Thứ xưa cả làng vứt đi, 9X Đồng Tháp "nhặt" về làm kiểu gì mà bán sang Mỹ, tự nhận lương cao?

Chủ nhật, ngày 25/02/2024 08:08 AM (GMT+7)
Tận dụng xơ mướp để sản xuất thành hàng chục mặt hàng như bông tắm, miếng rửa chén, đồ chơi… anh Đỗ Đăng Khoa (34 tuổi, ngụ ấp Thị, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) thành công đưa sản phẩm ra thị trường Mỹ, Nhật, mang lại thu nhập cao.
Bình luận 0

Tận dụng xơ mướp để sản xuất thành hàng chục mặt hàng như bông tắm, miếng rửa chén, đồ chơi… anh Đỗ Đăng Khoa (34 tuổi, ngụ ấp Thị, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) thành công đưa sản phẩm ra thị trường Mỹ, Nhật, mang lại thu nhập cao.

Từng tốt nghiệp một trường đại học ở TP Hồ Chí Minh và trải qua nhiều công việc về thiết kế và làm sự kiện. 

Năm 2014, nhận thấy xu thế trong và ngoài nước ưa thích những sản phẩm tự nhiên, thay thế sản phẩm từ nhựa, hạn chế ô nhiễm môi trường, anh nảy sinh ý tưởng tận dụng xơ mướp để sáng tạo ra sản phẩm. 

"Ngày xưa, chưa có những miếng nhựa PP hay PE như bây giờ, ông bà dùng các bộ phận của trái mướp già để khô hay gọi là xơ mướp để tắm hay rửa chén bát… Thấy hướng đi tiềm năng, góp phần bảo vệ môi trường nên tôi quyết định khởi nghiệp từ loại nguyên liệu này", anh Khoa cho biết. 

Ban đầu tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự sáng tạo và chất lượng sản phẩm ưu việt nên anh nhận được nhiều đơn hàng từ thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, sau một thời gian công việc bị chững lại do mất đơn hàng bởi sản phẩm cùng loại từ Thái Lan ra đời năm 2016. 

Đến giữa năm 2017, anh lấy lại được thị trường nhờ những sản phẩm chất lượng hơn so với hàng Thái. Hàng chục sản phẩm nối tiếp nhau ra đời như miếng lót giày, miếng rửa mặt, chà lưng, túi xách… đều được các thị trường như Mỹ, Nhật ưa chuộng, thu hút sự quan tâm từ các nhà bán lẻ trong nước, chuỗi siêu thị.

Thứ xưa cả làng vứt đi, 9X Đồng Tháp "nhặt" về làm kiểu gì mà bán sang Mỹ, tự nhận lương cao?- Ảnh 1.

Anh Đỗ Đăng Khoa (34 tuổi, ngụ ấp Thị, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) cùng những sản phẩm thân thiện với môi trường làm từ xơ mướp.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, anh Khoa liên kết với 20 hộ nông dân để xây dựng vùng trồng lớn thu hoạch nguyên liệu xơ mướp. 

Mướp khô sau khi thu mua được công nhân vệ sinh sạch, tách vỏ, phơi khô, đưa vào máy cán để định hình trước khi đưa vào dập khuôn mẫu theo từng mẫu sản phẩm khác nhau. 

Đa số sản phẩm được làm thủ công nên sản phẩm có tính độc đáo riêng, không trùng lắp với sản phẩm nào trên thị trường.

"Tùy vào từng sản phẩm mà xơ mướp được tán dày hay mỏng, phương pháp này làm cho mật độ liên kết của xơ mướp dày hơn, dẻo dai và mịn màng hơn. Nhờ vậy sản phẩm có độ bền tương đối cao", anh Khoa chia sẻ. 

Giá bán dao động từ 10.000-60.000 đồng/sản phẩm. Mỗi tháng anh xuất bán nhiều đơn hàng đi nước ngoài. Ngoài ra còn cung ứng cho thị trường trong nước số lượng lớn các sản phẩm. 

Trung bình mỗi héc-ta đất trồng mướp, cơ sở của anh sản xuất được 80.000 sản phẩm, thu lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng cho mỗi vụ. 

Hiện anh Khoa tạo ra nhiều sản phẩm từ xơ mướp, nổi bật là dòng sản phẩm dành cho thú cưng, sản phẩm chùi rửa nhà bếp, bộ sản phẩm bông tắm được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. 

Sản phẩm cũng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và OCOP 4 sao. Đặc biệt, anh còn kết hợp với nhiều loại vật liệu là phụ phẩm nông nghiệp như vỏ bắp, mè… để tạo ra những sản phẩm trang trí đẹp mắt như hoa, quả khô…

Thành công không giữ cho riêng mình, anh Khoa còn nỗ lực để giúp truyền nghề cho hàng chục người dân trong vùng có thêm công ăn việc làm bằng việc nhận gia công tại nhà hoặc đến làm tại xưởng. Đặc biệt, anh còn liên kết với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp để mở lớp dạy nghề miễn phí hằng năm.

Nguyễn Trinh (Báo Cần Thơ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem