Cây cổ thụ chết giữa đường ở An Giang, 300 năm nhìn như vẫn sống, không ai dám mạo phạm là loài cây gì?

Thứ hai, ngày 18/04/2022 13:02 PM (GMT+7)
Nếu lần đầu tiên đến thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nhiều người hẳn sẽ rất bất ngờ khi lưu thông qua đường Ngô Tự Lợi. Bởi trên con đường láng nhựa phẳng phiu, thoáng đãng này, bỗng hiện ra một cây cổ thụ to lớn, cao sừng sững án ngữ ngay giữa đường.
Bình luận 0

Không ai dám mạo phạm

Theo quan sát của PV, cây cổ thụ trên thuộc loại cây dầu, cao khoảng 30m, tán lá rộng khoảng 15m, thân cỡ 4 người ôm, rễ to tầng tầng lớp lớp quấn chặt thân cây. Người dân địa phương cho hay, cây dầu này đã tồn tại khoảng 300 năm.

Cây cổ thụ chết giữa đường ở An Giang, 300 năm nhìn như vẫn sống, không ai dám mạo phạm là loài cây gì? - Ảnh 1.

Nếu nhìn từ xa mọi người thấy như cây dầu vẫn còn sống...

Khi nói đến Ba Chúc, nhiều người thường liên tưởng đến cuộc thảm sát của quân diệt chủng Pôn Pốt.

Ông Sáu Nhỏ (70 tuổi, ngụ thị trấn Ba Chúc) kể lại: “Năm 1977, quân Khmer Đỏ (Pôn Pốt - PV) vô cớ tràn xuống tấn công 8 tỉnh biên giới Tây Nam, trong đó tấn công Ba Chúc nhiều lần. Chúng đưa nhiều người ra nhiều khu vực, trong đó có khu vực gốc cây dầu để tàn sát”.

Kể từ đó đến nay, nhiều người dân địa phương tin rằng cây dầu cổ thụ có thần linh, có... oan hồn trú ngụ nên chẳng ai dám mạo phạm (?) Cánh tài xế xe khách phương xa mỗi khi có dịp đi ngang qua đây cũng đều dừng xe xuống thắp nhang, cúng bánh trái, cầu mong chuyến đi được an toàn.

Chị Huỳnh Thị Tố An, chủ một quán cà phê cạnh gốc cây dầu chia sẻ: “Theo các cụ kể lại, thời xa xưa mảnh đất này là vùng trũng, nằm trên cánh đồng lớn.

Từ khi có cây dầu mọc lên thì xuất hiện một nhà sư lạ mặt đến địa phương xin cất chùa. Sư thầy xây dựng chùa Thanh Lượng Tự kế bên cây dầu. Từ khi có chùa, người dân bắt đầu đổ về sinh hoạt và sinh sống khu vực lân cận”.

Cũng theo chị An, cách đây hơn 20 năm, sau khi quy hoạch đường, không hiểu sao cây dầu lại nằm giữa lòng đường như hiện nay.

Tuy cây đã chết từ năm 2017 nhưng cây Lâm Vồ và rễ Bồ Đề vẫn ôm quấn lấy thân cây. Nếu nhìn từ xa mọi người thấy như cây dầu vẫn còn sống. Còn việc các nhánh cây vươn dài ra thì mọi người ở đây không dám cắt tỉa hay chặt, vì sợ “nếu đụng tới sẽ chết”.

“Khoảng hơn chục năm trước, ngay mùa mưa bão, sợ nhánh cây rớt trúng người đi đường nên sư thầy trong chùa có nhờ một thanh niên tỉa nhánh sát khuôn viên chùa. Nhưng anh ta mới leo lên hàng rào giơ dao tỉa thì không hiểu thế nào, tự dưng té xuống rồi tử vong. Từ đó mọi người e ngại, dù đó là chuyện ngẫu nhiên”, chị An kể.

Nhiều vụ tai nạn đã xảy ra

Cây cổ thụ chết giữa đường ở An Giang, 300 năm nhìn như vẫn sống, không ai dám mạo phạm là loài cây gì? - Ảnh 2.

Cây dầu cổ thụ nằm án ngữ giữa lòng đường Ngô Tư Lợi, thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Nhiều bậc cao niên trong khu vực cũng cho biết, sau khi bộ đội ta đẩy lùi được quân diệt chủng Pôn Pốt, chính quyền và người dân Ba Chúc bắt tay vào việc xây dựng quê hương.

Trước sự án ngữ giữa đường của cây dầu, nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra, có người tính đốn hạ. Nhưng suy đi tính lại, cuối cùng không ai dám.

Và qua bao năm tháng, đã xảy ra thêm nhiều vụ tai nạn khác, nạn nhân phần lớn là những người từ xa tới, không quen đường, chạy tốc độ cao.

Trong quá trình tiếp cận với nhiều người dân thị trấn Ba Chúc tìm hiểu về lịch sử cây dầu, PV ghi nhận nhiều ý kiến, trong đó có cả thân nhân của người bị TNGT.

Họ đều mong rằng chính quyền tỉnh An Giang cần có biện pháp bảo tồn hợp lý, di dời hoặc chấn chỉnh, không để tiếp tục xảy ra các vụ tai nạn thương tâm vì cây dầu này. Nếu không đụng đến cây thì có thể mở rộng thêm đường về một bên...

Ông Phạm Minh Hiền, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Ba Chúc cho biết, cây dầu bên trong đã chết, bên ngoài mọc cây đa trùm vào thân cây nên nhìn từ xa, người ta vẫn nghĩ cây dầu vẫn còn sống.

“Động vào cây dầu này thì địa phương không dám, nên chúng tôi không thể di dời. Còn nếu bảo chặt bỏ thì càng không được, do cây gắn với biến cố lịch sử, đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Chúng tôi nhận thấy cây đa bám rễ giữ cây dầu rất chắc nên không thể chặt bỏ nó được”, ông Hiền nói.

Ông Hiền thông tin thêm, liên quan đến phản ánh về việc cây dầu chiếm diện tích lòng đường gây khó khăn cho người tham gia giao thông, hiện nay địa phương đã nâng cấp đường rộng rãi, gắn biển cảnh báo…

“Nói chung người dân địa phương đã quen sự có mặt cây dầu. Vì vậy, để cảnh báo giao thông tốt hơn, địa phương đã cho quấn đèn trang trí, đèn chiếu sáng để tạo nét đẹp riêng và cảnh báo từ xa cho người tham gia giao thông tốt hơn”, ông Hiền nói.

Tô Văn (Báo An toàn giao thông)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem