Săn lùng loài cá nghe tên giật mình ở con sông Đà qua Phú Thọ, đem về nấu vờ thành đặc sản

Thứ hai, ngày 04/03/2024 07:56 AM (GMT+7)
Xâm xẩm tối, khi mặt nước sông Đà còn loáng như dát bạc theo từng con sóng dập dờn, anh Dũng- một chủ lồng cá trên sông, cũng là dân chài lưới "gộc" ở xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) lại hì hụi chuẩn bị ngư cụ cho một đêm săn cá ngạnh - giống cá da trơn, ngon nức tiếng dọc dòng Đà giang...
Bình luận 0

"Tôm chạng vạng, cá rạng đông"

Nhiều người hay đồn thổi, cá ngạnh sông, trong đó có sông Đà được nuôi lồng theo mô hình cá thương phẩm, nhưng cá nhân tôi (PV) từ hồi quen các chủ lồng dọc sông Đà đến nay chưa từng thấy nhà bè nào nuôi cá ngạnh thương phẩm cả. 

Tất cả cá ngạnh trong bè đều là cá được gom từ các tay câu hoặc chài lưới có mối quan hệ thân quen, sau khi đánh bắt được, họ đổ buôn cho các chủ lồng nuôi gom và chờ đạt trọng lượng là xuất bán.

Anh Dũng khẳng định: Nếu tinh mắt, dân chuyên hoàn toàn có thể nhận biết đâu là cá ngạnh sông Đà. 

Dễ phân biệt nhất là cá ngạnh sông có nhiều cỡ, con to, nhỏ khác nhau và đặc biệt, thịt có mầu vàng không lẫn với những loại khác.

Theo anh Dũng, cá ngạnh cũng có mùa săn chứ không phải quanh năm. Tầm từ tháng 3, cá ngạnh bắt đầu ăn ra (từ hang ra) đi theo đàn, đàn nhiều lên tới vài trăm con đủ cỡ. 

Săn lùng loài cá nghe tên giật mình ở con sông Đà qua Phú Thọ, đem về nấu vờ thành đặc sản- Ảnh 2.

Trên sông Đà, cá ngạnh thường có từ ngã ba sông lên, nhiều khu vực có thể đánh bắt được số lượng lớn như ghềnh Bợ, xã Thạch Đồng; ghềnh Con Tượng, khu cầu Trung Hà và khu lồng bè xã Xuân Lộc...

Cá ngạnh chủ yếu đánh lưới, bên cạnh đó là câu và đánh rọ. Anh Dũng cho biết thêm, nhiều đỗ lớn, cá ngạnh mắc lưới có khi lên tới hàng trăm con.

Có đỗ- như anh Luyện, khu 5, Xuân Lộc nhớ lại, đánh rọ được tới hơn 30kg ngạnh; còn anh Dũng có tay lưới cả to bé cũng được hơn 40 con.

Ngạnh sông Đà, con to tầm 5 lạng, còn loại 1kg cực hiếm. Không chỉ nắm được tập tính của cá ngạnh, người đi săn còn phải biết được mùa cá ra để đặt bẫy.

Chập tối, dân đi săn ngạnh bắt đầu giong thuyền, buông lưới, sau 4-5 tiếng thì rút lưới. Tầm 3h sáng lại đi buông.

Săn lùng loài cá nghe tên giật mình ở con sông Đà qua Phú Thọ, đem về nấu vờ thành đặc sản- Ảnh 4.

Anh Dũng- xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thuỷ chuẩn bị ngư cụ cho một buổi săn ngạnh trên dòng sông Đà chảy qua địa phận tỉnh Phú Thọ.

Các cụ có câu "tôm chạng vạng, cá rạng đông" thời điểm đó dễ đánh và thu hoạch nhiều nhất và cũng là kinh nghiệm "kim chỉ nam" cho dân săn cá sông Đà, nhất là săn cá ngạnh...

Nghề "lấy lộc sông Đà"

Sông Đà luôn ẩn chứa vẻ đẹp hùng vĩ và hào sảng. Con sông gắn với hàng ngàn phận người từ chèo đò, chài lưới đến những người dân sống dọc hai bên... 

Trải qua bao thế hệ, bao phận người nhưng nhắc đến sông Đà, ngoài sự ngưỡng mộ sức sống và sự ảnh hưởng của dòng sông đến nhiều vùng đất thì hầu hết đều chung một nhận định, sông Đà có nguồn thủy sản vô tận và phong phú.

Săn lùng loài cá nghe tên giật mình ở con sông Đà qua Phú Thọ, đem về nấu vờ thành đặc sản- Ảnh 6.

Cá ngạnh sông Đà có giá bán từ 450.000-500.0000 đồng/kg ở các nhà hàng.

Nói đến cá sông Đà hẳn nhiều người không thể quên được những khúc cá măng vàng ươm, những con quất, chiên căng bóng, nặng hàng yến trong những buổi chợ chiều dọc ven sông một thuở.

Giờ đây, người đánh cá sông Đà dọc huyện Thanh Thủy không còn nhiều. Ngoài một số người vì mưu sinh thì việc duy trì đánh cá sông là bởi nhớ nghề và cho mục đích cải thiện bữa ăn gia đình...

Theo thống kê của anh Dũng, hiện giờ vẫn còn có vài chục người theo nghề đánh cá và săn cá ngạnh ở một số xã như Tân Phương, Xuân Lộc, Thạch Đồng, Hồng Đà...

Trên dòng Đà giang hùng vĩ, nghề săn cá còn được gọi là nghề đánh bắt cá hoa ngư (lấy lộc sông Đà). Anh Dũng nhớ lại, trong đời săn cá, con ngạnh to nhất anh bắt được nặng tới 2,3 kg, nhưng giờ cực hiếm, hầu như chỉ còn tầm 5-6 lạng.

Săn lùng loài cá nghe tên giật mình ở con sông Đà qua Phú Thọ, đem về nấu vờ thành đặc sản- Ảnh 8.

Món cá ngạnh nấu vờ- đặc sản đất Phú Thọ ai ăn một lần khó quên.

Cũng theo anh Dũng, hiện khu vực nào mà dùng kích điện, khai thác cát thì hầu như không có cá, chỉ khu vực nào có hang sâu và các bè nuôi trồng thuỷ sản thì còn gặp nhiều loại cá quý, nhưng lượng cá quý trên sông Đà bây giờ cũng đang cạn kiệt do khai thác bừa bãi cộng với môi trường nước bị tác động nhiều.

Trên chiếc thuyền lá lênh đênh trên mặt nước sông Đà, ông Khiêm, 64 tuổi - dân chuyên đánh cá ở Xuân Lộc kể hôm qua ông bắt được có 2 con ngạnh, đánh bằng lưới. 

Thở dài, ông cho biết thêm: “Những năm gần đây, cá sông Đà, nhất là ngạnh hiếm dần, người đánh bắt cá chủ yếu bắt được cá tạp như chầy, mương, rô phi...”. 

Nhớ về thời săn cá ngạnh, ông kể con to nhất từng bắt được nặng tới 2 kg, tuy nhiên loại to như vậy bây giờ gần như tuyệt chủng!

Dẫu sao, nghề săn cá ngạnh sông Đà cũng đã từng có thời phát triển mạnh, là một nét độc đáo riêng trên dòng Đà giang hùng vĩ. Những người còn giữ nghề hôm nay, là tiếp nối nét độc đáo này, minh chứng cho cuộc sống mưu sinh sôi động trên dòng sông huyền thoại.

Săn lùng loài cá nghe tên giật mình ở con sông Đà qua Phú Thọ, đem về nấu vờ thành đặc sản- Ảnh 10.

Quốc Hội (Báo Phú Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem