Dân Việt

Sau đợt rầm rộ trồng “cây tiền tỷ”, một huyện vùng Đồng Tháp Mười ở Long An nay xây nhà nuôi "chim tiền tỷ"

Trần Đáng 21/04/2024 13:51 GMT+7
Vài năm gần đây, sau những "cú hốt bạc" nhờ trồng sầu riêng ví như trồng "cây tiền tỷ", không ít nông dân vùng Đồng Tháp Mười ở huyện Tân Thạnh (tỉnh Long An) lại rần rần chuyển sang xây nhà nuôi yến ví như nuôi "chim tiền tỷ", có nhà giàu nhanh.

Khoảng 5 năm trước, ông Dương Quốc Trí từ tỉnh Tiền Giang chuyển đến xã Tân Hòa (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) xây nhà nuôi yến (nuôi chim yến hàng). 

Theo ông Trí, lý do ông chọn vùng đất này xây nhà nuôi yến vì nơi đây yến đang tìm đến sống ngày càng đông do có vùng nguyên liệu thức ăn cho yến dồi dào.

Sau đợt rầm rộ trồng “cây tiền tỷ”, một huyện vùng Đồng Tháp Mười ở Long An nay xây nhà nuôi "chim tiền tỷ"- Ảnh 1.

Ông Dương Quốc Trí (trái) trong cụm nhà nuôi yến của mình tại vùng Đồng Tháp Mười, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: T.Đ

Có vùng thức ăn cho chim yến, có người xây nhà nuôi "chim tiền tỷ"

Giờ, cặp theo tỉnh lộ 829 (xã Tân Hòa), giữa ruộng lúa mênh mông xuất hiện cụm nhà nuôi yến với 4 căn to đùng thuộc Công ty Yến sào Trí Sơn. 

Mỗi căn nhà nuôi yến ở xã Tân Hòa, huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) có diện tích sàn khoảng 1.000 m2 với kinh phí đầu tư 3,5 tỷ đồng.

Ông Trí, đồng sáng lập Công ty Yến sào Trí Sơn thổ lộ, một lần ông đi khảo sát vị trí xây nhà nuôi yến đúng mùa thu hoạch lúa ở xã Tân Hòa. Thấy từng đàn chim yến đông đúc bay lượn ăn thiên địch ông rất mừng.

"Con yến chủ yếu ăn côn trùng bay. Thực tế, không phải tôi đi xem vùng này có yến hay không mà là xem ở đây có vùng mồi phong phú cho yến hay không để tổ chức xây nhà nuôi yến", ông Trí chia sẻ.

Cũng theo ông Trí, thời gian qua chim yến đang di chuyển từ các vùng nuôi khác về sinh sống ở Đồng Tháp Mười. Dẫn đến, lượng chim yến ở Đồng Tháp Mười đang tăng lên rất nhiều.

Ông Trí đánh giá, điều kiện nuôi yến ở Đồng Tháp Mười rất khả quan do đây là vùng mới, đất rộng, mật độ nhà nuôi yến chưa nhiều, thiên nhiên trù phú với ruộng lúa, cây ăn trái, rừng tràm…

Với thiên nhiên như vậy sẽ tạo vùng mồi đa dạng cho chim yến kéo về sinh sống.

Ông Trí chia sẻ thêm, xây nhà nuôi yến chỉ cần vị trí hợp lý, có vùng yến, có điện, nước là được, sâu trong nội đồng cũng cũng chẳng sao, chứ không cần vị trí đất đẹp, mặt tiền, dân cư đông đúc.

Gần 10 năm theo nghề nuôi yến, ông Trí đúc kết, muốn thành công trong nghề nuôi yến nông dân phải chọn vùng yến, vùng mồi tốt, thiết bị phù hợp. Đặc biệt, xây dựng kết cấu nhà nuôi yến phải có nhiệt độ, ẩm độ thích hợp, thông thoáng.

Cũng theo ông Trí, yến đẻ theo mùa chứ không liên tục. Một năm yến đẻ 3 mùa. Bình quân, người nuôi thu 30kg tổ yến/1.000m2 sàn/năm. Giá tổ yến thô hiện nay 12 – 17 triệu đồng/kg, tùy theo tổ yến đẹp, xấu.

"Tôi xây nhà nuôi yến ở vùng này gần 50 tháng. Tôi nhận thấy, sản lượng tổ yến (yến sào) đang tăng dần từng năm", ông Trí bộc bạch.

Sau đợt rầm rộ trồng “cây tiền tỷ”, một huyện vùng Đồng Tháp Mười ở Long An nay xây nhà nuôi "chim tiền tỷ"- Ảnh 3.

Chị Lê Thị Minh Thi, một nông dân đầu tư xây nhà nuôi chim yến ở xã Tân Bình thuộc vùng Đồng Tháp Mười ở (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) và sản phẩm yến sào sơ chế từ tổ yến. Ảnh: T.Đ.

Hiện, tại các địa phương vùng Đồng Tháp Mười (Long An), như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Công ty Yến sào Trí Sơn có 17 nhà yến với diện tích sàn hơn 10.000m2.

Thấy dân nuôi yến ngoài tỉnh tới xây nhà nuôi yến thu lợi tốt, nông dân trên địa bàn cũng dốc vốn đầu tư nuôi yến.

Chị Lê Thị Minh Thi (xã Tân Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An) bỏ ra 2,5 triệu đồng để xây nhà nuôi yến với diện tích sàn 340m2. Hiện, khoảng 1 năm nay chị đang thu hoạch tổ yến.

"Tôi nuôi yến đã được 19 tháng nay. Hiện, tôi đang thu hoạch tổ yến bình quân 300g – 500g/tháng", chị Thi cho biết.

Theo chị Minh Thi, nuôi yến không khó. Mỗi tháng chị đi kiểm tra nhà yến/lần để thông ống (lỗ thông gió) cho nhà nuôi yếu. 

Nếu mùa nắng, chị thông ống dài thêm, còn mùa lạnh thì bít bớt các lỗ thông ống. Bên cạnh đó, chị Thi còn giữ rắn, chuột, kiến không vào nhà nuôi yến để tránh làm yến sợ bỏ đi.

"Quản lý được vậy thì nuôi yến thành công", chị Thi chia sẻ.

Sau đợt rầm rộ trồng “cây tiền tỷ”, một huyện vùng Đồng Tháp Mười ở Long An nay xây nhà nuôi "chim tiền tỷ"- Ảnh 5.

Nhà nuôi yến của chị Thi. Ảnh: T.Đ

Cũng như ông Trí, chị Thi cho rằng, vùng này nuôi yến khá tốt bởi thời tiết thích hợp, vùng thức ăn cho yến phong phú, dồi dào.

"Từ khi nuôi yến, ruộng đồng ở đây hết rầy, nông dân trồng lúa không tốn tiền mua thuốc diệt rầy nữa", chị Thi cho biết.

Xây nhà yên có điều kiện

Theo UBND huyện Tân Thạnh, hiện tổng số nhà nuôi chim yến trên địa bàn huyện (tính đến 10/2023) là 149 nhà. Trong đó, nhà yến là 118 nhà và nhà ở chuyển công năng vừa ở vừa nuôi yến là 31 nhà.

Bên cạnh đó, tổng số chủ cơ sở, hộ dân có nhà nuôi chim yến hoặc nhà ở chuyển công năng sang nuôi yến là 110 hộ dân, cơ sở. Trong đó, có 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh yến sào là Yến sào Trí Sơn và Yến sào Minh Triết.

Sau đợt rầm rộ trồng “cây tiền tỷ”, một huyện vùng Đồng Tháp Mười ở Long An nay xây nhà nuôi "chim tiền tỷ"- Ảnh 7.

Huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đang phát triển nhà nuôi yến khá nhanh trong vài năm gần đây. Tổ yến đang được nông dân hy vọng giúp nâng cao thu nhập, mở ra hướng sản xuất phát triển mới. Ảnh: T.Đ.

Cũng theo UBND huyện Tân Thạnh, (tỉnh Long An) về vùng nuôi chim yến trên địa bàn, chỉ khu vực thị trấn Tân Thạnh và khu vực cụm tuyến dân cư không được phép nuôi yến, còn các khu vực khác đều được phép chăn nuôi xây dựng nhà nuôi chim yến.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh Lê Thanh Đông, về chủ trương, huyện hoàn toàn ủng hộ phát triển nghề nuôi yến trên địa bàn để tạo sinh kế mới cho người dân, nhưng phải có sự quản lý của nhà nước để tránh tình trạng phát triển ồ ạt, vỡ quy hoạch, dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Đinh Thị Phương Khanh cũng cho rằng, Long An đang phát triển nhà nuôi yến khá nhanh, Sở đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành vùng được nuôi chim yến.

Theo quy định này, trong khu dân cư, người dân không được xây dựng nhà yến. Đối với nhà yến đã xây dựng trong vùng chưa quy hoạch không được phát các loa dẫn dụ yến nhằm tránh ảnh hưởng đến bà con xung quanh.

Bà Khanh cho biết thêm, yến là một trong những mặt hàng Việt Nam đã ký Nghị định thư, nên tỉnh Long An đang hỗ trợ cho bà con nuôi yến trong vùng quy hoạch được làm mã số định danh, cũng như liên kết doanh nghiệp xuất khẩu.

Cũng theo bà Khanh, dự báo tới năm 2025, Long An là một trong những tỉnh có sản lượng yến sào lớn nhất nước.