Nắng nóng như rang, hạn chưa từng thấy, nông dân Hà Tĩnh vét từng giọt nước tưới cứu vườn cây

Tập Thỏa Thứ hai, ngày 17/07/2023 05:30 AM (GMT+7)
Hơn 1 tháng nay, tỉnh Hà Tĩnh hứng chịu đợt nắng nóng như rang kéo dài với nhiệt độ dao động 39-40 độ C, mực nước tại nhiều hồ đập, giếng đào ở các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang ...tỉnh Hà Tĩnh ngày càng xuống thấp khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.
Bình luận 0

Clip: Sông hồ chạm đáy, giếng nước cạn khô, nông dân Hà Tĩnh thiếu nước sinh hoạt và sản xuất.

Nắng nóng gay gắt, nhiều nơi "khát nước"

Theo ghi nhận của PV Dân Việt, tại xã Hương Trạch, huyện Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) có khoảng 2.000 giếng nước. Tuy nhiên, do nắng nóng gay gắt kéo dài, hiện nay khoảng 75% số giếng nước trên địa bàn cạn nước ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và sản xuất của bà con.

Hà Tĩnh: Sông hồ chạm đáy, giếng nước cạn khô, nông dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất - Ảnh 2.

Nắng nóng kéo dài khiến mực nước sông Ngàn Sâu, thuộc địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cạn nước. Ảnh: PV

 Năm nay hiện tượng thời tiết El Nino kéo dài, nắng nóng gay gắt khiến các sông, hồ, khê suối, giếng đào, giếng khoan... cạn nước, việc chống hạn cho cây cây trồng của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ gia đình đã chi từ 15-20 triệu đồng để đào giếng mong có nước tưới cây nhưng không hiệu quả vì nguồn nước rất ít.

Hà Tĩnh: Sông hồ chạm đáy, giếng nước cạn khô, nông dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất - Ảnh 3.

Nắng nóng kéo dài khiến vườn bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh sắp đến mùa thu hoạch rám quả, rụng dần. Ảnh: PV

Bà Nguyễn Thị Sâm, trú tại thôn Tân Hội, xã Hương Trạch, buồn bã nói: "Gia đình tôi đào giếng nước sâu gần 20 mét, trước đây nước rất nhiều, không lo thiếu nước sinh hoạt và tưới cây. Từ năm 2019 đến nay, cứ vào mùa hè, giếng cạn nước, phải chắt từng giọt nước dưới giếng để sinh hoạt, và cứu cây.

Hà Tĩnh: Sông hồ chạm đáy, giếng nước cạn khô, nông dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất - Ảnh 4.

Giếng cạn nước từ lâu, bà Nguyễn Thị Sâm mòn mỏi chờ mưa. Ảnh: PV.

Hiện gia đình tôi có 120 gốc bưởi đang héo lá, cành chết róc vì thiếu nước, trong đó 40 cây (khoảng 8-9 tuổi) chết khô, phải chặt bỏ làm củi. Trong xóm có hơn 150 hộ, chỉ có 1 gia đình ở gần khe suối có nước. Thiếu nước tôi thường đến đó xin nước nhưng cũng chẳng được nhiều, vì họ cũng sắp cạn nước. Để có nước sinh hoạt, tôi và các gia đình ở đây phải mua nước với giá 50.000 đồng/m3 (giao tận nhà)".

Hà Tĩnh: Sông hồ chạm đáy, giếng nước cạn khô, nông dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất - Ảnh 5.

Nhiều vườn bưởi Phúc Trạch, ở huyện miền núi Hương Khê đang chết khô vì thiếu nước. Ảnh: PV.

Nông dân vét từng giọt nước để cứu cây

Chung hoàn cảnh với bà Sâm, bà Cao Thị Lam, trú tại thôn 10 xã Hương Trạch, huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh) nói: "Vùng đất Hương Khê chúng tôi nổi tiếng là nơi nắng nóng, khô hạn nhất cả nước. Tuy nhiên, từ trước tới nay chưa năm nào khô hạn báo động như vậy. 

Gia đình tôi có cả giếng đào, giếng khoan nhưng mỗi ngày bơm nước từ 2-3 lần nhưng chỉ được một ít nước, không đủ nước sinh hoạt trong gia đình, không có nước để tưới cây. Vì thiếu nước, hơn 50 gốc bưởi Phúc Trạch sắp đến mùa thu hoạch của gia đình tôi chết khô, ước tính thiệt hại khoảng 100 triệu đồng".

Hà Tĩnh: Sông hồ chạm đáy, giếng nước cạn khô, nông dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất - Ảnh 6.

Gia đình bà bà Cao Thị Lam, trú tại thôn 10 xã Hương Trạch, có 2 giếng khoan, ngày bơm 2-3 lần nhưng cũng không đủ nước sinh hoạt. Ảnh: PV.

Tại xã Hương Trà (huyện Hương Khê), có tổng diện tích 152 ha trồng chè xanh, trong đó có hơn 70 ha bị héo khô vì thiếu nước. Chính địa phương cũng đang tập trung hỗ trợ bà con tìm cách cứu cây chè xanh khỏi chết khô.

Hà Tĩnh: Sông hồ chạm đáy, giếng nước cạn khô, nông dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất - Ảnh 7.

Nhiều diện tích chè xanh ở huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh) bị cháy lá, héo khô. Ảnh: PV.

Bà Lê Thị Hải Yến, trú tại thôn Nam Trà, xã Hương Trà, cho biết: "Gia đình tôi trồng khoảng 3 sào chè xanh nhưng gần một nửa bị cháy lá. Khoảng 2 tháng nay, gia đình tôi không có chè búp thu hoạch.

Hà Tĩnh: Sông hồ chạm đáy, giếng nước cạn khô, nông dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất - Ảnh 8.

Theo bà Lê Thị Hải Yến, Hương Trà, Hương Khê chưa năm nào đại hạn như năm nay, cây chè xanh chịu hạn tốt nhưng năm nay cũng chết khô. Ảnh: PV

Để cứu cây chè xanh, tôi cùng với 3 hộ dân sống gần nhau chung tiền mua 1 máy bơm và phải kéo vòi tận 2 km mới có nước để tưới. Các hộ gia đình đã cử người túc trực cả ngày lẫn đêm tưới để cứu cây chè xanh. Chống hạn khiến người dân vừa không có thu nhập, lại phải tốn tiền điện để bơm nước".

Hà Tĩnh: Sông hồ chạm đáy, giếng nước cạn khô, nông dân thiếu nước sinh hoạt và sản xuất - Ảnh 10.

Theo ông Hoàng Ngọc Toàn, trú tại xã Hương Trà, Hương Khê (Hà Tĩnh), để cứu chè, nông dân phải dùng máy bơm, kéo ống dài gần 2km tìm nguồn nước để cứu cây chè.Ảnh: PV.

Nông dân Hà Tĩnh quay quắt trong đại hạn, "chắt" từng giọt nước cứu cây - Ảnh 11.

Nắng nóng kéo dài khiến nhiều cây ăn quả ở huyện miền núi Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) chết khô. Ảnh: PV

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Đức Hoàng- Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Trạch, cho biết: "Toàn xã Hương Trạch có hơn 1.000 hộ trồng bưởi Phúc Trạch với diện tích trên 450 ha (diện tích cho quả trên 330 ha). Những năm gần đây việc chăm sóc sức khỏe cây bưởi gặp nhiều khó khăn do nắng nóng lại nhằm dịp cây quả bưởi phát triển mạnh nhất".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem