Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Hạnh (xóm Ao Trám, xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, trước khi đến với mô hình nấu cao ngựa bạch như hiện nay, anh chủ yếu chăn nuôi lợn kết hợp với buôn lợn.
Kể về cơ duyên đến với mô hình nuôi ngựa, anh Hạnh cho biết, vào năm 2006, trong những lần đi lên huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, anh thấy người dân ở đó chủ yếu nuôi ngựa với số lượng lớn. Nhiều lần, anh được mọi người nhờ mua giúp cao ngựa, người ít người nhiều. Bà con mỗi khi thịt ngựa mà không thể tiêu thụ xương, anh lại mua xương ngựa về, thuê người nấu cao để dùng. Cao ngựa còn thừa đem bán cho những người có nhu cầu.
Từ đó, anh Hạnh quyết định mua ngựa bạch từ Ngân Sơn, Bắc Kạn về nấu cao và làm giò bán cho những người có nhu cầu tại địa phương.
"Ban đầu, một số người mua về dùng thử, thấy sức khỏe được cải thiện nên đã giới thiệu cho những người khác, dần dần sản phẩm của gia đình tôi được nhiều người biết đến" - anh Hạnh cho hay.
Trên cơ sở đó, năm 2023, anh Hạnh đã tập trung đầu tư và phát triển mô hình nấu cao ngựa bạch với quy mô lớn hơn. Hiện tại, trung bình mỗi tháng anh Hạnh nấu từ 18 – 20kg cao ngựa bạch (cứ khoảng 24 giờ sẽ cho ra một mẻ cao) với giá bán trung bình từ 800.000 – 1.000.000 đồng/lạng.
Theo anh Hạnh, xương ngựa bạch dùng nấu cao rất tốt cho sức khoẻ, có nhiều công dụng trong việc tăng cường bồi bổ cho cơ thể, bổ sung canxi, giúp ngăn ngừa loãng xương với người già và cải thiện hiệu quả tình trạng trẻ em còi cọc, biếng ăn.
Hiện sản phẩm cao ngựa bạch của gia đình anh đã có bao bì, gắn mã QR để truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sự tin tưởng cho người sử dụng. Đến thời điểm này, sản phẩm cao ngựa bạch của gia đình anh Hạnh đã tiếp cận được khách hàng ở các tỉnh, thành như: Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Sóc Trăng, TP.HCM… Sản phẩm của gia đình anh Hạnh vẫn chủ yếu được bán qua hình thức truyền thống thông qua các đại lý.
Bên cạnh việc nấu cao ngựa phân phối ra thị trường, anh Hạnh còn bán thêm sản phẩm phổi ngựa bạch ngâm mật ong để hỗ trợ điều trị cho những người mắc bệnh hen suyễn.
Thời gian tới, anh Hạnh dự định sẽ đưa ra thị trường thêm sản phẩm cao ngựa bạch ngâm rượu. Đồng thời, anh dự tính sẽ nâng sản lượng cao ngựa bạch lên gấp 3 – 4 lần sản lượng hiện tại.
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho việc chế biến cao ngựa bạch, trong thời gian tới, anh Hạnh mong muốn ngành nông nghiệp huyện Phú Lương và tỉnh Thái Nguyên sẽ quan tâm tạo điều kiện khích lệ, động viên và hỗ trợ người dân trên địa bàn phát triển mô hình chăn nuôi ngựa bạch, giúp bà con gia tăng thu nhập, vì đây là mô hình mang lại giá trị kinh tế tương đối cao.
Anh Hạnh cũng mong muốn các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ quảng bá sản phẩm để sản phẩm ngày càng khẳng định được thương hiệu, uy tín cũng như chất lượng trên thị trường.
Nếu nguồn nguyên liệu ổn định tại địa phương, anh Hạnh có dự định sẽ thành lập doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường sản phẩm cao ngựa bạch với số lượng lớn. Cùng với đó, anh dự định sẽ xây dựng thương hiệu OCOP cho sản phẩm cao ngựa bạch này, từ đó sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
"Để làm được điều đó thì trước tiên cần phải xây dựng được nền móng vững chắc, tức là nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo chất lượng thì mới cho ra được sản phẩm chất lượng. Khi khách hàng đã tin tưởng vào chất lượng sản phẩm thì sẽ không cần lo đầu ra nữa" - anh Hạnh bày tỏ.