Một xã của Yên Bái đang nuôi cá tầm, loại cá ngon, bán 200.000 – 250.000 đồng/kg, thu tiền tỷ
Một xã của Yên Bái đang nuôi loại cá ngon, bán 200.000–250.000 đồng/kg, thu tiền tỷ
Chủ nhật, ngày 25/02/2024 05:47 AM (GMT+7)
Nằm dưới chân núi Nả, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ, nguồn nước lạnh trong lành thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản đặc sản, trong đó có cá tầm. Đây là loại cá dễ tiêu thụ, có giá trị kinh tế cao.
Nằm dưới chân núi Nả, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ, nguồn nước lạnh trong lành thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản đặc sản, trong đó có cá tầm. Đây là loại cá dễ tiêu thụ, có giá trị kinh tế cao.
Trại cá tầm bản Nả có diện tích trên 7.000 m2, đang nuôi 11 nghìn con cá tầm thương phẩm và 5.000 con cá tầm giống.
Anh Hoàng Đình Hiếu - quản lý trại cá, là người có kinh nghiệm nhiều năm nuôi cá tầm tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Sau khi được giới thiệu và nghiên cứu về điều kiện tự nhiên tại bản Nả, anh cho biết, nơi đây rất phù hợp cho việc nuôi cá đặc sản, trong đó có cá tầm.
Vì vậy, từ tháng 4 năm 2023, anh quyết định chuyển từ Sa Pa về đầu tư, xây dựng trại nuôi cá tầm ở bản Nả.
Sau một thời gian triển khai xây dựng, đến tháng 10/2023, anh bắt đầu thả lứa cá đầu tiên.
Có kinh nghiệm nuôi cá tầm cộng với sự ủng hộ của thời tiết nên đàn cá tầm sinh trưởng tốt, ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh.
Anh Hiếu cho biết: "Trong quá trình xây dựng trại cá, tôi đã được chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ rất nhiều. Nuôi cá tầm ở đây rất thuận lợi. Nhờ chủ động nguồn nước ra vào liên tục nên cá tầm phát triển nhanh, cho năng suất cao.
Đây là giống cá có giá trị kinh tế cao và không phải địa phương nào cũng nuôi được. Hiện, đầu ra của cá thịt tương đối ổn định, giá bán dao động trung bình khoảng 200.000 – 250.000 đồng/kg, dự kiến mỗi năm cơ sở sẽ có thu nhập trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 2 – 3 lao động là người địa phương”.
Anh Hoàng Đình Hiếu - quản lý Trại nuôi cá tầm Bản Nả giới thiệu với lãnh đạo huyện Trấn Yên và xã Việt Hồng (tỉnh Yên Bái) về quy trình nuôi cá tầm tại cơ sở.
Cũng theo anh Hiếu, cá tầm là loài thủy đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến thành nhiều món ăn được người tiêu dùng ưa chuộng.
Tuy nhiên, cá tầm được đánh giá là đối tượng nuôi khó tính, đòi hỏi điều kiện môi trường sống khắt khe hơn các đối tượng thủy sản nước ngọt khác như: phải có nguồn nước lưu thông tốt, ngưỡng nhiệt độ nước không quá 28 độ C, môi trường để cá sinh trưởng, phát triển tốt nhất là nhiệt độ nước không quá 20 độ C.
Cũng như anh Hiếu, tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương, ông Trần Cao Thắng ở bản Nả cùng 2 người cháu quyết định xây dựng trang trại nuôi cá tầm.
Sau khi đi tham quan học tập một số mô hình nuôi cá tầm ở Sơn La, Lào Cai, ông Thắng cùng gia đình đầu tư hơn 700 triệu đồng mua đường ống dẫn nước trực tiếp từ trên núi về và xây dựng khu vực nuôi cá với 13 bể, gồm 8 bể ươm cá giống và 5 bể nuôi cá thương phẩm, tổng diện tích khoảng 300m2. Cá tầm giống được ông nhập từ các cơ sở ươm nuôi ở Sa Pa.
"Với cá tầm, nguồn nước rất quan trọng, phải luôn bảo đảm nước sạch, nếu nước bị ô nhiễm, cá sẽ bị mắc bệnh và chết. Thức ăn của cá thì không quá cầu kỳ, ngoài thức ăn công nghiệp, cho ăn thêm cá, tôm tép nhỏ, điều cơ bản là phải chăm sóc và cho ăn đúng kỹ thuật”, ông Thắng chia sẻ.
Chủ tịch UBND xã Việt Hồng - Triệu Khánh Thiện cho biết: Từ cơ sở nuôi cá tầm đầu tiên vào năm 2019, đến nay xã đã có 5 cơ sở nuôi cá tầm, trong đó có 1 cơ sở nuôi cá giống và 4 cơ sở nuôi cá thịt.
Phấn khởi nhất là trong 5 cơ sở nuôi này có 3 cơ sở do trực tiếp người dân địa phương thực hiện; hai cơ sở còn lại thì liên kết với người dân địa phương. Nhờ nuôi cá đặc sản mà nhiều hộ dân trong xã đã có thu nhập cao, thường xuyên tạo việc làm cho 15 - 20 lao động là người địa phương.
Dựa trên các yếu tố tự nhiên thuận lợi về nguồn nước và các chính sách ưu đãi của Nhà nước, Việt Hồng đang khuyến khích phát triển thêm từ 1 – 2 cơ sở nuôi cá tầm nữa theo hướng liên kết chuỗi và tiến tới thành lập Hợp tác xã nuôi cá tầm tại địa phương trong năm 2024.
Việc nuôi cá tầm được nhân rộng sẽ có thêm đối tượng nuôi mới cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao, khai thác chiệu quả tiềm năng nguồn nước lạnh, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Qua đi kiểm tra thực tế các mô hình nuôi cá tầm tại Việt Hồng, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái)- Trần Ngọc Thư cho biết: Việt Hồng có hai lợi thế quan trọng để có thể phát triển nuôi cá đặc sản, nhất là cá tầm.
Thứ nhất, lợi thế về khí hậu, thứ hai là về nguồn nước. Nguồn nước từ trên núi Nả chảy xuống sạch, đảm bảo về nhiệt độ nước để thích ứng với quá trình sinh trưởng và phát triển của cá tầm. Bên cạnh đó, xã có vị trí địa lý thuận lợi để xây dựng các cơ sở nuôi cá tầm; đường giao thông thuận lợi để vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.
Huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo xã tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở nuôi cá tầm và mở rộng thêm một số loài cá nước lạnh đặc sản khác; chỉ đạo các ngành chuyên môn định hướng, quy hoạch vùng sản xuất, tuyên truyền các hộ liên kết trong sản xuất để xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm thị trường tiêu thụ ổn định.
Huyện cũng yêu cầu địa phương quản lý thật tốt diện tích rừng tự nhiên và nguồn nước để không làm ảnh hưởng đến môi trường phát triển của cá. Đồng thời phát triển thêm một số dịch vụ du lịch để thu hút du khách đến với Việt Hồng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.