Ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco Việt Nam vừa họp giao ban với từng khối sản xuất kinh doanh (SXKD) của tất các đơn vị thành viên, đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh 2 tháng quý III; triển khai phương hướng, nhiệm vụ tháng 9 và quý IV/2024, nhằm đưa ra các giải pháp quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kế hoạch SXKD năm 2024.
Đến thời điểm này, Ban lãnh đạo Tập đoàn và Ban Giám đốc các đơn vị thành viên nhận định, những tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội vẫn gặp rất nhiều khó khăn, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn leo thang, kinh tế toàn cầu có tín hiệu phục hồi nhưng thiếu bền vững.
Dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước, nguồn cung nguyên liệu không ổn định, đứt gãy chuỗi cung ứng… cũng tác động không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế, của ngành nông nghiệp nói chung, trong đó có công ty.
Tuy nhiên, nhờ sự thực hiện đồng bộ các giải pháp sản xuất, thị trường, phát triển sản phẩm, doanh thu tháng 8/2024 của Dabaco đã vượt mốc 2.024 tỷ đồng, tăng 11% so với tháng 7; doanh thu 2 tháng quý III/2024 tăng 12% với 2 tháng liền kề trước đó và tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi lợn tiếp tục là nhân tố chính đóng góp vào sự tăng trưởng này.
Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco cho biết, Dabaco đã rà soát, cải tiến các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tiết kiệm chi phí; tích cực đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư xây dựng dở dang như Nhà máy ép dầu giai đoạn II.
Đặc biệt Dabaco hoàn thành việc cấp chứng nhận GMP-WHO cho Nhà máy sản xuất vaccine với trang thiết bị, công nghệ hiện đại bậc nhất hiện nay; thực hiện hiệu quả qui trình chăn nuôi an toàn sinh học, thành công thử nghiệm vaccine ASF tại các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn và hoàn thiện các bước cuối cùng để thương mại hóa vaccine ASF...
Nhờ vậy, dịch bệnh ASF cơ bản được kiểm soát; năng suất sinh sản đàn lợn nái được nâng cao, cá biệt có đơn vị đạt 33-35 con/nái/năm; lai tạo, phát triển thành công giống gà Mía nổi tiếng trên thị trường; sản lượng tiêu thụ TACN và thức ăn thủy sản cũng đạt mức cao nhất kể từ đầu năm; Nhà máy dầu thực vật hoạt động hết công suất cung cấp đa dạng các sản phẩm ra thị trường và nguồn nguyên liệu đầu vào cho các Nhà máy TACN của Tập đoàn…
Nhằm tăng tốc, bứt phá trong các tháng còn lại, quyết tâm hoàn thành mục tiêu kế hoạch doanh thu đạt 25.380 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 729,8 tỷ đồng của năm 2024, tạo tiền đề cho năm tiếp theo, Ban lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai một số nhóm giải pháp trọng tâm.
Một là tích cực nghiên cứu, ứng dụng đồng bộ các giải pháp chuyên sâu về kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với lĩnh vực TACN và sản xuất con giống, chăn nuôi tập trung; song song với việc tiết kiệm triệt để chi phí, hạ giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường;
Hai là kiểm soát nghiêm ngặt qui trình sản xuất, chăn nuôi an toàn sinh học từ khâu sản xuất thức ăn, công tác vận chuyển đến trang trại chăn nuôi, xuất bán; bằng mọi cách đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đàn vật nuôi;
Ba là áp dụng đồng bộ các giải pháp phát triển, mở rộng thị trường cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo độ bao phủ rộng khắp các vùng miền trên cả nước, tăng cường xuất khẩu sản phẩm sang các nước trong khu vực và trên thế giới; khai thác hiệu quả bộ sản phẩm trong chuỗi giá trị 3F (Feed – Farm – Food) củng cố uy tín, vị trí của Tập đoàn…
Bốn là tích cực đẩy nhanh đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây dựng, sớm đưa vào khai thác, đóng góp vào doanh thu và hiệu quả SXKD của Tập đoàn…
Năm là khẩn trương hoàn tất các bước cuối cùng để đồng bộ hóa Nhà máy sản xuất và phấn đấu thương mại hóa vaccine ASF trong quý IV/2024…
Dabaco kỳ vọng tình hình lợi nhuận của Tập đoàn sẽ được cải thiện hơn trong quý III.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi dự kiến trong năm 2024 đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, sản lượng gà giống cung cấp ra thị trường dao động 60 - 70 triệu con, đàn lợn nái hiện duy trì trên 50.000, năng suất đạt trung bình 32-34 con/nái/năm.
Năm 2024, Dabaco lên mục tiêu đầy tham vọng với tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng, tăng 14% so với năm ngoái và lãi sau thuế gần 730 tỷ đồng, gấp 29 lần thực hiện năm 2023.
Riêng về mảng vaccine, với công suất thiết kế 200 triệu liều vaccine mỗi năm, việc Nhà máy Dacovet đạt chuẩn GMP đi vào hoạt động sẽ giúp việc sản xuất thương mại vaccine Dacovac-ASF2 đạt hiệu quả và chất lượng tốt nhất, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu vaccine sang các quốc gia có nhu cầu lớn về chăn nuôi lợn.
Mới đây, Dabaco đã công bố kết quả đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Cụ thể, các cổ đông Dabaco chỉ mua hơn 77,8 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán. Do đó, Tập đoàn phải chào bán tiếp gần 2,8 triệu cổ phiếu "ế" cho 15 nhà đầu tư khác với giá không thấp hơn 15.000 đồng/cp.
Còn về ESOP, Dabaco đã phân phối hơn 11,73 triệu cổ phiếu, số còn lại chưa phân phối là 270.000 cổ phiếu. Tập đoàn dự kiến phân phối tiếp cho cán bộ nhân viên theo thứ tự ưu tiên với giá chào bán là 10.000 đồng/cp.
Thông tin từ Dabaco, toàn bộ số cổ phiếu "ế" từ đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu và ESOP đã có người đặt mua hết.
Sau hai đợt phát hành cổ phiếu, Dabaco thu về hơn 1.284 tỷ đồng. Nếu phân phối được hết số cổ phiếu còn lại, số tiền Dabaco sẽ thu gần 1.330 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, số tiền trên được dùng để đầu tư vào Công ty TNHH Dầu thực vật Dabaco để xây dựng dự án nhà máy ép và tinh luyện dầu đậu nành.