Một xã ven biển của Khánh Hòa xưa chỉ có 6 nóc nhà im lìm, tối om, nay trù phú, giàu có thế này đây
Một xã ven biển của Khánh Hòa xưa chỉ có 6 nóc nhà ở triền núi im lìm, nay trù phú như thế này đây
Thứ hai, ngày 22/04/2024 14:41 PM (GMT+7)
Xã Ninh Vân là vùng đất nằm biệt lập phía Đông của thị xã Ninh Hòa, (tỉnh Khánh Hòa) ngăn cách bởi dãy Hòn Hèo (xưa hay gọi là Phước Hà Sơn). Điều kiện khắc nghiệt nên rất ít người sinh sống, thậm chí trong những năm tháng chiến tranh, nơi đây chỉ còn vỏn vẹn có 6 hộ dân sống ven triền núi, không điện, không đường vào.
Được sự quan tâm của tỉnh Khánh Hòa, Ninh Vân đã được đầu tư điện lưới, làm đường băng qua núi để phá thế cô lập giúp xã không ngừng phát triển…
Chuyện kéo điện, làm đường vào xã Ninh Vân
Đưa chúng tôi đi qua những dãy nhà cao tầng, homestay thiết kế bài bản ở xã, ông Nguyễn Đình Diễn - nguyên Chủ tịch UBND xã Ninh Vân chia sẻ niềm vui về sự đổi thay của địa phương.
Ông kể, trước năm 1981, xã Ninh Vân nguyên là thôn Đầm Vân (thuộc xã Ninh Phước). Với địa thế đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đầm Vân là một căn cứ quan trọng của tỉnh, từng có thời kỳ là nơi đóng chân của Tỉnh ủy và Huyện ủy Ninh Hòa.
Năm 1962, địch giải tỏa trắng Đầm Vân, đưa hết người dân vào các khu tập trung để dễ bề kiểm soát, Ninh Vân chỉ còn 6 hộ với 32 người dân trốn lên núi bám trụ.
“Sau ngày hòa bình lập lại, gia đình tôi cùng nhiều hộ dân từ các khu tập trung trở về Ninh Vân. Tuy nhiên, lúc trở về, cơ sở vật chất ở Ninh Vân còn rất nghèo nàn, phương tiện chủ yếu bằng ghe đò, không có đường bộ đi vào. Ước mơ lớn nhất của người dân lúc đó là ánh điện để Ninh Vân thoát cảnh tối tăm khi màn đêm buông xuống”, ông Diễn kể.
Con đường dài 11km nối xã Ninh Phước với xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa.
Năm 1997, Nhà nước có chủ trương phủ sóng điện lưới quốc gia vùng nông thôn. Do núi non hiểm trở, việc khảo sát dự án kéo điện lưới từ Ninh Phước đến Ninh Vân mất gần 2 năm, với kinh phí dự kiến 5,8 tỷ đồng.
Sau khảo sát, năm 1998, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc họp với các sở, ban, ngành để thông qua dự án này.
Tuy nhiên, ngân sách tỉnh lúc đó có hạn, trong khi phải đầu tư phủ điện cho toàn tỉnh. Vì thế, dự án cho riêng Ninh Vân tốn 5,8 tỷ đồng là quá lớn nên phải dừng lại để cân nhắc thêm.
Do đó, phương án thứ 2 được đưa ra đó là lắp đặt điện cơ, lấy máy nổ ở Khánh Vĩnh về lắp cho Ninh Vân (trị giá 1,6 tỷ đồng) nhưng chỉ vận hành được từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.
Người dân đến thắp hương tại Khu lưu niệm di tích Tàu C235 (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).
Trở về sau cuộc họp, sau nhiều ngày suy nghĩ, ông Diễn quyết định bắt ghe đò vào Nha Trang để tìm gặp ông Cao Thụy - thời điểm đó là Giám đốc Điện lực Khánh Hòa, để bày tỏ nguyện vọng của người dân Ninh Vân là có điện lưới quốc gia.
Biết người dân Ninh Vân còn nhiều thiệt thòi, vất vả, ông Thụy đồng ý sẽ nghĩ cách. “Sau này, tôi nghe kể lại, tại cuộc họp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, khi bàn đến dự án điện lưới ở Ninh Vân, ông Thụy đã mạnh dạn đề xuất, Điện lực Khánh Hòa xin thực hiện dự án kéo điện lưới về Ninh Vân với kinh phí giảm từ 5,8 tỷ đồng xuống 3 tỷ đồng.
Sau đó, dự án được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh thống nhất thực hiện. Điện lực Khánh Hòa đã áp dụng mô hình làm điện lưới ở các tỉnh miền Nam khi ấy, dùng trụ bằng kẽm có thể lắp ghép được để thay cho các trụ bằng bê tông.
Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí vừa dễ vận chuyển, lắp đặt tại địa hình hiểm trở như Ninh Vân. Dự án sau đó đã hoàn thành chỉ với kinh phí 2,9 tỷ đồng”, ông Diễn kể lại.
Ngày dự án kéo điện lưới về Ninh Vân được triển khai, người dân Ninh Vân vui mừng náo nức, tự nguyện lấy cát, xi măng của gia đình mang vác lên núi để trợ giúp thêm cho công nhân dựng trụ điện.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ thiết bị, nhân lực của cán bộ, chiến sĩ hải quân, những trụ điện được chuyên chở bằng đường biển ra Ninh Vân.
Cuối năm 1999, ánh điện đã thắp sáng ở Ninh Vân trong tiếng hò reo, vui mừng khôn xiết của người dân. Tiếp đó, đến năm 2011, con đường nối xã Ninh Phước với xã Ninh Vân dài 11km, rộng 3,5m được Nhà nước đầu tư với kinh phí 70 tỷ đồng băng qua núi rừng đã phá thế cô lập cho xã đảo Ninh Vân, tạo điều kiện cho vùng đất này phát triển từng ngày.
Vững bước cho tương lai
Về Ninh Vân, chúng tôi có dịp trò chuyện cùng bà Trà Thị Bông Sen (sinh năm 1970) - Bí thư Đảng ủy xã Ninh Vân. Bà là con của 1 trong 6 hộ dân bám trụ ở Ninh Vân trước năm 1962.
Bà Sen tự hào chia sẻ, từ những ngày Ninh Vân còn biệt lập, vỏn vẹn có 6 hộ dân đến sự “thay da, đổi thịt” như ngày hôm nay cứ ngỡ như trong mơ.
Đặc biệt là thời điểm sau khi tách từ thôn Đầm Vân để thành lập xã Ninh Vân năm 1981, xã đã được tỉnh đầu tư, quan tâm về mọi mặt; đời sống nhân dân được nâng cao, nhiều hộ dân đã xây được nhà cao tầng, mua được ô tô.
Hiện nay, toàn xã Ninh Vân có 568 hộ với 2.106 nhân khẩu ở 2 thôn Tây và Đông. Ngày 19-12-2018, xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Qua 2 năm rưỡi tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đến nay, xã Ninh Vân đã đạt 5/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; phấn đấu năm 2024 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Tổng sản lượng thủy sản khai thác bình quân của xã đạt 1.668 tấn/năm. Xã cũng đã xây dựng thương hiệu tỏi Ninh Vân đạt chuẩn VietGAP. Trong công tác giáo dục, 100% giáo viên ở Ninh Vân đạt chuẩn, tỷ lệ học sinh ra lớp ở các cấp học đều đạt 100%.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hải - Quyền Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ, với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, xã Ninh Vân đã có Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay, An Lam Retreats Ninh Van Bay và các khu du lịch đang được đầu tư khai thác, như: Đảo San Hô, Biển Xanh...
Trong giai đoạn mới, với định hướng của Trung ương và tỉnh là phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến năm 2030, trong đó thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp.
Ban Thường vụ Thị ủy Ninh Hòa đã ban hành kế hoạch sáp nhập 2 xã Ninh Phước và Ninh Vân để thực hiện theo quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong.
Cùng với đó, Ninh Vân sẽ tiếp tục được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất, thu hút nhiều nhà đầu tư phát triển du lịch để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Rời Ninh Vân trong buổi chiều rì rào sóng vỗ, nhìn những đứa trẻ làng biển xúng xính quần áo mới, tíu tít vui cười đi học về, cảm giác thật bình yên, thắp lên trong chúng tôi niềm tin về thế hệ trẻ ở Ninh Vân lớn lên trong thời kỳ mới, được chăm lo học hành để mai này góp sức xây dựng quê hương…
Năm 2018, Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Ninh Vân đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.