Chúng tôi đến thôn Cấp Tiến 2 (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) tìm ông Trần Trọng Mẫn - người nổi tiếng trong giới chơi cây cảnh với bàn tay khéo léo.
Nhìn cách ông Mẫn chăm sóc cây cảnh, nhiều người ví như đang "múa" trên từng tán cây.
Ông Mẫn, 57 tuổi, hàng ngày vẫn dành nhiều thời gian cho công việc chăm sóc, tạo dáng cho từng chậu cây trong chính căn vườn của mình.
Theo lời kể, năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương, ông lựa chọn nghề truyền thống của cha ông, khao khát phát triển kinh tế, làm giàu trên mảnh đất chôn rau cắt rốn.
Làng Cấp Tiến có truyền thống làm cây cảnh từ xưa, nhà nào ít thì đôi cây, nhiều thì cả vườn.
Năm 2010, Nam Định rộ lên phong trào, cơn sốt chơi cây cảnh, bonsai người người nhà nhà đều ráo riết tìm cây, từ đấy mọc lên hàng trăm làng nghề buôn cây cảnh.
Cứ ngỡ cơn sốt ấy là cú hích giúp nghề làm cây cảnh phát triển rộng rãi.
Tuy nhiên sau một thời gian thì thú chơi này lại bắt đầu thoái trào, rất nhiều làng không bỏ nghề thì cũng lao đao vì hiếm khách. Thôn Cấp Tiến 2 là số ít trong những làng nghề có thể bám trụ đến giờ.
"Thời gian đầu làm khó khăn lắm. Chiến sĩ trẻ mà, làm gì có tiền. Tôi vừa vay mượn, vừa tích góp. Kết hợp chăn nuôi lợn, gà, nấu rượu để phụ thêm. Rồi có bao nhiêu tiền, tôi đầu tư vào cây cảnh cả. Được cái khéo tay, yêu cây nên tôi làm quên cả mệt nhọc", ông Mẫn tâm sự.
Lúc ít tiền, ông Mẫn đầu tư theo kiểu ít, phôi cây được ông mua từ vườn các hộ dân, đem trồng để tạo thế. Ông lặn lội, tìm tòi nhưng cây mang dáng vẻ kỳ quái, thân gốc xù xì, dáng lạ, mua với giá rẻ rồi về chăm sóc thêm, tạo kiểu để ra nhưng tác phẩm đặc sắc.
Như một lẽ tự nhiên, việc làm cây cảnh đã thấm sâu vào máu thịt, đem đến cho chàng trai Trần Trọng Mẫn niềm say mê bất tận.
Sau thời gian dài đầu tư, ông Mẫn hình thành khu vườn đủ các loại cây, với các thế khác nhau, đa dạng chủng loại.
Từ chính cách làm đó, ông Mẫn trở nên có tiếng trong làng cây cảnh, nhiều người biết, tìm đến mua.
Theo ông Mẫn, tỉ mỉ khéo léo ngay từ những chiếc lá nhỏ nhất là đức tính không thể thiếu khi làm nghề cây cảnh: "Để có một thế cây tâm đắc nhất, có khi phải mất hàng chục năm mới được dáng độc, lạ, thuộc dạng hiếm".
Những cây có giá trị cao thường phải được chăm sóc tỷ mỷ, công phu, trau chuốt cẩn thận, cây có “lý lịch” rõ ràng, xuất xứ từ đời vua chúa, quan lại ngày xưa thì càng có giá trị cao, thường được giới sành chơi săn lùng ráo riết, người sở hữu coi như báu vật của gia chủ.
Những cây như thế chỉ để chơi, chứ ít khi bán. Giá trị của cây không thể đong đếm, có những cây thuộc hàng vô giá.
"Uốn cây không thể nôn nóng, vội vàng, phải dùng kỹ thuật uốn từ từ", ông Mẫn nói.
Hiện nay, khu vườn nhà ông Mẫn trồng các loại cây sanh, si, đa, đề, tùng la hán, lộc vừng, dành dành, phong lan tai trâu… Nhiều cây có giá hàng từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Đặc biệt, khu vườn có cây lộc vừng thế lão mai tuổi đời khoảng 70 năm, cây sanh cổ thụ thế long giáng, có người trả nửa tỷ đồng mỗi cây nhưng ông Mẫn vẫn chưa bán.
Ông Mẫn bảo, thu nhập nghề mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Lao động chủ yếu là người trong gia đình nên coi như lấy công làm lãi: "Nhờ có nghề cây cảnh, gia đình bác mới có cơ ngơi khang trang, nuôi con ăn học trưởng thành đàng hoàng".
Ông Trần Trọng Mẫn cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây cảnh cho các thành viên trong hội sinh vật cảnh; đồng thời, tích cực giúp đỡ những người trồng cây cảnh tại địa phương, có thêm điều kiện phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, ổn định cuộc sống. Với ông, được chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng là niềm vui, hạnh phúc, vinh dự lớn lao.
Hiện nay, nhiều người chơi cây đều biết tay nghề của ông Mẫn tìm đến chơi, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức cây cảnh nghệ thuật, mua cây tại vườn.
Lâu lâu ông Mẫn cũng có những chuyến đi xa, mạn Tây Bắc, Bắc Trung Bộ do được nhiều người nhờ đến tận nhà chăm sóc, tạo thế cho cây cảnh.
"Dù tỉa cây cho mình hay của khách, tôi luôn cẩn thận, tỉ mỉ, nhiệt tình, gửi gắm, thổi hồn vào từng thế cây", ông Mẫn nói.
Suy nghĩ tích cực trước mọi khó khăn có lẽ là yếu tố riêng giúp ông Mẫn thành công trong sự nghiệp, trở thành một nghệ nhân cây cảnh nổi tiếng.
Ông tâm sự: “Chơi cây mang lại rất nhiều cảm xúc đặc biệt, giúp tâm hồn thanh thản, an nhiên, tĩnh tại sau một ngày làm việc vất vả, căng thẳng. Những buổi chiều thanh vắng, ánh hoàng hôn chạng vạng, hay khi buổi tối ngắm trăng thưởng nguyệt bên vườn cây, lòng vơi đi bao lo toan, bộn bề, bon chen của cuộc sống mưu sinh. Con người như được trở về với thiên nhiên, hòa mình cùng cỏ, cây, hoa lá, chim muông”.