Nếu như ở miền xuôi, người dân thường có nhiều lựa chọn giữa các loại thuốc Tây y để bồi bổ sức khoẻ, ở các vùng miền núi, đặc biệt là vùng núi Tây Bắc, cây máu người lại là "thần dược" của người dân nơi đây.
Cây máu người được người dân vùng Tây Bắc coi như một trong những "thần dược" trong việc bồi bổ sức khoẻ. Ảnh: TNF.
Từ lâu, thứ thuốc này đã trở thành một thức uống không thể thiếu trong mỗi gia đình người vùng núi cao Tây Bắc.
Theo các tài liệu về y dược học cổ truyền, cây cỏ máu hay còn gọi là cây dây máu, cây máu người là một loại cây dây leo thân gỗ, có đường kính từ 3 - 4cm.
Khi còn tươi cây chứa nhiều nước, nếu dùng dao chặt vào thân cây sẽ có nước màu đỏ như máu chảy ra nên cây được gọi là cây cỏ máu.
Loài cây này thường mọc nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn.
Ngoài ra cây cỏ máu (cây dây máu, cây máu người) cũng mọc ở một số tỉnh Miền Trung như: Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Trị, Lâm Đồng…
Khi cây cỏ máu còn tươi, nếu dùng dao chặt vào thân cây sẽ có nước màu đỏ như máu chảy ra. Ảnh: Khánh Linh
Bà Quách Thị Mự - một bà mế thuốc - người chuyên lấy thuốc nam - ở vùng mường Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình cho biết: "Cây bổ máu này thường dùng cho phụ nữ sau sinh, người gầy, người thường xuyên sử dụng bia rượu.
Thậm chí, ngay cả những người bình thường thì cũng có thể đun nước cùng thứ cây này để uống thay nước lọc hằng ngày".
Cũng theo bà mế Mự, trước đây, ở vùng cao Tây Bắc, khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, phụ nữ sau sinh dùng loại cây này như một thứ thuốc bổ để hồi phục sức khoẻ sau sinh nở.
Cây cỏ máu khi đun nước có màu đỏ tươi như màu máu vị hơi chát, mát và ngọt hậu, dễ uống nên được sử dụng khá rộng rãi.
Đây cũng là loài cây dây leo, thường mọc quấn quanh các cây gỗ lớn và tựa vào những cây gỗ ấy để sinh tồn. Chính vì thế, việc đi lấy được những cây máu người này không hề dễ dàng.
Cây máu người thường được phơi khô để ở nơi thoáng mát và sử dụng dần. Ảnh: Khánh Linh
Trong "Từ điển cây thuốc và vị thuốc Việt Nam", GS. Đỗ Tất Lợi chép rằng, cây bổ máu thuộc họ huyết đằng, là loại dây leo thân dài đến 10m, có vỏ ngoài màu hơi nâu.
Sở dĩ có tên gọi máu người vì có nhựa đỏ như máu. Ngoài ra, còn một loại cây khác cũng có nhựa màu đỏ như máu là kê huyết đằng.
Theo y văn, cây bổ máu được dùng từ hơn 1.000 năm trước. Huyết đằng có vị đắng, tính bình, có khả năng khu phong, thông kinh lạc, đau bụng giun, dùng dưới dạng thuốc sắc.
Còn kê huyết đằng có vị đắng tính ôn, có tác dụng chữa kinh nguyệt không đều, sắc uống hoặc ngâm rượu...
"Có nhiều lời đồn cho rằng loài cây này kỳ diệu đến mức có thể chữa khỏi cả bệnh ung thư, nhưng thực tế không phải như vậy, nó chỉ được sử dụng như một loại thuốc bổ và không có khả năng chữa bệnh ung thư" - bà mế người Mường (tỉnh Hòa Bình) nói.