nguy cơ cao xảy ra dịch bệnh, vùng bị ngập úng. Bố trí kinh phí thực hiện các kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật đã phê duyệt tại địa phương.

Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống đói rét, dịch bệnh, tiêm phòng, chăn nuôi an toàn sinh học. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem