Thông tin này được ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức chiều 17/1.
Theo ông Cường, năm 2023, dưới tác động của hiện tượng El Nino gây nên nắng nóng kỷ lục, thiếu nước khô hạn, mưa lớn ở Trung Bộ,… Năm qua, tần suất xảy ra dông lốc trên đất liền và trên biển nhiều hơn, gây tai nạn tàu thuyền, ngư dân.
"Năm 2023, El Nino tác động đến toàn cầu, trong đó có Việt Nam, xác lập các kỷ lục về nhiệt độ, năm 2023 là năm nóng nhất từ trước đến nay. Dự báo năm 2024 tiếp tục là năm nóng, nhưng không bằng năm 2023" - ông Cường nói, và cho biết biến đổi khí hậu đang tác động từng ngày, từng giờ, thay vì khái niệm "nóng lên toàn cầu" thành "nung nóng toàn cầu".
Dự báo năm 2024, ông Cường cho biết, hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể kéo dài đến giữa năm. Sau đó chuyển sang pha trung tính và chuyển sang La Nina (pha lạnh) trong nửa cuối năm.
"Mùa đông năm nay có xu hướng ấm hơn, ẩm hơn. Nửa đầu năm thiên hướng nắng nóng, thiếu nước, hạn hán ở Bắc Bộ, đặc biệt Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Các khu vực này nguy cơ gây thiếu nước ngọt, thiếu nước sinh hoạt và thiếu nước sản xuất.
Từ giữa năm đến cuối năm, nhiệt độ có xu hướng thấp hơn trung bình nhiều năm, mưa nhiều hơn. Dưới tác động của La Nina, khả năng bão hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông trung bình nhiều năm. Bão có thể không mạnh nhưng mưa do bão lớn hơn, kéo dài ngày, trọng tâm ở khu vực Trung Bộ", ông Cường nhận định.
Trước dự báo trên, ông Cường đề nghị cần tập trung truyền thông hướng dẫn các địa phương kiểm tra phòng ngừa hiện tượng thiên tai cực đoan như dông, lốc, gió mạnh trên biển gây thiệt hại tàu thuyền của người dân.
"Vấn đề hạn hán, mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. Đề phòng mưa lớn cục bộ gây ngập lụt đô thị. Do đó, cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, phương án ứng phó của các bộ, ngành, địa phương", ông Cường cho biết thêm.
Nhìn lại năm 2023, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, thiên tai năm 2023 xảy ra cực đoan trên các vùng miền với 1.145 trận thiên tai. "Năm bất thường khi số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn rất nhiều so với trung bình nhiều năm và không có cơn bão nào đổ bộ vào đất liền. Thống kê từ năm 1945 đến nay thì đây là năm thứ 3 Việt Nam không có cơn bão đổ bộ vào đất liền", ông Luận nói. Tuy nhiên sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Điển hình như đợt mưa lớn đầu tháng 8 tại khu vực miền núi Bắc Bộ làm 17 người chết, mất tích. Sạt lở đất tại nhiều điểm khu vực Tây Nguyên, trong đó nghiêm trọng nhất tại đèo Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 6 người chết.
Từ giữa tháng 10 đến giữa tháng 11, khu vực miền Trung xảy ra 3 đợt mưa lớn, lũ gây ngập lụt diện rộng tại Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, làm 14 người chết, mất tích. Thiên tai năm qua làm 169 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 8.236 tỉ đồng.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp biểu dương những nỗ lực của cán bộ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã hoàn thành tốt công tác quản lý đê điều và phòng chống thiên tai trong năm qua.
Để thực hiện tốt công tác công tác này trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia đến năm 2025; Đề án Phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển đến năm 2030; Chương trình tổng thể phòng, chống thiên tai quốc gia. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp tổng thể phòng chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng Đề án phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng vùng đồng bằng sông Cửu Long. Xây dựng nội dung Kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông; Kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển.
Cùng với đó, tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời để Ban Chỉ đạo chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đồng thời báo cáo, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả.
Đồng thời tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, phòng chống sạt lở, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nêu rõ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai triển khai nhiệm vụ Quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050.