Ông Bùi Văn Tuấn hiện là Giám đốc HTX Cây Trôm (Long An) với 103 hộ nông dân tham gia liên kết sản xuất trên 500ha lúa sạch, chất lượng cao, nên ông được ví như "ông chủ" của những cánh đồng không dấu chân người.
Bất ngờ được Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan xin số điện thoại và hẹn lịch làm việc
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức; giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt trực tiếp thực hiện.
Sau khi kết thúc hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, đại biểu Bùi Văn Tuấn cùng các đại biểu rời hội trường Văn phòng Chính phủ trong niềm hân hoan, phấn khởi, tự hào. Nói với Dân Việt, ông Tuấn cho biết, hàng chục năm gắn bó với nông nghiệp, với ruộng đồng, với cây lúa, nông dân chưa từng nghĩ đến chuyện được đối thoại trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ. Hôm nay, chúng tôi đã thực hiện được mong ước của mình nên cảm thấy rất vinh dự, vui mừng.
"Trước ngày ra Thủ đô, tôi đã được lắng nghe Thủ tướng phát biểu rất nhiều về đề án phát triển q triệu héc-ta lúa chất lượng cao, giảm phát thải. Bản thân tôi là người trồng lúa, cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi khi được người đứng đầu Chính phủ quan tâm đến vấn đề này. Vì thế, tôi đã chuẩn bị rất kỹ ý kiến của mình trước khi phát biểu, bởi nói như Thủ tướng, Hội nghị là để làm thực chất, không hình thức, sau đối thoại xong, phải có chuyển biến, thay đổi. Trong phần trả lời của Thủ tướng đối với câu hỏi của tôi và các đại biểu khác, người đứng đầu Chính phủ đều giải đáp rất rõ ràng, kỹ lưỡng và rất thực tế khiến người hỏi đều rất thỏa mãn, tâm đắc.
Theo ông Bùi Văn Tuấn, phần trả lời của Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đối với câu hỏi của ông về chính sách gì để hỗ trợ đối với các nông dân, HTX tham gia sản xuất xanh, giảm phát thải, tiến tới được cấp phát tín chỉ xanh đều rất cụ thể kèm theo các gợi mở rất hay và hữu ích đối với ông và người trồng lúa ở địa phương.
"Tôi rất thích phần gợi mở của Thủ tướng với nông dân: Bên cạnh sự vào cuộc của Nhà nước, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương, bà con cũng phải tự chủ và phải xây dựng mô hình sản xuất bài bản, chuyên nghiệp theo quy hoạch và theo quy luật thị trường. "Chúng ta cần sản xuất cái mà thị trường cần chứ không nên làm cái mình có", ông Tuấn cho biết thêm.
Ông Bùi Văn Tuấn rất ấn tượng với phần trả lời của người đứng đầu Chính phủ với một nông dân nuôi tôm Đặng Văn Bảy ở Bến Tre có thu nhập gần 100 tỷ đồng/năm: Chúng ta làm tốt rồi nhưng cần chia sẻ với cộng đồng để bà con cùng làm giàu, đó là văn hóa nông nghiệp, văn hóa của nông dân thời đại ngày nay.
Nói thêm với Dân Việt, sau khi hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân kết thúc, ông rất bất ngờ khi được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tìm gặp và xin số điện thoại để đặt lịch làm việc về sản xuất lúa, bán tín chỉ carbon.
"Tư lệnh ngành Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ông rất tâm đắc và ấn tượng với cách trồng lúa, bán tín chỉ carbon của chúng tôi. Bộ trưởng Hoan mong muốn được gặp gỡ thực tế và tìm hiểu về cách làm của HTX để tháo gỡ các khó khăn cho đơn vị cũng như lấy thông tin, kinh nghiệm sản xuất để nhân rộng cho bà con các tỉnh cùng làm nông nghiệp xanh, giảm phác thải", Giám đốc HTX Dịch vụ, thương mại nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, Long An) tiết lộ.
Thu hàng chục tỷ đồng nhờ bán lúa, bán tín chỉ carbon
Chia sẻ thêm về công việc của mình tại Long An, ông Tuấn cho biết thêm, từ 7 thành viên ban đầu, với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng, đến nay, HTX Cây Trôm có 63 thành viên và 103 thành viên liên kết với diện tích sản xuất trên 500ha.
