Chủ tịch Dabaco: Sản xuất thương mại vaccine thú y, biên lợi nhuận sẽ cải thiện mạnh
Chủ tịch Dabaco: Sản xuất thương mại vaccine thú y, biên lợi nhuận sẽ cải thiện mạnh
Nguyễn Phương
Thứ tư, ngày 07/08/2024 09:04 AM (GMT+7)
Nhà máy vaccine Dacovet với công suất 200 triệu liều/năm do Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã cổ phiếu DBC) làm chủ đầu tư vừa được Cục Thú y trao giấy chứng nhận GMP.
Sản xuất vaccine: Mảnh ghép hoàn hảo cho hệ sinh thái khép kín của Dabaco
Công ty TNHH Dược và Thú ý Dacovet - công ty con của Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã cổ phiếu DBC - sàn HoSE) vừa chính thức được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) trao Giấy chứng nhận Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP-WHO) đối với Nhà máy vaccine Dacovet - nhà máy vaccine thứ 12 trên cả nước.
Đây được xem là thủ tục pháp lý cuối cùng, công nhận nhà máy đủ điều kiện sản xuất thương mại. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng đối với Dabaco. Việc tham gia lĩnh vực sản xuất vaccine là mảnh ghép hoàn hảo cho mô hình sản xuất khép kín – tuần hoàn của Dabaco.
Nhà máy vaccine Dacovet được triển khai xây dựng từ tháng 8/2022, với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, công suất 200 triệu liều/năm.
Tập đoàn đã tập trung toàn bộ nguồn lực đầu tư xây dựng nhà máy với hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ, hiện đại, công nghệ mới; các phòng thí nghiệm - kiểm tra chất lượng bao gồm toàn bộ trang thiết bị nhập khẩu từ các nước công nghiệp phát triển như: Đức, Ý…. đáp ứng được các yêu cầu chuyên môn kỹ thuật, bảo đảm vô trùng, an toàn và hiệu lực.
Tập đoàn cũng hợp tác với các giáo sư, nhà khoa học đầu ngành trong và ngoài nước, các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực vaccine, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực chất lượng cao để cùng tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin dịch tả lợn DACOVAC ASF2.
Với sự đầu tư nghiêm túc và bài bản, cùng với việc hợp tác quốc tế có chiều sâu và thực tế, Dabaco tự tin sản xuất vaccine dịch tả lợn châu Phi đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm vaccine.
Thành công của Dabaco sẽ không chỉ mang lại ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ đàn lợn của Dabaco, của ngành chăn nuôi lợn trong nước mà còn kỳ vọng dư địa xuất khẩu vaccine ASF được sản xuất tại Việt Nam ra thế giới.
Hiện tại, Dabaco đang khẩn trương các công đoạn cuối cùng để hoàn tất thủ tục đồng bộ hóa nhà máy sản xuất và công tác thử nghiệm trước khi thương mại hóa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam Nguyễn Như So chia sẻ, đến nay doanh nghiệp đã triển khai tiêm khoảng 300.000 liều vaccine Dacovac-ASF2 cho các trang trại lợn nội bộ của Tập đoàn.
Qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt, kiểm tra kháng thể sau tiêm vaccine đạt kết quả tốt, an toàn và hiệu lực bảo hộ 80 - 100% trên đàn lợn được tiêm.
Bên cạnh tiêm đầy đủ vaccine cho đàn lợn, ông So lưu ý, phải đặc biệt sát sao trong việc lựa chọn độ tuổi vàng để tiêm cho đàn lợn. Hoạt động tiêm vaccine phải được tiến hành trước thời điểm virus xâm nhập trang trại, khi đó hiệu quả bảo hộ của vaccine mới đạt mức cao nhất.
Cũng theo ông Nguyễn Như So, việc Dabaco tham gia lĩnh vực sản xuất vaccine là khép kín mô hình kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là mô hình 3F (Feed - Farm - Food) đơn vị đang theo đuổi xuyên suốt, nay cộng thêm việc nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine phục vụ chính mình và người chăn nuôi đã giúp Dabaco hoàn thiện hệ sinh thái từ con giống, thức ăn, trang trại, vaccine và chế biến.
Mảng vaccine thú y có biên lợi nhuận lên tới 47%
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2024 của Dabaco ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.184 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 145 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 56% so với cùng kỳ năm trước.
Ban lãnh đạo Tập đoàn Dabaco cho biết, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sau thuế trong kỳ giảm mạnh là do ảnh hưởng từ dịch tả lợn châu Phi khi có diễn biến phức tạp trên diện rộng.
Ngoài ra, mặc dù giá lợn hơi trong nước tăng nhưng do tình hình giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu biến động liên tục nên kết quả kinh doanh của các đơn vị chăn nuôi trong tập đoàn chưa được cải thiện.
Dabaco kỳ vọng tình hình lợi nhuận của Tập đoàn sẽ được cải thiện hơn trong quý III.
Trong đó, lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi dự kiến trong năm 2024 đạt xấp xỉ 1 triệu tấn, sản lượng gà giống cung cấp ra thị trường dao động 60 - 70 triệu con, đàn lợn nái hiện duy trì trên 50.000, năng suất đạt trung bình 32-34 con/nái/năm.
Hiện, Tập đoàn Dabaco đang tập trung hoàn thiện thủ tục đầu tư trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn tại các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn và Quảng Ninh để nâng tổng đàn lợn nái lên khoảng 60.000 con và gấp rút hoàn thiện dự án nâng cấp mở rộng nhà máy ép dầu thực vật khoảng giữa năm 2025.
Năm 2024, Dabaco lên mục tiêu đầy tham vọng với tổng doanh thu 25.380 tỷ đồng, tăng 14% so với năm ngoái và lãi sau thuế gần 730 tỷ đồng, gấp 29 lần thực hiện năm 2023.
Riêng về mảng vaccine, với công suất thiết kế 200 triệu liều vaccine mỗi năm, việc Nhà máy Dacovet đạt chuẩn GMP đi vào hoạt động sẽ giúp việc sản xuất thương mại vaccine Dacovac-ASF2 đạt hiệu quả và chất lượng tốt nhất, đồng thời mở ra cơ hội xuất khẩu vaccine sang các quốc gia có nhu cầu lớn về chăn nuôi lợn.
Dự kiến kết quả khảo nghiệm vaccine dịch tả lợn DACOVAC ASF2 của Tập đoàn Dabaco sẽ có trong quý III/2024. Kết quả khảo nghiệm sẽ được công nhận thành công sau khi tiến hành thử nghiệm đủ 600.000 liều tại nhiều trang trại chăn nuôi lợn khác nhau.
Dựa trên tiến độ hiện tại, hãng Chứng khoán MB đánh giá, sớm nhất đến đầu năm 2025, Tập đoàn Dabaco sẽ có khả năng sẽ thương mại hóa được vaccine DACOVAC-ASF2. Đây được xem là động lực tăng trưởng mới cho Tập đoàn Dabaco trong trung và dài hạn.
Tuy không mang lại doanh thu cao so với quy mô kinh doanh của Tập đoàn Dabaco nhưng biên lợi nhuận mảng vaccine lên đến khoảng 47%, sẽ tạo ra nguồn lợi nhuận ổn định cho tập đoàn, theo hãng Chứng khoán MB.
Dự kiến nhà máy sản xuất vaccine thú y của Tập đoàn Dabaco khi đi vào hoạt động sẽ sản xuất đồng thời 03 loại vaccine, gồm: dịch tả lợn châu Phi, tai xanh, và lở mồm long móng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.