Đang đêm tối trời, tại một nơi ở Vĩnh Long, dân tình đốt đuốc lá dừa cháy rừng rực rủ nhau đi đâu?

Trung Kiên (Cổng TTĐT TTTT XTDL Vĩnh Long) Thứ tư, ngày 06/12/2023 08:08 AM (GMT+7)
Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long cũng hoàn chỉnh kịch bản chương trình đốt đuốc lá dừa đi xem Hát bội tại các đình làng, phục vụ nhu cầu của du khách về tham quan, tìm hiểu và từng bước đưa Hát bội trở thành sản phẩm du lịch đặc thù chỉ có tại Vĩnh Long...
Bình luận 0

Vĩnh Long - vùng đất được mệnh danh “địa linh nhân kiệt”, với nhiều di tích lịch sử - văn hóa độc đáo, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa bởi sự giao thoa của các dân tộc: Kinh, Hoa, Chăm và Khmer. 

Giao thoa văn hóa, hệ thống di tích lịch sử-văn hóa được xem là tài nguyên du lịch quan trọng, là yếu tố không thể thiếu trong nhiều chương trình du lịch nhằm tạo nên nét riêng, nét độc đáo cho từng địa phương ở Vĩnh Long. 

Có một loại hình nghệ thuật độc đáo đã tồn tại hàng trăm năm qua gắn liền với hoạt động tại các đình làng Nam bộ nói chung và Vĩnh Long nói riêng, đó chính là nghệ thuật Hát bội, một loại hình nghệ thuật đang tạo ra một điểm nhấn văn hóa khác biệt cho tỉnh nhà.

Hát bội là một loại hình sân khấu cổ điển của Việt Nam, được xuất hiện ở Nam bộ vào khoảng đầu thế kỷ XIX và gắn liền với tín ngưỡng thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh.

Trong các dịp lễ hội ở các đình làng, trước để dâng cúng thần linh, sau đó tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi cho bà con nông dân trong lúc nông nhàn. Hát bội mang tính tượng trưng - ước lệ về: chính trị - sân khấu, điệu bộ, ca điển, vẻ mặt và y trang.

Đang đêm tối trời, tại một nơi ở Vĩnh Long, dân tình đốt đuốc lá dừa cháy rừng rực rủ nhau đi đâu? - Ảnh 1.

Hát bội ở đình tại Vĩnh Long.

Hình thức của Hát bội là những nghi thức tấu trình, thưa bẩm, nghi lễ được quy ước theo khuôn khổ của cung đình. Theo dòng chảy thời gian, nghệ thuật Hát bội dần bén rễ trong dân gian. 

Với tâm tình phóng khoáng, người Nam bộ không có quan niệm Hát bội dành cho giới thượng thương, từ đó Hát bội cũng rũ bỏ những nghi thức rườm rà, mang tính bác học như ngày xưa mà thay vào đó là những giai điệu vui tươi cùng với tình thần cởi mở của người dân Nam bộ, người dân ở vùng đất mới.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, trước đây có rất nhiều gánh Hát bội nổi tiếng, nhiều nghệ nhân tài năng, trong đó có gánh Hát bội Đồng Thinh tỉnh Vĩnh Long vẫn còn tồn tại và phát triển đến ngày nay. 

Đáng chú ý, đoàn Hát bội Đồng Thinh đã góp phần làm sống lại nghệ thuật Hát bội, cụ thể là đoàn đã từng đi biểu diễn ở Hà Nội nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và các nghệ nhân của đoàn Hát bội Đồng Thinh cũng vinh dự tham dự Lễ hội Smithsonian 2007 với chủ đề Mê Kông - dòng sông kết nối các nền văn hoá. 

Đây là lễ hội giới thiệu loại hình nghệ thuật truyền thống của các nước trong khu vực sông Mê Kông được tổ chức tại Mỹ và Việt Nam lần đầu tiên tham dự lễ hội này và cũng từ đó, nghệ thuật Hát bội Vĩnh Long được nhiều người biết đến và quan tâm nhiều hơn.

Đang đêm tối trời, tại một nơi ở Vĩnh Long, dân tình đốt đuốc lá dừa cháy rừng rực rủ nhau đi đâu? - Ảnh 2.

Nghệ nhân đoàn tuồng cổ Đồng Thinh Vĩnh Long

Hát bội miền Nam với hát bội Miền Trung đồng điệu về hình thức sân khấu ước lệ, điệu bộ, cổ trang (mặt nạ), hóa trang, đạo cụ, nhạc cụ … ; nhưng có khác về bài bản, làn điệu và gắn bó trong văn hóa nghệ thuật dân gian cộng đồng, hoạt động văn hóa đình làng. 

Đến thế kỷ XIX đã có hàng trăm ngôi đình theo tục lệ cúng bái lễ Kỳ Yên, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, thiên tai tránh khỏi, được mùa bội thu. 