Xác định làm sạch nên phải chịu thiệt thòi để hướng tới tương lai, đưa sản phẩm đi xa, bay cao hơn nên từ khi thành lập năm 2017, HTX Cây Trôm đã kiên trì làm sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hướng đến thị trường xuất khẩu.
"Thời gian đầu, chúng tôi cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Thậm chí trong nội bộ HTX cũng có thành viên ý kiến về việc làm thật khó có nhiều lời lại vất vả, cực quá nhiều nhưng tôi vẫn động viên, vừa khích lệ: Nếu bà con làm ra sản phẩm tốt, khó bán, HTX sẽ thu mua hết đảm bảo hài hòa lợi ích mà nông dân vẫn có lời nhiều.
Vừa nói, chúng tôi vừa cùng nhau hành động và đến giờ, HTX đang bắt đầu thu "trái ngọt", ông Tuấn kể và cho biết, hiện sản phẩm lúa gạo của HTX đang được các doanh nghiệp thu mua tận ruộng với giá cao hơn thị trường để xuất khẩu.
"Năm 2022, doanh thu của HTX từ cây lúa đạt 17 tỷ đồng, còn nếu tính tổng doanh thu tất cả các loại dịch vụ thì đạt 34 tỷ đồng. Dự kiến doanh thu năm 2023 sẽ còn tăng cao. Với giá lúa ổn định ở mức cao như hiện tại, sản xuất 3 vụ lúa, các thành viên của HTX sẽ đạt lợi nhuận khoảng 90 – 100 triệu đồng/ha/năm", ông Tuấn tiết lộ thêm.
Đặc biệt, HTX của ông Tuấn đang là một trong những đơn vị tiên phong trong việc trồng lúa giảm phác thải ở vùng ĐBSCL. "Năm 2024, HTX sẽ tham gia sản xuất lúa theo đề án này trên nền tảng là HTX đang sản xuất lúa theo quy trình an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn của châu Âu. Do vậy, khi chúng tôi chuyển sang sản xuất lúa giảm phát thải sẽ có nhiều thuận lợi.
Theo đó, ngoài kiểm soát tốt lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đã làm rất tốt để đáp ứng các tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường châu Âu, chúng tôi cần quản lý chặt việc sử dụng nước, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến để giảm phát thải khí nhà kính.
Chúng tôi hướng đến mô hình "1 phải, 6 giảm", tức là ngoài việc giảm giống, phân, thuốc… còn phải giảm phát thải", ông Tuấn bộc bạch.
Giám đốc HTX Cây Trôm chia sẻ, so với cây trồng khác, thu nhập từ cây lúa không cao nhưng nếu sản xuất theo tiêu chuẩn mới, bán được tín chỉ carbon, nâng cao giá trị gia tăng từ hạt gạo thì chắc chắn hạt gạo sẽ không thua gì cây khác.
Đánh giá, hiến kế thêm cho hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, đại biểu Bùi Văn Tuấn - Giám đốc HTX Cây Trôm (Long An) cho hay: Đây là sự kiện rất lớn với ngành Nông nghiệp, với nông dân Việt Nam.
"Thông qua hội nghị quan trọng nay, các nông dân Việt Nam được trực tiếp đối thoại với người đứng đầu Chính phủ và các bộ ngành. Bản thân tôi thấy các câu hỏi đối thoại của người hỏi cũng rất sát thực tế và hay, người trả lời cũng hiểu rất sâu, sát về nông nghiệp, nông dân, nông thôn nên giải đáp rất trúng, đúng nguyện vọng và nhu cầu của nông dân", ông Tuấn đánh giá.
Ông Tuấn mong muốn, hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức thường niên mỗi năm một lần và ở các địa điểm, tỉnh, thành khác nhau. Thời lượng cho mỗi hội nghị cũng nên nới dài thêm thời gian hơn thay vì diễn ra trong 4-5 giờ đồng hồ, Ban tổ chức nên bố trí thêm thời gian đối thoại khoảng từ 6-7 giờ để mọi người đều được hỏi, đáp nhiều hơn.
Đặc biệt, sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng đã đưa ra kết luận với 8 vấn đề cần được giải quyết ngay giúp nông dân. "Chúng tôi rất mong, các bộ ngành, các đại phương, đơn vị liên quan cần vào cuộc quyết liệt ngay để thực hiện các chỉ đạo, yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đạt hiệu quả cao nhất", Giám đốc HTX Cây Trôm (Long An) kiến nghị thêm.