Trồng cây keo vừa tốt môi trường cảnh quan, nông dân một huyện ở Đắk Lắk có thu nhập tốt hơn

Nguyễn Thị Phượng (Trạm KN M’Đrắk/TTKN Đắk Lắk) Thứ bảy, ngày 25/11/2023 07:35 AM (GMT+7)
Những năm qua, bên cạnh chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện M’Đrắk (tỉnh Đắk Lắk) đã đầu tư trồng keo nguyên liệu giấy, cây keo đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bình luận 0

Xã Cư Króa là một trong những xã có diện tích trồng keo lớn ở huyện M’Đrắk, (tỉnh Đắk Lắk) hiện có trên 3.300 ha, chiếm trên 80% diện tích tự nhiên của xã. 

Trồng cây keo nguyên liệu từ lâu đã trở thành nghề cho thu nhập chính của nhiều hộ dân, sau 3-4 năm trồng sẽ cho sản lượng từ 110-120 tấn/ha, sau khi trừ chi phí người trồng keo lãi trên 50 triệu đồng/ha.

Trồng cây keo vừa cải thiện môi trường, nông dân một huyện ở Đắk Lắk có thu nhập tốt hơn - Ảnh 1.

Người dân huyện M’Đrắk đang thu hoạch keo 

Một trong những hộ thoát nghèo ở xã Cư Króa nhờ trồng keo là gia đình anh Phạm Văn Thanh ở thôn 7, gia đình anh có 13 ha trồng cây keo nguyên liệu.

Trồng cây keo vừa cải thiện môi trường, nông dân một huyện ở Đắk Lắk có thu nhập tốt hơn - Ảnh 2.

Trồng keo nguyên liệu giấy giúp phủ xanh đất đồi, rừng, giúp nhiều hộ nông dân Đắk Lắk có nguồn thu nhập bền vững.

Anh Thanh cho biết: “Trước đây, đất rẫy nhà tuy có diện tích lớn nhưng vì đất xấu, có địa hình dốc, chủ yếu là đất pha cát không màu mỡ, mùa nắng thì đất không giữ được nước nên khô rất nhanh, mùa mưa thì đất ngậm nước nên dễ úng và trồng cây gì cũng khó phát triển.

Vì vậy, thời ấy nhà tôi chủ yếu là trồng mấy cây hoa màu ngắn ngày lấy công làm lãi vì vậy kinh tế rất khó khăn. Từ năm 2016 đến nay, gia đình chuyển toàn bộ đất rẫy qua trồng keo nguyên liệu giấy và đến nay đã cho thu hoạch được hai lần nên kinh tế đã ổn định hơn, không hiểu vì lý do gì mà cây keo nguyên liệu rất phù hợp với chất đất vùng này, phát triển nhanh mà thương lái rất thích mua”.

Anh Thanh chia sẻ về kỹ thuật trồng keo của gia đình mình: “Đối với việc trồng và chăm sóc cây keo thì cũng như nhiều cây trồng khác, phải để tâm và chăm sóc kỹ lưỡng mới có thành quả tốt. Trước khi trồng phải làm sạch cỏ dại, tốt nhất là trồng vào đầu mùa mưa.

Tùy thời tiết, cũng có thể bón phân NPK cho cây luôn hoặc để sau trồng khoảng 2 tháng thì bón, với lượt bón đầu thì khoảng 80 kg/ha. Sau khoảng 4 đến 5 tháng thì phun thuốc diệt cỏ dại; cây được khoảng hơn 2 năm thì phát cỏ và bón phân NPK đợt 2 khoảng 200 kg/ha, sau đó chờ thu hoạch”.

Cũng từ anh Thanh cho biết thêm, trong thôn 7 của xã anh, rất nhiều hộ đã chuyển từ các cây trồng khác sang trồng keo hoàn toàn, tuy có những lúc giá keo xuống thấp nhưng so với thu nhập các loại cây trồng khác thì cũng không ảnh hưởng nhiều. 

Trồng cây keo vừa cải thiện môi trường, nông dân một huyện ở Đắk Lắk có thu nhập tốt hơn - Ảnh 3.

Thu hoạch keo nguyên liệu giấy trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Nhờ trồng keo mà rất nhiều hộ trong thôn cuộc sống có phần sung túc hơn, nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên. 

Người dân trong thôn còn ý thức được rằng; cây keo, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bản thân người trồng mà còn giúp đất có độ che phủ, giảm xói mòn và bạc màu.

Để phát triển kinh tế rừng bền vững, giúp người dân yên tâm gắn bó với trồng rừng, huyện M’Đrắk đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, Ủy ban nhân dân các xã huyện M’Đrắk, (tỉnh Đắk Lắk) đẩy mạnh tuyên truyền và phối kết hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn cho người trồng rừng.

Nội dung tập huấn gồm các giải pháp kỹ thuật nâng cao chất lượng, năng suất rừng trồng; liên kết với các doanh nghiệp chế biến trong và ngoài tỉnh để tạo vùng nguyên liệu tập trung và có đầu ra ổn định, giá cả cạnh tranh cho gỗ nguyên liệu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem