Dân Việt

Đứng trên đỉnh núi tuyết 8.000m, bạn sẽ thấy được gì?

Nguyễn Mạnh Duy 30/09/2024 07:05 GMT+7
Ngày 22/9/2024 tôi đã hoàn thành bước chuẩn bị cuối cùng cho chuyến thám hiểm Everest (Everest Expedition) vào mùa xuân 2025. Đó là chinh phục đỉnh núi cao thứ 8 thế giới- đỉnh Manaslu cao 8.163m.

Tôi ngồi viết những dòng này đúng một tuần sau khi tôi đi lên ngọn núi Manaslu và đã chạm được vào đỉnh núi cao thứ 8 thế giới - điểm cao 8163m.

Đó là những giây phút kì lạ và kì vĩ với cá nhân tôi. Tôi leo núi vì niềm đam mê dành cho các đỉnh núi, vì sự kết nối sâu sắc với những ngọn núi, nhất là ở vùng Himalaya.

Sau khi summit (leo lên đỉnh) Manaslu, tôi mới tình cờ biết rằng mình là người Việt Nam đầu tiên chinh phục được đỉnh núi khó và đầy hiểm trở này. Trước tôi có một số người Việt Nam đã leo Manaslu và trong năm nay cũng có những người Việt khác thử sức với đỉnh núi này. Tôi đều mong họ thành công với trải nghiệm của mình.

Giống như tôi đến với mỗi ngọn núi là một trải nghiệm, dù có leo được lên đỉnh hay không tôi luôn tin rằng đó là những trải nghiệm vô giá. Tôi không muốn dùng chữ chinh phục với một đỉnh núi vì thực ra đi lên một nhọn núi chúng ta chỉ có thể chinh phục chính mình, chinh phục ý chí, tinh thần, sự tự do và trung thực của bản thân.

Những năm gần đây một số người Việt Nam bắt đầu tham gia những hành trình chinh phục các đỉnh núi cao nhất thế giới ở vùng đất Himalaya. Chúng ta đã có những thành tựu nhất định, đã có người phụ nữ Việt Nam đầu tiên thành công với Everest, đã có những bác sĩ leo thành công đỉnh K2 cao thứ hai thế giới, một đỉnh núi rất khó, và còn rất nhiều đỉnh núi trên 6000-7000m khác in dấu chân người Việt.

Đứng trên đỉnh núi tuyết Manaslu cao 8.000m, bạn sẽ thấy được gì?- Ảnh 1.

Giây phút anh Mạnh Duy chinh phục đỉnh Manaslu có độ cao 8.163m, được mệnh danh là Killer (sát thủ). Ảnh: NVCC

Hành trình của tôi đến với vùng Hy Mã Lạp Sơn thật ra đã bắt đầu từ 10 năm trước khi năm 2014 tôi đến với Nepal - Tây Tạng trong chuyến đi dài một tháng để mở ra những góc nhìn mới về văn hoá - con người - lối sống từ vùng đất có đời sống tâm linh riêng biệt này.

Tôi cũng đã bắt đầu chuyến trekking đầu tiên tới Trại chính của Everest (Everest Base Camp- EBC) vào năm 2015. Mùa xuân năm 2023 tôi mới quyết định thử sức với một đỉnh núi cao gần 6500m mang tên Merapeak. Chuyến đó tôi đi cùng một nhóm bạn và tất cả chúng tôi đã thành công mang lá cờ Việt Nam lên đỉnh núi đó. 

Nhưng không phải chuyến leo núi nào cũng chỉ toàn có thành công. Đến mùa thu năm 2023, tôi cũng có nhóm leo núi đỉnh Mardi Himal 5700m nhưng tất cả chúng tôi đã phải quay trở về do thời tiết xấu khi đến độ cao gần 5200m.

Những chuyến đi leo núi có thể lên đỉnh hay không lên được đỉnh là điều hết sức bình thường. Leo núi tuyết không phải là một môn thể thao của cơ bắp, sức mạnh. Quá trình tự rèn luyện mình với các đỉnh núi tôi nhận ra đây là môn thể thao của ý chí, của tinh thần và cả tâm lý nữa.

Điều thử thách nhất của môn leo núi (mountainering) là độ cao. Các đỉnh càng cao đòi hỏi một ý chí và khả năng làm chủ tinh thần càng lớn. Việc rèn luyện bản thân để có thể quen được với hội chứng sốc độ cao (AMS) không dễ dàng. Quá trình đó đòi hỏi sự tập luyện không ngừng nghỉ trong một thời gian dài. Kể từ khi đặt mục tiêu sẽ lên đỉnh Everest vào mùa xuân năm 2025 tôi phải vạch ra cho mình lộ trình leo núi cụ thể với các mức độ cao tăng dần.

Khi tôi đặt mục tiêu leo đỉnh núi Manaslu 8163m tôi coi đây là một bài kiểm tra quan trọng trước chuyến Everest sang năm vì Manaslu là một đỉnh núi khó chưa từng có người Việt Nam chinh phục. Nhưng khi leo đỉnh núi này tôi mới nhận ra mỗi đỉnh núi cho tôi một bài học thật đặc biệt, cho tôi những kết nối và cả những chỉ dẫn kì lạ.

Mt Manaslu là một đỉnh núi linh thiêng với văn hoá người dân bản địa vùng đất này. Trước khi chúng tôi lên núi chúng tôi đã có một buổi lễ để cầu an cho cả đoàn. Đó là truyền thống của những người Sherpa trước mỗi chuyến leo núi dài ngày.

Mỗi buổi sáng tôi dậy sớm từ khoảng 5g30 và trong 3 ngày ở Base Camp sáng nào tôi cũng được đón những bình minh tuyệt đẹp từ ngọn núi có chóp núi nhọn hoắt này. Tôi đã thầm xin ngọn núi cho tôi được phép đi lên đỉnh. Tôi đã xin ngọn núi cho tôi hơi ấm và sự chở che để tôi có thể thực hiện hành trình vượt qua ngưỡng chịu đựng, vượt qua giới hạn của chính tôi. Đó cũng là một nhiệm vụ, một thử thách không dễ dàng cho tôi. 

Trước khi leo ngọn Manaslu tôi từng tự hỏi: Cảm giác đừng trên đỉnh núi trên 8000m sẽ thế nào? Nhưng khi đến được đỉnh Manaslu tôi thậm chí còn giúp mình thấy ra được nhiều điều. Sau khi leo núi tôi chiêm nghiệm: Ngọn núi cao trên 8000m này đã giúp tôi thấy được những gì?

Tôi chia sẻ câu chuyện của mình một cách rất riêng tư trên phạm vi cá nhân khi truyền thông Nepal đưa tin dựa trên khẳng định của Hiệp hội leo núi Nepal về việc người Việt đầu tiên đã summit thành công đỉnh núi Manaslu (Nhật báo Himalaya Daily của Nepal đưa tin) nhưng tôi thấy có khá nhiều người đã phân tích về những hình ảnh trên đỉnh và cho rằng đó có thể là hình ảnh giả mạo. Dù hình ảnh trên đỉnh tôi chụp cùng lá cờ đỏ sao vàng và cột mốc cao nhất được các nhà leo núi Nepal cắm cờ rất rõ ràng.

Leo núi không phải là môn thể thao của cơ bắp và sức mạnh. Đây là môn thể thao thử sức độ bền của tinh thần, ý chí đặc biệt là sự trung thực, cao thượng của người leo. 

Một nhà leo núi khi summit có thể summit một mình và thậm chí không có bất cứ hình ảnh nào trên đỉnh do khi đó không có ai chụp hình dùm, các thiết bị ghi hình hết pin.

Đứng trên đỉnh núi tuyết Manaslu cao 8.000m, bạn sẽ thấy được gì?- Ảnh 2.

Tác giả bài viết, anh Nguyễn Mạnh Duy. Ảnh: DV

Sự trung thực và cao thượng không bao giờ cho phép một người leo núi chân chính có thể "fake summit". Đó là điều tối kị ở môn thể thao này. Đã từng có những trường hợp giả summit và hậu quả mà những người ấy phải nhận vô cùng nặng nề. Nó cũng làm tổn thương những người leo núi nói chung.

Chúng ta sẽ thấy được điều gì trên đỉnh núi 8163m với lượng oxy không đủ duy trì sự sống, không khí loãng và lạnh giá? 

Có lẽ món quà lớn nhất chính là được cảm nhận sự phóng khoáng, tự do, trung thực và một tinh thần thượng đỉnh- tinh thần luôn đi lên cao, hướng lên trên. Người ta hay nói "đăng cao viễn vọng" nghĩa là lên cao để nhìn xa nhưng khi lên cao tôi lại thích được nhìn vào bên trong mình, thấy xem bên trong mình ngộ ra điều gì.

Tinh thần luôn nghĩ lớn và đi lên cao tôi nghĩ rằng cũng là tinh thần mà giới trẻ Việt Nam ngày nay luôn có thể nghĩ và chiêm nghiệm.

Trước đây nhiều người nghĩ rằng người Việt là ngoại đạo và không thể chơi môn leo núi tuyết này vì chúng ta không có núi cao và không quen với tuyết. Nhưng thực tế trải nghiệm của bản thân tôi lại thấy rằng với những môn chơi không cần tầm vóc và sức mạnh mà đòi họi độ bền, ý chí và nghị lực người Việt có nhiều lợi thế.

Chắc chắn trong những năm tới sẽ có thêm nhiều người trẻ Việt Nam chinh phục thêm các đỉnh trên 8000m và cả nóc nhà thế giới Everest. Điều đó là hoàn toàn khả thi nếu chúng ta có một lộ trình phù hợp.

Và cuối cùng, khi đứng trên một đỉnh cao trên 8.000m, tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta sẽ được khơi dậy niềm hứng khởi và cả những điều nhiệm màu kỳ diệu.

Nhưng những nhiệm màu này sẽ chỉ xuất hiện khi ta biết trân trọng từng giây từng phút cuộc sống mà ta đang có, cùng với một tinh thần cao thượng, trung thực và ý chí không bao giờ từ bỏ.