Dân Việt

Cây mai vàng cổ thụ cứ 70 tuổi trở lên "da thịt đỏ au", ở An Giang mai cổ thụ có giá từ 1,5-7 tỷ?

Minh Hiển 20/02/2024 08:10 GMT+7
“Nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ lá”. Đây là tiêu chí đánh giá cây mai vàng cổ thụ có giá trị hay không. Cây mai 70 năm tuổi trở lên thì da, thịt đỏ au. Ở An Giang có rất nhiều cây mai cổ thụ, trị giá từ 1,5 - 7 tỷ đồng”, ông Đặng Văn Tâm (nghệ nhân bonsai phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, (tỉnh An Giang).

Những năm gần đây, trong phát triển nông nghiệp đô thị, cây mai vàng được nhiều người trồng, bởi vừa đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, vừa cho hiệu quả kinh tế cao. 

Từ tỉnh Bình Định, Phú Yên đến tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bến Tre...nhiều nông dân chuyển vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mai phôi (lấy thân để cấy mô), đầu tư nuôi mai vàng bonsai, mai cổ thụ bởi giá trị cao, thị trường rộng lớn.

 Giá trị cao

Nếu ở An Giang phát triển mạnh cây mai phôi thì ở Vĩnh Long, ngoài trồng cây mai phôi, người chơi còn đầu tư nuôi những cây mai cổ (giá trị cao). Đồng Tháp phát triển mai bon-sai.

Đến thời điểm này, trong phát triển nông nghiệp đô thị, ngoài hoa lan, cây cảnh, cá kiểng, cây mai vàng đã nhanh chóng trở thành cây trồng có vị thế trong nền nông nghiệp đô thị.

“Từ năm 2000 đến nay, nhìn thấy triển vọng của phong trào chơi mai trong cả nước, tôi chuyển đất lúa sang trồng mai, bán cho người chơi. Một công đất trồng được trên 500 gốc mai vàng, sau 3 năm, bình quân mỗi cây mai bán thấp nhất 500.000 đồng, cây mai vàng có dáng đẹp bán từ 1,5 - 2 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao so với những cây trồng khác” - ông Nguyễn Thành Phụng (xã Phú Vĩnh, TX Tân Châu, tỉnh An Giang) khẳng định.

Cây mai vàng cổ thụ cứ 70 tuổi trở lên "da thịt đỏ au", ở An Giang mai cổ thụ có giá từ 1,5-7 tỷ?- Ảnh 2.

Nhiều người tìm về TX Tân Châu (tỉnh An Giang) mua cây mai phôi. Cây mai phôi mang về ghép với giống mai khác, tạo thành tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh có giá trị từ cây mai vàng.

Ông Phụng cho biết, ở ĐBSCL vào những năm 2005, 2007, người nuôi cá tra trúng giá, họ tìm mua cây mai vườn, cây mai vàng cổ về trưng trong nhà, tìm kiếm sự may mắn. 


Vậy là phong trào săn mai vườn, cây mai độc lạ phát triển rầm rộ. Từ thành thị đến nông thôn, ở quán cà-phê, người ta nói chuyện về giá cá, giá của những cây mai “khủng”. 


Đã có nhiều người mua những cây mai cổ thụ, trị giá từ 2 - 3 tỷ đồng. 

Một số người mua cây mai phôi ở Tân Châu, mang về ghép với giống mai khác, tạo ra bông mai có nhiều cánh, nhiều màu. 

Cá biệt, một số cây mai qua quá trình lai ghép, tạo được sự khác biệt, bán với giá rất cao.

Ông Đặng Văn Tâm (một nghệ nhân cây cảnh bonsai ở phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, (tỉnh An Giang) người đạt rất nhiều giải thưởng về cây mai vàng) chia sẻ, ở đô thị, đất không rộng, trồng cây gì phải tính toán hiệu quả. 

50 năm theo nghề trồng mai vàng và chơi mai kiểng, theo ông, cây mai vàng cho hiệu quả kinh tế rất cao. Chỉ cần 600m2 đất, ông trồng trên 100 cây mai vàng. 

Hiện, mỗi cây mai vàng trong vườn nhà, giá thấp nhất 40 triệu đồng, cao hơn thì vài trăm triệu đồng.

Cây mai vàng cổ thụ cứ 70 tuổi trở lên "da thịt đỏ au", ở An Giang mai cổ thụ có giá từ 1,5-7 tỷ?- Ảnh 4.

Cây kiểng bonsai được nhiều người tìm mua.

Trồng mai vàng-thị trường rộng lớn

Sự kiện cây mai vàng trên 50 tuổi, trưng bày tại chợ hoa xuân ở TP Long Xuyên (xuân Nhâm Dần 2022), được 1 người dân mua với giá 6 tỷ đồng, một lần nữa cho thấy, trong phát triển nông nghiệp đô thị, cùng với hoa lan, cá kiểng thì cây mai vàng mang lại hiệu quả kinh tế cao. 

Ở hội hoa xuân, nhiều cây mai vàng cổ kỳ mỹ được mang ra trưng bày, bán với giá từ 2 - 4 tỷ đồng là chuyện bình thường. 

Và một khi thị trường mai tết, mai kiểng được hình thành, nhiều người đã trồng và cung cấp ra thị trường số lượng lớn.

Nếu ở An Giang có làng mai giảo Tân Châu thì ở Vĩnh Long có làng mai cổ ấp Phước Định 2 (xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ). 

Đây là làng nghề truyền thống trồng mai vàng, được công nhận năm 2009. Làng nghề có trên 200 hộ trồng và nuôi mai cổ, nhưng có trên 600 cây mai đại (tuổi từ 100 năm trở lên), có 11 cây mai trung (tuổi từ 50 - 60 năm) và trên 20.000 cây mai tiểu (tuổi từ 10 - 20 năm).

Ngày 28/7/2015, UBND tỉnh có Quyết định 1468/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện vùng quy hoạch sản xuất hoa và cây kiểng ứng dụng công nghệ cao, giai đoạn 2015- 2016. 

Đây là văn bản nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/6/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, diện tích sản xuất hoa và cây kiểng trong giai đoạn này đạt ít nhất 25ha, tập trung ở các chủng loại hoa cao cấp (lily, hồng môn), các giống hoa truyền thống và có thế mạnh trong sản xuất (cúc, huệ, hoa lan, mai vàng, mai chiếu thủy). Đây là quyết định quan trọng, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp đô thị.

Và từ đó đến nay, khi thị trường được hình thành, phát triển, diện tích trồng hoa của An Giang đã vượt xa mong đợi. 

Phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang giờ đây không chỉ có lúa gạo, cá tra, bắp thu trái non, đậu nành rau, xoài cát Hòa Lộc, xoài keo mà còn có hoa lan, cây mai vàng, mai chiếu thủy cùng một số sản phẩm cây kiểng thủy sinh. Một nền nông nghiệp đa dạng, giá trị lớn đã được mở ra cho nông dân.

“Ở Nhật Bản, Hà Lan, nông dân giàu lên nhờ trồng hoa thì tại sao ở An Giang, chúng ta không thể giàu lên từ ngành hoa kiểng. Đây là trăn trở của chúng tôi trong kỷ nguyên số…” - ông Đặng Văn Tâm (nghệ nhân phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên) trăn trở.

Cây mai vàng cổ thụ cứ 70 tuổi trở lên "da thịt đỏ au", ở An Giang mai cổ thụ có giá từ 1,5-7 tỷ?- Ảnh 6.

Nghệ nhân Tư Tâm (An Giang) bên những tác phẩm mai vàng do mình tạo ra

Thú chơi tao nhã

Phát triển nông nghiệp đô thị từ cây mai vàng không chỉ dừng lại ở việc kiếm tiền, quan trọng hơn là đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội, một thú chơi tao nhã, nhưng “hái” ra tiền. 

Ở TX Tân Châu, nông dân đã nhanh chóng thích ứng với cơ chế thị trường bằng cách, chuyển đất trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh, trong đó có cây mai vàng. Ruộng lúa giờ đã biến thành ruộng mai, cho hiệu quả kinh tế rất cao.

Hiện mỗi ngày, có hàng chục thương lái từ các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Long An, TP. Hồ Chí Minh về mua mai phôi, mai hình con thú, mai bon-sai mang về chơi, kinh doanh, làm cho làng quê trở nên nhộn nhịp, không khí Tết tràn ngập từ thành thị đến nông thôn.

“Thú chơi mai ngày nay rất đa dạng về phong cách. Người thích chơi mai cổ, luôn tìm mua những cây mai độc, có người chuyên tìm mua mai phôi, mang về ghép với các loài mai khác, tạo ra bông mai nhiều cánh, nhiều màu sắc khác nhau, từ đó mà người trồng nhanh chóng thích ứng với thị hiếu của từng phân khúc khách hàng” - Nguyễn Văn Hiếu (xã Lê Chánh, TX Tân Châu, tỉnh An Giang) chia sẻ.

Cây mai vàng cổ thụ cứ 70 tuổi trở lên "da thịt đỏ au", ở An Giang mai cổ thụ có giá từ 1,5-7 tỷ?- Ảnh 8.

Cây mai vàng cổ thụ cứ 70 tuổi trở lên "da thịt đỏ au", ở An Giang mai cổ thụ có giá từ 1,5-7 tỷ?- Ảnh 9.

Những cây mai cổ thụ ở An Giang càng lão hóa thì giá trị càng cao.

Trong giới chơi mai vàng ở ĐBSCL, ít ai có vinh dự như ông Lê Văn Nưng (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). 

Ông là người sở hữu cây mai vàng cổ thụ có tuổi đời 130 năm, tuổi kiểng 120 năm.

Cây mai vàng cổ thụ hiếm có khó tìm của gia đình ông Nưng đã xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2009. 

Thời điểm đó, giới chơi mai cổ thụ ở An Giang cũng được “thơm lây”. Cây mai cổ thụ của ông Nưng là giống huỳnh mai, có hoành 1,1m, cao gần 3m, dáng trực; tàng, cốt, chi đều lớn.

“Nhất đế, nhì thân, tam cành, tứ lá”. Đây là tiêu chí để đánh giá cây mai có giá trị hay không. 

“Cây mai vàng cổ thụ có giá trị là cây có tuổi đời cao, bộ đế đẹp, trải đều tứ phía. Dáng, thân đúng chuẩn, có sự khác biệt so với những cây xung quanh. 

Cây mai vàng cổ thụ thiên nhiên có giá trị hơn cây nhân tạo, bông đều, cánh không nhăn. Cây mai vàng cổ thụ 70 năm tuổi trở lên thì da, thịt đỏ au. 

Ở tỉnh An Giang có rất nhiều cây mai cổ thụ, có trị giá từ 1,5 - 7 tỷ đồng” - ông Đặng Văn Tâm (nghệ nhân bon-sai phường Mỹ Phước, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang) thông tin.