Bên cạnh đó, trồng rừng ở Nghệ An còn giúp hấp thụ carbon mở ra một thị trường rất lớn đó là giao dịch tín chỉ carbon
Làm giàu dưới tán rừng pơ mu quý hiếm đẹp như phim
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 1 triệu ha đất có rừng, là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp, cùng với độ che phủ rừng lớn nhất cả nước.
Diện tích rừng của Nghệ An chủ yếu phân bố ở khu vực 11 huyện miền núi phía Tây.
Đây cũng là vùng có đặc điểm địa hình rất thuận lợi cho phát triển nhiều ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực như: kinh tế rừng (khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng), trồng dược liệu, sản xuất nông sản sạch (chăn nuôi, trồng trọt), phát triển du lịch.
Trồng rừng, tăng mật độ che phủ rừng không chỉ giúp hấp thụ carbon, ngoài ra còn tạo sinh kế, giúp người dân các huyện miền núi Nghệ An có thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Ông Vừ Vả Chống (SN 1967, trú tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) người làm giàu từ việc trồng và phục hồi cánh rừng pơ mu. Ông Chống là người đầu tiên trong xã tiên phong trồng rừng pơ mu, sa mu phát triển kinh tế, có của ăn của để.
Hiện tại ông Chống có cho mình hơn 10ha rừng pơ mu với những thân cây cao lớn. Dưới tán rừng pơ mu ông Chống trồng chè Shan Tuyết, thả gà, lợn rừng.
Được tán cây pơ mu che nắng, cây chè tuyết san phát triển rất tươi tốt. Mỗi năm ông Chống có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả của việc trồng cây pơ mu trong vườn chè, nhiều người dân trong xã trong xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và làm theo.
Nhờ cánh rừng pơ mu đẹp như phim ông Chống có thu nhập ổn định, nuôi các con ăn học, đỗ đạt cao.
Từ mô hình của ông Chống nhiều người dân trong bản học tập theo và bắt đầu trồng rừng. Nhờ vậy, diện tích rừng pơ mu trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Nghệ An không ngừng được mở rộng.
Đặc biệt thời gian gần đây ông Chống còn làm thêm các điểm check in để phục vụ khách du lịch, tăng thêm thu nhập.
Gia đình ông Vừ Vả Chống đang "ấp ủ" biến hơn 10ha rừng pơ mu, sa mu và chè shan tuyết này thành khu du lịch sinh thái, để người dân địa phương và du khách đến tham quan. Ông Chống mong muốn, khi vào tham quan, người dân sẽ thay đổi nhận thức từ đó trồng, bảo vệ và giữ rừng cho tương lai.
Đầu ra ổn định, hàng ngàn ha rừng tre mét giúp dân thoát nghèo, hấp thụ carbon
Những năm gần đây, diện tích trồng tre, mét của người dân ở huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An đã tăng mạnh, nhất là từ khi có các doanh nghiệp thu mua với giá ổn định.
Những cánh rừng tre, mét giờ đây được trồng bạt ngàn ở huyện miền núi tỉnh Nghệ An. Không chỉ có tác dụng trong phát triển kinh tế, cây tre mét còn góp phần giúp hạn chế lũ lụt, xói mòn, sạt lở núi.
Cây tre, mét dễ trồng và phát triển rất nhanh, không tốn công chăm sóc. Sau khoảng 2 năm cây bắt đầu cho thu hoạch. Đặc biệt, loại cây này chỉ cần trồng một lần là có thể cho thu hoạch đến 50 năm.
Từ khi cây còn non, người dân có thể thu hoạch măng bán làm thực phẩm. Măng là loại thực phẩm rất được ưa chuộng. Cây già có thể làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí các công trình, làm nguyên liệu giấy.
Hiện tại, toàn huyện Tương Dương có hơn 2.000ha rừng trồng tre, mét. Diện tích rừng tre, mét tập trung ở các xã như Tam Quang, Thạch Giám, Yên Thắng, Tam Thái, Tam Đình.
Đặc biệt, vào năm 2022, UBND huyện Tương Dương đã thông qua "Đề án phát triển cây tre, mét giai đoạn 2021 - 2025". Ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, khai thác cho người dân địa phương, huyện đặt mục tiêu mở rộng rừng tre, mét, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến, tăng giá trị cho cây tre, mét.
Huyện Tương Dương cùng các đơn vị đang xúc tiến xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững, làm vùng nguyên liệu cho một số nhà máy trên địa bàn. Đồng thời phát triển diện tích rừng trồng tre, mét từ 2.000ha lên 10.000ha.
Nghệ An tiếp cận thị trường lớn tín chỉ carbon
Đặc biệt, tại Nghệ An nơi có diện tích rừng keo keo rất lớn. Cây keo lai được trồng để khai thác gỗ mang lại giá trị cao. Trong quá trình trưởng thành, cây keo lai là một trong các loại cây rừng hấp thụ carbon rất hiệu quả. Trồng keo hiện đang là nguồn phát triển kinh tế rừng chủ yếu tại tỉnh Nghệ An.
Theo số liệu của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh Nghệ An có hơn 172.000ha rừng trồng đã thành rừng và hơn 51.800ha rừng trồng chưa thành rừng. Trong số đó, diện tích rừng trồng các loài keo trên đất rừng sản xuất có khoảng hơn 150.000ha, chiếm tới 90% diện tích rừng trồng nói chung.
Trồng rừng, phát triển kinh tế rừng không chỉ tăng thu nhập cho người dân còn mở ra một thị trường rất mới, giàu tiềm năng đối với tỉnh Nghệ An đó là thị trường giao dịch tín chỉ carbon. Đây là một thị trường có nguồn thu lớn.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang trong giai đoạn tiếp cận. Cùng với các chủ trương lớn của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Nghệ An đang từng bước chuẩn bị cho việc tiếp cận thị trường giao dịch tín chỉ carbon.
Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An cũng đang hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách theo quy định mới có có thể tiếp cận thị trường tiềm năng này.
Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục triển khai, góp phần nâng cao giá trị thặng dư của rừng từ cung ứng dịch vụ môi trường rừng thông qua thị trường carbon; thực hiện tốt Nghị định Chính phủ về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ sau khi được ban hành.