Sầu riêng được xem là “vua của các loại trái cây” nhờ hương vị đặc trưng, giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao. Ngay những vụ thu hoạch đầu tiên, nhiều nông dân trồng sầu riêng ở huyện miền núi Sông Hinh (Phú Yên) đã có nguồn thu nhập khủng.
Sau một thời gian thử nghiệm, người dân huyện miền núi Sông Hinh đã trồng khoảng 500ha sầu riêng, tập trung các giống có giá trị kinh tế cao như Ri 6, Monthong, Musang King.
Đặc biệt, năm 2023 giá sầu riêng lập đỉnh, mang lại lợi nhuận khủng cho người dân trồng sầu riêng.
Hơn 40 năm gắn bó với nông nghiệp, ông Cao Nguyên Lâm ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), chia sẻ: Ở nhiều nơi, sầu riêng không chỉ là cây trồng xóa đói giảm nghèo, mà còn giúp người dân làm giàu.
Với 1 cây sầu riêng trưởng thành có thể thu khoảng 3 tạ trái/vụ, tương đương 18-20 triệu đồng; thời gian khai thác kéo dài mấy chục năm.
Như vậy, mỗi hộ dân chỉ cần trồng 20 cây sầu riêng là đã có nguồn thu nhập ổn định, lâu dài. Năm 2023, với 7ha sầu riêng 7 năm tuổi, gia đình tôi lãi trên 8 tỷ đồng.
Mặc dù chỉ trồng khoảng 1,5ha sầu riêng, gia đình anh Bùi Đức Niệm ở xã Ea Bar thu hoạch được hơn 30 tấn trái, lãi hơn 2 tỷ đồng.
Ông Cao Nguyên Lâm (thứ 2, từ phải qua) đưa khách tham quan vườn sầu riêng bạc tỷ của gia đình ở xã Ea Bar, huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên). Gia đình ông Lâm trồng 7ha sầu riêng các giống sầu riêng Ri 6, Monthong, Musang King, năm 2023 thu 8 tỷ đồng. Ảnh: NGÔ XUÂN
Đây gần như là một số tiền không tưởng đối với gia đình anh. “Nhờ cây sầu riêng mà năm nay gia đình tôi đón tết no ấm, đủ đầy hơn.
Qua tết, tôi dự định mở rộng thêm vài héc ta sầu riêng để tăng nguồn thu cho những năm sau”, anh Niệm khoe.
Cũng trong vụ sầu riêng năm 2023, anh Trần Đình Thạch ở thôn Chư Blôi, xã Ea Bar tìm được một hướng đi mới - mở dịch vụ tham quan vườn cây ăn trái.
Có ngày gia đình anh đón tiếp hàng chục đoàn khách du lịch. Khách đến vườn không chỉ được tham quan, ăn uống, mà còn được mua sầu riêng sạch, rụng tại vườn.
Anh Thạch đang làm thủ tục xây dựng vườn mẫu nông thôn mới để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp.
Vụ sầu riêng vừa rồi không chỉ mang lại lợi nhuận lớn cho nông dân, mà còn để lại nhiều ấn tượng với người yêu thích loại trái cây vua này.
Chị Đoàn Kim Oanh ở TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) bày tỏ: Mặc dù rất mê sầu riêng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy những trái này lủng lẳng trên cây.
Đây cũng là lần đầu tôi được thưởng thức hương vị sầu riêng sạch, chín rụng tại vườn. Tôi thực sự ấn tượng với hương thơm, vị béo ngọt đậm đà và hình ảnh quyến rũ của sầu riêng Sông Hinh.
Theo UBND huyện Sông Hinh, nơi đây có nhiều đặc điểm về thổ nhưỡng, thời tiết giống với huyện miền núi Khánh Sơn (tỉnh Khánh Hòa) - vùng đất thành công với thương hiệu sầu riêng Khánh Sơn nức tiếng.
Đặc biệt, năm vừa rồi một số hộ trồng sầu riêng ở Khánh Sơn đăng ký mã số vùng trồng, đưa sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Người dân cũng sử dụng sầu riêng để chế biến nhiều đặc sản như kem sầu riêng, sữa chua sầu riêng, sầu riêng cấp đông, sầu riêng sấy khô… để chủ động đầu ra.
Hướng đi này đang được huyện Sông Hinh áp dụng nhằm xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị trái sầu riêng.
Ông Võ Thanh Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Cơ khí NEWTECH - đơn vị thu mua, xuất khẩu sầu riêng, cho biết: Thông qua thiết bị đo, chúng tôi xác định sầu riêng Sông Hinh có độ ngọt đạt 35-38 độ Brix (đơn vị đo độ ngọt tự nhiên trong trái cây, rau củ), trong khi sầu riêng các vùng khác độ ngọt chỉ từ 30-33 độ Brix.
Ngoài ra, những tiêu chí khác như độ béo, độ màu… cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Vụ tới, nếu có sự định hướng, chăm sóc đúng kỹ thuật thì sầu riêng Sông Hinh sẽ cho chất lượng vượt xa so với rất nhiều vùng trồng khác trong nước.
Theo ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, (tỉnh Phú Yên) địa phương đang phối hợp Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Sở NN&PTNT, Sở KH&CN triển khai nhiệm vụ khoa học “Tạo lập, quản lý và phát triển chứng nhận nhãn hiệu Sầu riêng Sông Hinh” nhằm xây dựng mô hình sản xuất, quản lý và phát triển sầu riêng theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.
Hiện địa phương hỗ trợ một số hộ dân xây dựng sầu riêng đạt sản phẩm OCOP của huyện; hỗ trợ 2 tổ hợp tác làm thủ tục đăng ký mã vùng trồng sầu riêng. Đây là điều kiện để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch nhằm nâng cao giá trị bền vững cho sầu riêng Sông Hinh.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh: Huyện Sông Hinh có hơn 500ha trồng sầu riêng, tập trung ở các xã: Ea Bar, Ea Ly, Ea Trol, Sông Hinh…
Trong đó, hơn 100ha sầu riêng đã cho thu hoạch; sản lượng năm 2023 đạt trên 1.000 tấn. Với giá bán 80.000 đồng/kg sầu riêng, nhiều nông dân thu lãi hơn 1 tỷ đồng/ha, cao gấp 2-3 lần các cây trồng khác.