Nhà cổ nổi tiếng nhất tại làng Nha Xá ở Hà Nam-làng dệt lụa nổi tiếng Việt Nam

Thứ bảy, ngày 25/11/2023 12:40 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) dẫn chúng tôi đi thăm làng, vừa đi vừa xuýt xoa: “Nếu 5 năm về trước, nơi đây có khoảng gần 20 căn nhà cổ mang dáng dấp kiến trúc Pháp, nhưng bây giờ chỉ còn rất ít...".
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) dẫn chúng tôi đi thăm làng, vừa đi vừa xuýt xoa: “Nếu 5 năm về trước, nơi đây có khoảng gần 20 căn nhà cổ mang dáng dấp kiến trúc Pháp, nhưng bây giờ chỉ còn rất ít. Tuy nhiên, những căn nhà cao tầng, căn biệt thự mới hiện đại cũng đã được xây dựng, tạo nên không gian làng vừa hiện đại, vừa cổ kính cho Nha Xá...”.

Đi qua nhà ông Bình, vào một con ngõ là đến căn nhà cổ nổi tiếng nhất Nha Xá, xã Mộc Nam, (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) hiện nay. Chủ căn nhà là ông Phạm Khắc Tiệp vừa mở cánh cổng, vừa e dè, có vẻ miễn cưỡng. 

Trò chuyện mới biết, những ngày qua, ông phải tiếp đón quá nhiều đoàn nhà báo, đoàn làm phim về quay nhà cổ ở đây. 

Ông Tiệp nói: Chẳng biết họ làm vì mục đích gì, tôi cũng cố gắng tạo điều kiện để họ thực hiện kế hoạch của mình. Nhưng nói thật, rất mất thời gian, tôi phải trả lời phỏng vấn hết lượt này đến lượt khác. Nói nhiều lần một chủ đề cũng không còn thú vị nữa. 

Chúng tôi thấu cảm điều này mặc dù chính tôi cũng đang muốn tìm hiểu một vài câu chuyện về nhà cổ ở Nha Xá. Trước có nghe ông Nguyễn Văn Thai, người được xem là am hiểu nhất về nhà cổ ở làng dệt lụa Nha Xá nói chuyện về nghề nghiệp và những căn nhà... 

Nhà cổ nổi tiếng nhất tại làng Nha Xá ở Hà Nam-làng dệt lụa nổi tiếng Việt Nam - Ảnh 2.

Căn nhà cổ của ông Phạm Khắc Tiệp, xã Mộc Nam, (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) một trong số ít ỏi nhà cổ ở làng dệt lụa Nha Xá còn giữ nguyên kiến trúc đến hôm nay. Ảnh: Uyên Nam

Hôm nay, ông Thai không có mặt ở làng, đã đi cùng các con để dưỡng già tận miền Nam. Ở làng còn thầy giáo già Lê Như Thiều, nguyên trưởng thôn Nha Xá, là người cũng khá am hiểu chuyện này. 

Mặc dù giờ phải nằm một chỗ vì bệnh, nhưng ông còn minh mẫn lắm. Nhắc đến làng, đến nghề dệt, mắt ông ánh lên niềm tự hào. 

Ông bảo: “Tôi cũng tiếp rất nhiều đoàn nhà báo về làng, họ cũng tìm hiểu nhà cổ ở đây kỹ lắm. Kỳ thực thì nó rất đáng để nói, song có ai biết rằng nhà của người thợ dệt chúng tôi dù làm to như thế, hoành tráng như thế vẫn có những thiết kế riêng để vừa bảo quản hàng, vừa bảo đảm không bị chuột cắn phá sợi tơ”. 

Có lẽ đây là đặc trưng riêng về những căn biệt thự cổ ở Nha Xá. Trước kia, ông Thai cũng nói thế, mặt ngoài kiến trúc có thể giống nhau, từ độ cao, tỷ lệ cân xứng giữa cửa sổ và cửa lớn, giữa các chi tiết trang trí và các tầng cao thấp... 

Nhưng, nhà của những người làm nghề dệt nhất định phải cao nền để thoáng mát, tránh được khí hậu ẩm thấp những ngày nồm, bảo đảm chất lượng hàng. Các cửa ra vào hay cửa sổ phải làm cao ráo, khép kín để chuột bọ không thể vào cắn sợi.

Nhà cổ nổi tiếng nhất tại làng Nha Xá ở Hà Nam-làng dệt lụa nổi tiếng Việt Nam - Ảnh 4.

Nghề dệt lụa ở Nha Xá, xã Mộc Nam, (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Ảnh: Chu Uyên.

Ông Lê Như Thiều kể rằng, từ những năm 1930-1945 là thời kỳ nghề dệt Nha Xá phát triển thịnh vượng. Làng có nhiều cửa hàng bán tơ lụa ở Hồng Kông, Sài Gòn, Thái Lan, Campuchia, Lào… Các cụ thì đi buôn bán, con cháu ở nhà dệt được sản phẩm lụa thì gửi bán. 

Sản phẩm chủ yếu bấy giờ là lụa và đũi, được làm từ những công cụ rất đơn sơ - khung dệt bằng gỗ xoan hoặc tre có độ dài 1,8m, rộng 0,8 m, cao 1,6m. 

Khổ vải dệt khi đó chỉ rộng chừng 35cm - 40cm nhờ thoi lao tay. Năm 1930, ở làng có ông Lê Mộng Mơ được sang Pháp tham quan, khi trở về làng ông đã thuê thợ từ Hà Đông đến dựng khung dệt mới, nâng khổ rộng vải lên 80cm. 

Sản phẩm nhiều thêm, có mặt ở hội chợ Phnôm Pênh (Campuchia). Năm 1938, sản phẩm của làng nghề Nha Xá có mặt dự hội chợ Huế. Sau đó, các cụ làm ăn buôn bán ở làng không chỉ nhập nguyên liệu tơ tằm trong nước, mà còn nhập từ Tứ Xuyên (Trung Quốc), Tơ-re-on (Nhật Bản). 

Đó cũng là thời kỳ những người dân làng dệt lụa Nha Xá được tiếp xúc với giới buôn bán để mở rộng tầm mắt. Trong hành trình làm ăn, buôn bán đó, các cụ đã lấy được rất nhiều mẫu nhà ở những nơi họ đến. Có tiền, có thiết kế, các cụ xây dựng những ngôi nhà khá khang trang. 

Bấy giờ, thấy kiến trúc của Pháp rất đẹp, các cụ đã chọn làm theo, có chút pha trộn khá tinh tế một số chi tiết kiểu Trung Quốc hay Á Đông.

Ông Lê Như Thiều cho đến giờ vẫn còn chưa khám phá hết những bí mật trong kỹ thuật xây nhà của tiền nhân: “Không rõ các cụ ta xây dựng những căn nhà này trên những căn cứ, lý thuyết nào, nhưng ở trong những căn nhà đó thấy rất mát. 

Đặc trưng của nó là hoa văn rất đẹp. Trải qua thời gian, những thay đổi của xã hội, nhưng những nét kiến trúc đó vẫn không hề lạc hậu. Vật liệu xây dựng quả thực rất tốt, chẳng hạn như hệ thống gỗ lim làm trần nhà, cầu thang… so với chất liệu gỗ lim bây giờ, chất lượng, độ bền khác nhau rất lớn”.

Căn nhà của ông Phạm Khắc Tiệp là một trong những căn biệt thự ít ỏi còn lại ở làng và vẫn giữ được nguyên dáng dấp kiến trúc. Khi ông Tiệp cho xem bản thiết kế căn nhà mà ông nội ông để lại trên giấy nến. Đó là bản thiết kế do một người Pháp thực hiện. Đã có tới 4 thế hệ ở căn nhà này. 

Ông Phạm Khắc Tiệp kể rằng, có những thời điểm cuộc sống gia đình gặp khó khăn, bố ông đã muốn bán căn nhà để chuyển gia đình đi nơi khác làm ăn. Nhưng mẹ ông nói dù có chết cũng không bỏ làng! 

Bà bảo, căn nhà là mồ hôi, công sức của cha mẹ làm nên, nó từng là niềm tự hào của các cụ khi xã hội lúc đó thực sự nghèo khổ, người dân sống chủ yếu dưới những mái nhà tranh vách đất. 

Trước khi qua đời, các cụ đã dặn phải giữ lại bằng được ngôi nhà, coi đó là di sản ông cha để lại cho con cháu, làm sao có thể bán đi. 

Bố ông đã nghe lời, không bán nữa nên căn nhà còn đến bây giờ. Vào những năm kháng chiến chống Pháp, sợ giặc đến đốt phá nhà, bố mẹ ông đã tháo rời những cánh cửa gỗ lim dìm xuống ao để giấu đi. Sau này mới vớt lên lắp lại.

Chả hiểu sao, bây giờ cứ nói đến căn nhà là ông Tiệp lại có cảm giác bùi ngùi hơn. Ông bảo: “Bố tôi đã giữ được căn nhà trong thời điểm khó khăn nhất, bây giờ, tôi vẫn nói con cháu sẽ phải thực hiện thật tốt di nguyện đó của cụ. 

Nó là hào quang một thời kỳ lịch sử của làng nghề. Còn những căn nhà thế này người ta mới biết sự thăng trầm cũng như vị trí của làng nghề Nha Xá thế nào trong xã hội, trong thương trường”.

Nhà cổ nổi tiếng nhất tại làng Nha Xá ở Hà Nam-làng dệt lụa nổi tiếng Việt Nam - Ảnh 7.

Dấu tích thời gian để lại trên các bức tường căn nhà cổ ở làng dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam).

Ông Nguyễn Văn Bình đứng ngoài sân đón những cơn gió thu nhè nhẹ, mát dịu, mắt không rời những họa tiết ở phía trước căn nhà. Ông chỉ vào bức phù điêu con dơi ngậm đồng tiền mang ý nghĩa phúc lộc song toàn.

Đó là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trên phương diện trang trí mặt tiền của căn nhà. Ông Bình cho biết: Dù kiến trúc mang đậm nét phong cách cổ điển của Pháp, nhưng chủ nhân căn nhà này vẫn đưa thêm những giá trị văn hóa Á Đông vào để có sự hòa trộn một cách tương đối thống nhất trong tư tưởng, tư duy của con người.

Ba chữ nho được khắc trên trán căn nhà là 3 chữ “Trung – Thiên – Địa” mang ẩn ý: Giữa trời và đất là mình. Tinh thần của chủ nhân toát ra từ những chi tiết này cho thấy, người ta đã rất tự hào về nghề nghiệp, về khả năng làm giàu của bản thân trong bối cảnh xã hội vô cùng bức bối, khó khăn...

Thêm một căn biệt thự cổ nữa giống như căn biệt thự của ông Tiệp còn nguyên dáng nét kiến trúc chính là căn nhà cụ Lê Thị Đằng. 

Bây giờ, cụ Đằng cao tuổi lắm rồi, ở cùng con trai trong căn nhà này. Cụ từng chia sẻ, căn nhà là nơi lưu giữ ký ức của tiền nhân, nơi thể hiện khát vọng mà cha ông đã mơ, đã vươn tới, là thứ tài sản được đánh đổi bằng tuổi trẻ, tâm sức, trí tuệ và nỗ lực không ngừng của các cụ để lại cho con cháu. 

Bà cụ ghi nhớ từng lời dặn của cha mẹ, nhớ như in từng chi tiết, góc cạnh căn nhà. Cho đến giờ, sau gần một thế kỷ tồn tại, cụ mới chỉ sửa sang phần mái và sơn quét lại tường cho bớt rêu phong.

Chúng tôi ra về, bất chợt ngoái lại và nhìn thấy cả một không gian làng sáng choang bởi những căn biệt thự mới. Tiếng máy dệt không ngừng nghỉ vang vọng từng con ngõ. 

Và thấp thoáng trong tâm trí là những căn biệt thự cổ màu vàng úa ẩn hiện giữa những tán cây cao đẹp lạ kỳ...

Giang Nam (Báo Hà Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem