Kỳ 1: Dấu ấn từ triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP
Tình trạng di dân tự do đã kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế - xã hội, phá vỡ quy hoạch dân cư, quy hoạch đất đai, quy hoạch vùng sản xuất, phát sinh một số điểm nóng về an ninh chính trị, nhiều vụ việc khiếu nại khiếu kiện, tranh chấp đất đai kéo dài và tình trạng lấn chiếm, phá rừng xảy ra tại một số địa phương có dân di cư tự do đến, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên.
Trước tình trạng đó, ngày 8/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị giải pháp về ổn định tình hình dân di cư tự do tại tỉnh Đắk Lắk và ngày 1/3/2020 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 1/3/2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường. Nghị quyết ban hành đã kịp thời khắc phục được một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đặc biệt đã thống nhất được về nhận thức, quan điểm chỉ đạo từ trung ương đến địa phương trong công tác bố trí, ổn định dân di cư tự do.
Theo Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ, tổng số hộ dân di cư tự do giai đoạn 2015 đến 2019 là 67 nghìn hộ, số hộ đã bố trí ổn định là 42.200 hộ, số hộ chưa bố trí khoảng 24.800 hộ và sau thời điểm Nghị quyết ban hành đến hết năm 2022 phát sinh thêm 192 hộ, trong đó năm 2020: 43 hộ, năm 2021: 127 hộ và năm 2022 là 22 hộ.
Sau khi Nghị quyết số 22/NQ-CP ban hành, các địa phương đã tăng cường các giải pháp về quản lý đất đai, quản lý địa bàn và thường xuyên nắm bắt tình hình về diễn biến dân di cư đi, đến trên địa bàn nên tình trạng di dân tự do đi các tỉnh khác đã giảm mạnh mạnh so với giai đoạn trước, đồng thời tăng cường nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện công tác bố trí, sắp xếp các hộ dân vào các điểm dân cư theo quy hoạch.
Theo kết quả rà soát của các tỉnh, từ tháng 3/2020 đến năm 2022, tổng số hộ dân di cư tự do đã tự ổn định cuộc sống và số hộ được các địa phương bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo vùng dự án là 8.009 hộ. Như vậy, tổng số hộ dân di cư tự do cần được bố trí, sắp xếp ổn định vào các điểm dân cư theo quy hoạch trong thời gian tới là 16.983 hộ.
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, trong những năm qua, tình hình người dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh Đắk Lắk tuy đã giảm so với giai đoạn trước (giai đoạn 1996-2004 có 8.246 hộ, giai đoạn 2005-2022 có 1.947 hộ). Tuy nhiên, việc người dân di cư tự do vẫn tiếp tục di cư đến làm phức tạp tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong năm 2023, tỉnh Đắk Lắk triển khai đầu tư 3 dự án bố trí sắp xếp ổn định 953 hộ dân di cư tự do với tổng mức đầu tư là 643 tỷ đồng, đó là: Dự án sắp xếp ổn định dân di cư tự do cho đồng bào Mông xã Ea Đăh, huyện Krông Năng; Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do tại xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc ; Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do thôn Ea Rớt, xã Cư Pui, huyện Krông Bông.
Xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk từng là điểm nóng về di dân tự do. Nhiều năm trước đây, cả mấy nghìn hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc đã ồ ạt di cư tự do vào đây. Suốt 20 năm qua, những nỗ lực của chính quyền địa phương đã giúp bà con người Thái, người Mông, người Tày dần có cuộc sống ổn định.
Ông Nguyễn Ngọc Pháp – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk cho biết, về kết quả thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho đồng bào, theo dự án được phê duyệt có 4 dự án cho 1.373 hộ với khoảng 8.500 nhân khẩu. Tuy nhiên, thực tế đã ổn định cho được 2.851 hộ và khoảng hơn 16.000 nhân khẩu. "Sau khi dự án ổn định dân di cư tự do của Ea Rớt hoàn thành thì cơ bản trên địa bàn huyện đã hoàn thành việc thực hiện các dự án sắp xếp dân cư cho đồng bào di cư vào huyện" – ông Pháp thông tin.
Ông Nguyễn Hoài Dương – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, qua thống kê, Đắk Lắk cần ổn định số dân di cư tự do là hơn 10.000 hộ và trong thực tế trong khoảng gần 10 năm qua Đắk Lắk đã triển khai được 13 dự án và đã đầu tư với tổng số kinh phí đến nay khoảng hơn 600 tỷ đồng cho các dự án dân di cư tự do này. "Các dự án này đã góp phần ổn định khoảng hơn 4.000 hộ dân di cư tự do ở các vùng vào khu vực này và giải quyết được khoảng gần 700ha đất sản xuất cho người dân để ổn định cuộc sống" – ông Dương nói.
Tại Đắk Nông, tính đến tháng 7/2023, tỉnh Đắk Nông có hơn 38 nghìn hộ với gần 174 nghìn khẩu dân di cư tự do từ các tỉnh thành trên cả nước đến sinh sống. Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã ổn định đời sống cho hơn 32.000 hộ, còn hơn 5.000 hộ với 24 nghìn khẩu chưa ổn định cuộc sống, cần bố trí, sắp xếp trong thời gian tới.
Đánh giá về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP, ông Nguyễn Quang Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, từ năm 2020 đến nay, tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện đầu tư hoàn thành 2 dự án bố trí sắp xếp dân di cư tự do trên địa bàn huyện Sa Thầy và Tu Mơ Rông. Hiện nay, tỉnh Kon Tum đang tiếp tục triển khai dự án đầu tư bố trí dân di cư tự do trên địa bàn huyện Đắk Glei.
"Qua đánh giá, cùng với việc triển khai các dự án bố trí dân cư trên địa bàn tỉnh thì cơ bản các hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã cơ bản được ổn định đời sống và sản xuất" – ông Hòa nói và cho biết trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Kon Tum không có tình trạng dân di cư tự do đi đến địa bàn tỉnh mà chủ yếu là những hộ dân đi và từ những năm 2000 đến tỉnh Kon Tum.