Chàng trai Ê Đê ấn tượng với sự tâm huyết, hình ảnh bình dị của Thủ tướng tại Hội nghị đối thoại với nông dân
Chàng trai Ê Đê ấn tượng với sự tâm huyết, hình ảnh bình dị của Thủ tướng tại Hội nghị đối thoại với nông dân
Trần Quang
Thứ hai, ngày 01/01/2024 06:01 AM (GMT+7)
Chia sẻ với Dân Việt sau Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, đại biểu Y Pốt Niê (dân tộc Ê Đê) đến từ huyện Krông Anna, tỉnh Đắk Lắk cho biết, lần đầu tiên được gặp Thủ tướng nhưng anh và mọi người đều cảm thấy rất gần gũi, các chia sẻ của Thủ tướng cũng rất tâm huyết, cởi mở.
Một ngày sau hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nông dân trẻ Y Pốt Niê (sinh năm 1988) người dân tộc Ê Đê), chủ thương hiệu Ê Đê cà phê vẫn cảm thấy rất bồi hồi, xúc động với những tình cảm mà người đứng đầu Chính phủ đã dành cho anh và các đại biểu nông dân, đại diện cho hàng chục triệu nông dân trong cả nước tham gia hội nghị năm nay.
"Nhiều năm miệt mài sản xuất cà phê và sinh sống trong buôn làng Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Anna, lần đầu được gặp gỡ Thủ tướng chúng tôi thấy rất vui. Trong buổi đối thoại với nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn lắng nghe, trả lời rất sát, trúng đến từng chi tiết nhỏ nhất, có khi trong lời chia sẻ của Thủ tướng còn kèm theo các câu từ rất đời thường như "nông dân chúng mình", "bà con mình"... khiến mọi người đều cảm thấy thật gần gũi, tình cảm", đại biểu Y Pốt Niê nhớ lại.
Đánh giá thêm về phần trả lời, giải đáp của Thủ tướng và các bộ ngành trong hội nghị, nông dân trẻ người dân tộc Ê Đê cho rằng: Không chỉ tôi và các đại biểu tham gia hỏi, đối thoại tại hội nghị đều cảm thấy các câu trả lời của Thủ tướng và các bộ ngành rất hay và sâu sắc.
Đại biểu rất tâm đắc, thuyết phục với các nội dung đối thoại
Đối với câu hỏi của mình: Chính phủ đã có chủ trương chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị. Chính phủ sẽ có những chính sách gì để thúc đẩy, hỗ trợ nông dân thực hiện?
Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với Nông dân Việt Nam năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp tổ chức; giao Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt trực tiếp thực hiện.
Một vấn đề nữa, từ cuối năm 2024, Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Vì vậy, Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu này, nhất là về vấn đề quy hoạch vùng trồng cà phê đảm bảo phát triển bền vững thời gian tới?
Anh Y Pốt Niê đánh giá, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng đều rất sát với thực tế và đưa ra được các giải pháp ngay, rất thuyết phục.
Đáng chú ý, trong đó có vấn đề: Liên minh châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: Bộ NNPTNT sẽ cùng với doanh nghiệp để hỗ trợ bà con. Nếu bà con liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh, thì tôi nghĩ cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu.
Ví dụ như cà phê Tây Nguyên, doanh nghiệp sẽ đầu tư hỗ trợ thêm về máy móc cơ giới, kho dự trữ cà phê… Và chính doanh nghiệp là người đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp.
Điều này cũng là một trong những giải pháp thích ứng với quy định mới của châu Âu như đại biểu vừa đề cập tới. Quy định này bắt đầu áp dụng từ 1/1/2025 với 3 ngành hàng nông sản lớn của Việt Nam, trong đó có cà phê.
Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi quy định này, Bộ NNPTNT đã cùng Hiệp hội Cà phê ký chương trình hành động cụ thể, trợ giúp và đồng hành cùng nông dân hiểu để đáp ứng đúng quy định này. Bên cạnh đó, cũng xin thông tin thêm là chúng ta đang trong quá trình đàm phán và vẫn còn thời gian để hoàn thiện, nhưng cũng cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế thích ứng với những điều kiện ngày càng khắt khe của châu Âu không chỉ với cà phê, mà với nhiều loại nông sản khác.
Trách nhiệm của Bộ NNPTNT là sẽ thông tin đầy đủ với bà con, sẽ có tổ tư vấn của Bộ cùng các đơn vị chuyên môn của Bộ giúp đỡ, đồng hành cùng nông dân.
"Là người tiên phong trong xây dựng nên thương hiệu cà phê ở Tây Nguyên, tôi cho rằng giải pháp của Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra rất hay và khả thi với thực tế sản xuất của bà con. Mong rằng, các phương án mà tư lệnh ngành Nông nghiệp đưa ra sớm được triển khai để bà con ở buôn làng của chúng tôi và ở Tây Nguyên và các tỉnh, thành đang làm sản phẩm này được hưởng lợi", chủ thương hiệu Ê Đê cà phê bộc bạch.
Sau 3 năm khởi nghiệp, đến nay Công ty Ê Đê cà phê của Anh Y Pốt Niê đã có 8 dòng sản phẩm với hai dạng là cà phê bột và cà phê hòa tan. Cà phê bột mình có cà phê Robusta, cà phê Arabica, cà phê Mix 2, cà phê Mix 3… Cà phê hòa tan có cà phê hòa tan 3 trong 1, cà phê hòa tan sầu riêng và cà phê hòa tan khoai môn.
Năm 2022, sản lượng cà phê bột xuất ra thị trường là 10 tấn, cà phê hạt rang là 10 tấn còn cà phê nhân là 25 tấn. Nếu trước đây, mỗi ngày doanh nghiệp của Y Pốt Niê chỉ bán được khoảng 20-30kg, thì từ sau khi được danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc mỗi ngày anh bán thấp nhất là 500kg, thậm chí là bán 2-3 tấn/ngày. Doanh thu tới thời điểm hiện tại cũng được sau lợi nhuận từ 80-400 triệu đồng/tháng.
Không chỉ vậy, chàng trai trẻ này mong muốn mang cà phê của đồng bào mình đi dự các triển lãm, hội chợ ngoài nước để trưng bày, giới thiệu sản phẩm tới đông đảo bạn bè thế giới. Thị trường xuất khẩu của cà phê Êđê là Đức, Đài Loan, Hồng Koong, Singapore, Hàn Quốc,... với số lượng hơn 20 tấn/tháng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.