Nhiều hệ lụy từ di dân tự do
Từ sau năm 1975 đến nay, khu vực Tây Nguyên luôn có các biến động dân cư với quy mô lớn, số lượng tăng nhanh nhất cả nước. Theo đó năm 1976, dân số Tây Nguyên là 1,23 triệu người với 18 dân tộc (trong đó dân tộc thiểu số chiếm 69,7%). Tuy nhiên, đến năm 2013 dân số đã đạt 6 triệu người với trên 50 thành phần dân tộc anh em.
Cơ quan chức năng điều tra vụ án tranh chấp đất giữa Công ty Long Sơn với dân di cư tự do ở Đăk Nông khiến 3 người chết và 13 người bị thương. Ảnh: Đồng Nguyên
Theo ông Lê Văn Sơn – Trưởng phòng Kinh tế nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), các hộ dân di cư tự do ở khu vực Tây Nguyên đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhưng chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. “Từ năm 2005 – 2017 tổng số hộ dân di cư tự do đến khu vực Tây Nguyên là gần 65.000 hộ, với nhiều thành phần dân tộc khác nhau như người Kinh (48,5%), Mông (16,2%), người Tày (6,4%)… Trong số đó, người Kinh di cư tự do chiếm tỷ lệ lớn nhất và chủ yếu tập trung đến các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum; người Mông chủ yếu di cư đến Đăk Lăk, Đăk Nông” - ông Sơn cho biết.
Tuy số lượng người dân di cư tự do đến địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã giảm mạnh qua các năm nhưng vẫn còn diễn biến khá phức tạp và khó kiểm soát, nhất là một bộ phận đồng bào dân tộc ít người từ vùng miền núi phía Bắc. Tình trạng này đã gây ra những hệ lụy không nhỏ trong phát triển kinh tế, an ninh trật tự, xã hội và bảo vệ tại nguyên môi trường ở các địa phương có người di cư đến. Để chứng minh, ông Sơn nhận định: “Tình trạng này gây phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có việc mua bán, sang nhượng, tranh chấp đất đai giữa người dân di cư tự do với đồng bào sinh sống tại chỗ, đặc biệt là với các công ty nông, lâm nghiệp. Theo như chúng tôi nắm được đã có một số vụ xô xát, tụ tập đông người, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ…”.
Không những thế tình trạng này còn làm xáo trộn đời sống của người dân sở tại, phá vỡ quy hoạch, tạo điều kiện cho một số phần tử xấu lợi dụng dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo kích động đồng bào gây rối trật tự, chống phá, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương…
Cần ưu tiên đất sản xuất cho người dân
Tại hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về di cư” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức tại Lâm Đồng ngày 18.12, các đại biểu đã nêu nhiều giải pháp, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành nhằm khắc phục hệ lụy, ổn định và tiến tới chấm dứt tình trạng di dân tự do. Đó là kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành có giải pháp để quản lý nhân hộ khẩu tại các điểm di cư tự do, công nhận các điểm dân cư tự phát, quản lý trật tự, an toàn xã hội. Đồng thời tăng cường công tác quản lý địa bàn, xử lý kịp thời các điểm nóng về tranh chấp đất đai, nạn phá rừng… Đặc biệt, cần nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền (cả nơi đi và nơi đến) và người dân trong thực hiện nhiệm vụ ổn định dân cư.
Ông Giàng A Chu – Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng các cấp chính quyền cần có những giải pháp căn cơ, thực hiện đồng bộ, đi liền với quản lý, sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát. “Đầu tiên, với các tỉnh Tây Nguyên cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông báo của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc bố trí dân cư và sắp xếp, ổn định dân di cư tự phát” - ông Chu nói.
Phấn đấu chấm dứt vào năm 2025
Đầu tháng 12 này, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu số liệu: “Nếu năm 1975, dân số Tây Nguyên chỉ có 1 triệu người thì đến năm 2004 đã có 4,7 triệu và đến 2017, 5,7 triệu người, trong đó, dân di cư tự do chiếm 50%, khoảng 3 triệu người”.
Theo Thủ tướng giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên không chỉ cần đúng pháp luật mà phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành. Mục đích cuối cùng là làm sao người dân di cư có cuộc sống ổn định và phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau.
Mục tiêu đến năm 2020, là giảm thiểu tình trạng dân di cư tự do; ưu tiên thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho các hộ dân thực sự khó khăn. Hoàn thành dứt điểm 32 dự án bố trí ổn định dân di cư đang thực hiện. Bảo đảm mức sống của người dân di cư bằng mức trung bình của người dân địa phương.
Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp toàn bộ số hộ dân di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch.
|
Cũng theo ông Giàng A Chu, cần rà soát lại quy hoạch các dự án ổn định dân cư trên cơ sở nắm rõ tình hình thực trạng đời sống, sản xuất của nhân dân để có những điều chỉnh bổ sung phù hợp. Đặc biệt, không tiến hành giao đất cho các doanh nghiệp ở những nơi có người dân chưa có đất, khi đất sản xuất còn thiếu thì nên ưu tiên giải quyết cho người dân. “Đồng thời các địa phương cần tăng cường công tác vận động, tuyên truyền trong nhân dân về chấp hành pháp luật, chính sách của nhà nước. Kịp thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các bộ ngành về cơ chế, giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống, sản xuất, giải quyết nhu cầu đất ở, đất sản xuất, bảo hiểm y tế cho người dân…” - ông Giàng A Chu nhấn mạnh.
Ông Lê Văn Sơn cũng cho rằng, cần phải phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và thực hiện an sinh xã hội để ổn định dân di cư tự do. Trước mắt, đến năm 2020 bố trí khoảng 16.891ha đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do tại các tỉnh Tây Nguyên từ quỹ đất có nguồn gốc ở các nông, lâm trường đã giao về cho địa phương quản lý.
Ông Lê Quang Dân-Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Nông:
Tạo mọi điều kiện để nhập khẩu
Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Đăk Nông đã lập và triển khai thực hiện 16 dự án đầu tư, mục tiêu bố trí, sắp xếp cho gần 11.000 hộ, tổng số vốn phê duyệt dự án là 1.530 tỷ đồng. Vì số lượng dân di cư tự do đến Đăk Nông rất lớn nên đá gây ra nhiều hệ lụy xấu, vượt quá khả năng giải quyết của địa phương, bởi đặc điểm dân di cư tự do chủ yếu sinh sống phân tán, rải rác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, xen lẫn trong các khu rừng, cách trung tâm xã, đường giao thông đi lại khó khăn nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Trong thời gian tới tỉnh Đăk Nông sẽ tập trung lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư dứt điểm các dự án đã được phê duyệt, đến năm 2020 cơ bản bố trí, sắp xếp ổn định cho 11.511 hộ/51.753 khẩu dân di cư tự do đã đến, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các hộ di cư tự do được nhập khẩu tại địa phương, giúp người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.
Ông Cil Ha Drang – Phó ban Dân tộc, HĐND tỉnh Lâm Đồng:
Sớm cho lập các dự án định canh, định cư
Giai đoạn 2005 – 2017 số lượng dân di cư tự do đến Lâm Đồng khoảng 2.195 hộ/7.183 khẩu, phần lớn đang sinh sống trong rừng, ven rừng và sống xen ghép tại các thôn, bản trên địa bàn các huyện trong tỉnh. Lượng dân di cư tự do đến Lâm Đồng lại góp phần vào quá trình điều tiết, phân bổ lại một phần lao động việc làm ở nông thôn nhất là các vùng sâu, vùng xa còn khó khăn của tỉnh. Bên cạnh đó, góp phần bổ sung nguồn lực ở địa phương nơi đến với chi phí thấp, góp phần thúc đẩy việc khai thác sử dụng đất hoang hóa, phát triển sản xuất trên địa bàn dân cư...
Tỉnh đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành cân đối bố trí đủ nguồn vốn để sớm cho chủ trương lập các dự án định canh, định cư tại khu Tây Sơn (tiểu khu 197-198), tiểu khu 179 và dự án tiểu khu 181 thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông mà Ủy ban Dân tộc, Hội đồng dân tộc Quốc hội đã về khảo sát, nắm tình hình trong năm 2017 nhằm giải quyết nhu cầu cấp thiết và nguyện vọng của người dân.
V.L (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.