Từ đó Hát bội độc chiếm và được xem là loại hình nghệ thuật phục vụ nghi lễ, song song với việc phục vụ giải trí cho công chúng. 

Bên cạnh đó, Hát bội Miền Nam mang những giai điệu gần gũi, nhẹ nhàng, vui tươi hơn đồng thời kết hợp với những cách thức biểu diễn, âm nhạc của người Hoa trên đất Nam bộ, cùng tinh thần cởi mở của miền đất mới, Hát bội Nam bộ dần hình thành những đặc trưng riêng: mạnh mẽ hơn, màu sắc hơn, náo nhiệt hơn, vui tươi hơn.

Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Hát bội ở Vĩnh Long cũng như nhiều địa phương khác trong khu vực dần bị mai một và lãng quên theo thời gian. Vì vậy, vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của loại hình nghệ thuật này luôn được quan tâm, nhất là của ngành văn hóa và du lịch tỉnh Vĩnh Long trong tiến trình hội nhập hiện nay.

Nhận thấy những khó khăn, bất cập trước mắt trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống Hát bội, ngày 03 tháng 11 năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Quyết định số 2998/QĐ-UBND về việc Phê duyệt Đề án xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Vĩnh Long.

Đang đêm tối trời, tại một nơi ở Vĩnh Long, dân tình đốt đuốc lá dừa cháy rừng rực rủ nhau đi đâu? - Ảnh 3.

Đang đêm tối trời, tại một nơi ở Vĩnh Long, dân tình đốt đuốc lá dừa cháy rừng rực rủ nhau đi đâu? - Ảnh 4.

          Trải nghiệm chương trình ban đêm đốt đước lá dừa đi xem Hát bội ở đình làng do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long tổ chức.

Đề án ra đời với mục đích nhằm xác định và xây dựng sản phẩm du lịch mang nét đặc thù của tỉnh Vĩnh Long phù hợp với nhu cầu thị trường, làm cơ sở liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả lợi thế và tiềm năng cho phát triển du lịch, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh của du lịch tỉnh nhà.

Đây được xem là một trong những bước ngoặc quan trọng trong chặng đường xây dựng sản phẩm du lịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa trong tương lai.

Đề án tập trung xây dựng, phát triển 4 sản phẩm du lịch đặc thù gồm: Du lịch homestay; Du lịch nông nghiệp; Du lịch làng nghề và Du lịch văn hóa. Đặc biệt, du lịch văn hóa được xem là sản phẩm du lịch định hướng phát triển trong thời gian tới trong đó có nghê thuật Hát bội. Hiện nay, Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Vĩnh Long cũng đang thực hiện một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật Hát bội như sau:

Trung tâm sẽ phối hợp với đoàn hát bội Đồng Thinh tổ chức biên tập, điều chỉnh lại một số nội dung của một vài tuồng hát chính như: Bức Ngôn Đồ Đại Việt, Câu Thơ Dũng Tướng, …cho phù hợp với thời lượng và nhu cầu của du khách. Để góp phần quảng bá với du khách về loại hình nghệ thuật này.

Tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá loại hình nghệ thuật hát bội trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội và các sự kiện du lịch.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, nhận diện, tư liệu hóa nghệ thuật Hát bội và tổ chức tập huấn để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Xây dựng video, chuyên mục riêng về Hát bội cung cấp cho các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu cho người đân, du khách trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Trung tâm đang hoàn chỉnh kịch bản chương trình đốt đuốc lá dừa đi xem Hát bội tại các đình làng Vĩnh Long phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu và từng bước đưa Hát bội trở thành sản phẩm du lịch đặc thù chỉ có tại Vĩnh Long. 

Hiện nay, Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Long đang trình UBND tỉnh xin chủ trương xây dựng đề án bảo tồn nghệ thuật Hát bội. Đây được xem là một tín hiệu mừng cho ngành văn hóa, du lịch Vĩnh Long khi đề án được phê duyệt.

Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nghệ thuật Hát bội tỉnh Vĩnh Long, cần phải sớm tiến hành việc khảo sát, đánh giá và định hướng về vai trò và tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật này trong vấn đề phát triển du lịch. 

Đồng thời, cần chú trọng vấn đề đào tạo lực lượng kế thừa, khuyến khích các nghệ nhân theo đuổi Hát bội một cách chuyên nghiện và hiện đại, để từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch, chương trình du lịch mang tính bền vững...

Ngành chuyên  môn đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, để một lần nữa khẳng định Hát bội là một điểm sáng của du lịch Vĩnh Long và được ví như “viên ngọc quý” trong kho tàng nghệ thuật Vĩnh Long nói riêng và Việt Nam nói chung.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem