Cả làng ở Kiên Giang từng dệt thứ gì nâng bước chân Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ra pháp trường?

Thứ tư, ngày 13/12/2023 06:01 AM (GMT+7)
Làng Tà Niên xưa, ngày nay thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Làng vốn nổi tiếng với nghề dệt chiếu. Vào ngày Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực bị giặc Pháp hành quyết, người dân nơi đây tạo nên cuộc tiễn đưa lịch sử khi mang hàng trăm chiếc chiếu đến nâng bước chân cụ đi.
Bình luận 0

Theo lược sử đình Vĩnh Hòa Hiệp, từ năm 1861-1868, Nguyễn Trung Trực lãnh đạo phong trào khởi nghĩa lập nên nhiều chiến công vang dội.

Những năm này, giặc Pháp truy lùng nghĩa quân của cụ Nguyễn gắt gao, những ai liên quan đến đều bị chúng giết chết hoặc đày ra Côn Đảo.

Bất chấp sự truy quét và tàn sát của kẻ thù, năm 1867, người dân Tà Niên sẵn lòng cưu mang, góp tiền, gạo nuôi nghĩa quân. Hơn một năm đóng quân ở Vĩnh Hòa Hiệp, tình cảm quân và dân gắn bó keo sơn.

Năm 1868, trong một trận quyết chiến ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Nguyễn Trung Trực sa vào tay giặc. Chúng dọa dẫm, hành hạ nhưng không đạt kết quả, giặc xử chém ông tại Rạch Giá để thị uy.

Nghe tin Nguyễn Trung Trực bị hành quyết, người dân Tà Niên và khắp các tỉnh Nam kỳ lục tỉnh đều xúc động.

Để tiễn đưa người anh hùng dân tộc, người dân Tà Niên, Rạch Giá, Phú Quốc, Hòn Chông đến dinh Tỉnh trưởng yêu cầu phải cho nhân dân làm lễ tế cụ Nguyễn tại pháp trường. Trước khí thế sục sôi của nhân dân, giặc Pháp buộc phải nhượng bộ chấp thuận.

Cả làng ở Kiên Giang dệt thứ gì nâng bước chân Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ra pháp trường? - Ảnh 1.

Bà Lê Thị Sa, làng Tà Niên thuộc xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang) vẫn lưu giữ nhiều dụng cụ dệt chiếu.

Khi đó, người dân Tà Niên vác hàng trăm chiếc chiếu bông của địa phương đến trải lót đường cho cụ đi đến pháp trường. 

Để chuẩn bị cho thời khắc bi thương đó, người dân Tà Niên bất kể ngày đêm dệt chiếu, đó là những tấm chiếu mang nặng nghĩa tình mà thắm đượm cả mồ hôi và nước mắt của bao người dân đất Tà Niên. 

Câu chuyện “Tà Niên chiếu lệ mà hùng” được ghi vào sử sách kể từ đó. Chiếc chiếu bông trở thành vật phẩm thiêng liêng, là niềm tự hào của người dân Tà Niên.

Mặc dù nghề chiếu mai một, nhiều người không còn dệt chiếu để mưu sinh như trước nhưng những gia đình ở Tà Niên vẫn còn giữ những đôi chiếu bông làm kỷ niệm. Có gia đình cất giữ những dụng cụ dệt chiếu xem như báu vật.

Lau chùi khung trân, cây dệt, bà Lê Thị Sa, ngụ ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa Hiệp nói: “Nghề dệt chiếu tuy cực, thu nhập bấp bênh nhưng chưa bao giờ tôi có ý định bỏ nghề bởi âm thanh của khung dệt đã gắn bó với tôi cả cuộc đời".

Ngưng vài giây, bà Sa nói tiếp: "Thỉnh thoảng tôi chẻ lác, căng đai, đan chiếu bằng tay, phần vì làm cho khách phần vì muốn tưởng nhớ về ông bà, cha mẹ và Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Tôi vui vì con gái và con dâu tôi học nghề, nối nghề truyền thống của quê hương”.

155 năm trôi qua, làng xãTà Niên - ngôi làng nằm bên hữu ngạn sông Cái Bé vẫn son sắt tấm lòng tôn kính dành cho người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Ông Nguyễn Văn Chính - Phó Ban bảo vệ di tích lịch sử đình Vĩnh Hòa Hiệp cho biết theo tư liệu lịch sử, sau khi cụ Nguyễn Trung Trực bị Pháp chém chết, dù kẻ thù tuyên bố thẳng tay xử tử bất kỳ ai liên quan đến nghĩa quân nhưng người dân làng Tà Niên vẫn bí mật thờ cụ Nguyễn ở đình Vĩnh Hòa Hiệp và việc thờ cúng cụ được duy trì đến nay.

"Ngày 27 và 28-8 âm lịch hàng năm, đình Vĩnh Hòa Hiệp (xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (Kiên Giang) tổ chức nhiều hoạt động, trò chơi dân gian; người dân làng Tà Niên đóng góp tiền và công nấu 2.000 suất ăn chay, mặn miễn phí cho khách thập phương đến thắp hương viếng cụ Nguyễn để tưởng nhớ, ghi ơn cụ Nguyễn", ông Nguyễn Văn Chính cho biết thêm.

Bảo Trân (Báo Kiên Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem