Nhơn Trạch là vùng nuôi tôm lớn nhất Đồng Nai với hơn gần 1.700ha ao nuôi. Riêng xã Phước An đã hình thành được những vùng nuôi tôm rộng bạt ngàn.
Thời gian qua, các hộ dân ở xã Phước An ứng dụng thêm nhiều kỹ thuật mới vào nuôi tôm công nghệ cao. Đơn cử như việc thổi khí clo để xử lý vi khuẩn trong nguồn nước nuôi tôm.
Ông Lương Văn Linh ở xã Phước An đang đầu tư 3 ao nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích hơn 2,7ha.
Ông Linh cho biết việc xử lý nước là một bước vô cùng quan trọng. Hiện tại mô hình clo khí ông đang áp dụng mang lại hiệu quả cao hơn so với clo bột truyền thống.
Khí clo nằm trong đường ống sẽ giúp diệt khuẩn được nhiều hơn. Khi ra môi trường, khí clo bay hơi nhanh hơn so với clo bột.
Ngoài ra, giá thành clo khí cũng thấp hơn 1/3 so với clo bột, nên chi phí ban đầu cũng không quá cao. Ông Linh đã chi khoảng 80 triệu đồng để mua 5 vỏ bình chứa khí clo và lắp đặt 200m ống dẫn nước.
Mỗi bình khí clo có thể sử dụng hơn 10 ngày, trung bình mỗi tháng chi phí bơm khí clo dao động khoảng 5 triệu đồng.
Mỗi năm, ông Linh làm 4 vụ tôm. Nhờ áp dụng kỹ thuật mới này, gia đình ông thu về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng trong năm 2023.
Ông Phạm Thanh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước An cho biết, trên địa bàn xã có khoảng 250 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng, với diện tích gần 300ha.
Ngoài ông Linh, hộ ông Nguyễn Huy Bình cũng đang ứng dụng mô hình clo khí trong xử lý nước nuôi tôm, mang lại hiệu quả cao. Hội Nông dân sẽ nhân rộng mô hình này vì việc lấy nước từ các sông, rạch hiện hữu rất dễ khiến tôm nuôi bị bệnh.
Ông Nguyễn Huy Bình kể, ở nhiều vùng nước lợ của huyện Nhơn Trạch, nông dân bỏ trống hoặc nuôi tôm theo hướng quảng canh, hiệu quả kém.
Năm 2022, ông thuê lại đất của người dân và đầu tư nuôi tôm công nghệ cao trên diện tích 13ha ở xã Phước An. Trước đó, ông Bình đã phát triển vùng nuôi tôm gần 20ha ở xã Vĩnh Thanh.
Ở vùng nuôi mới, ông Bình đầu tư bài bản hơn, quy trình sản xuất và các công nghệ được tính toán hợp lý nên tôm đạt chất lượng tốt.
Mặc dù mức đầu tư ban đầu với số vốn rất lớn, trên 10 tỷ đồng nhưng chỉ sau 1 năm rưỡi, ông Bình đã thu hồi vốn.
Ngày trước, nuôi ao đất, trên mỗi ao rộng 2ha, ông Bình chỉ thu hoạch khoảng 4 tấn tôm.
Hiện tại, việc nuôi tôm công nghệ cao trên 1ha cũng có thể thu 4 tấn, thậm chí năng suất có thể cao gấp đôi, đạt hơn 8 tấn. Mỗi năm, ông Bình làm từ 4-6 vụ tôm, lợi nhuận thu về từ 5-8 tỷ đồng.
Ông Bình mong muốn sẽ có thêm quỹ đất để mở rộng diện tích nuôi. "Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là vùng nuôi chưa được quy hoạch nên chưa có hệ thống điện, giao thông nội đồng, thủy lợi", ông Bình nói.
Ông Bùi Phước Đức – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch cho biết, trên địa bàn xã Phước An có khoảng 40 hộ nuôi nuôi tôm thẻ chân trắng tập trung theo công nghệ cao với diện tích trên 80ha.
Thời gian qua, chính quyền địa phương đã đầu tư đường điện 3 pha và đường giao thông, tạo thuận lợi cho việc sản xuất và đi lại. Tuy nhiên, việc đầu tư này chưa mang tính lâu dài khi chưa có quy hoạch khu vực nuôi trồng thủy sản.
Khi có quy hoạch và đầu tư hạ tầng đồng bộ, nông dân sẽ mạnh dạn đầu tư hơn nữa, vừa nâng cao giá trị kinh tế cho địa phương, vừa bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất.
Vì vậy, Hội Nông dân huyện Nhơn Trạch kiến nghị UBND tỉnh sớm chấp thuận bổ sung vùng Quy hoạch nuôi tôm tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, trước đây, nhiều vùng nuôi tôm ở địa phương hình thành tự phát.
UBND huyện đã chỉ đạo Phòng kinh tế lập quy hoạch chung cho toàn khu vực, trong đó có những xã nuôi tôm tập trung như xã Phước An, Long Thọ và Vĩnh Thanh.
"Sau khi có quy hoạch, huyện sẽ có hướng đề xuất đầu tư hạ tầng, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển trong thời gian tới", ông Thành nói.