Dân Việt

Gom một loại rác xưa toàn vứt vạ vật mé vườn "chế" thành than gì mà doanh nghiệp ở Đồng Nai kiếm bộn tiền?

Quỳnh Diệp 03/10/2024 12:15 GMT+7
Một doanh nghiệp Việt Nam ở Đồng Nai đã tiên phong thực hiện sáng kiến sản xuất than sinh học (biochar) từ vỏ quả ca cao bỏ đi. Phương pháp mới này không chỉ giải quyết vấn đề quản lý chất thải mà còn thúc đẩy thực hiện các phương pháp tiếp cận kinh tế tuần hoàn trong ngành ca cao.

Giải pháp sản xuất tuần hoàn

Dự án "Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao", được tài trợ bởi Liên minh châu Âu (EU) và do HELVETAS phối hợp với Trung tâm Phát triển cộng đồng (CDC) thực hiện, đã hỗ trợ Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) chuyển đổi vỏ quả ca cao bỏ đi thành biochar - một sản phẩm có giá trị cao góp phần vào việc bảo vệ môi trường và tối ưu hóa tài nguyên.

Trọng Đức là công ty sản xuất ca cao lớn thứ 2 tại Việt Nam. Để đảm bảo hạt ca cao ướt được lên men đúng quy trình và ổn định về chất lượng, công ty này thực hiện thu mua trực tiếp trái ca cao tươi từ người nông dân. Hàng năm công ty tồn đọng khoảng 5.000 tấn vỏ ca cao tươi sau quá trình sơ chế. Khối lượng vỏ này nếu không được xử lý sẽ gây tác hại không nhỏ tới môi trường.

Biến vỏ ca cao thành sản phẩm có giá trị - Ảnh 1.

Mỗi năm Công ty TNHH Trọng Đức có tới 5.000 tấn vỏ quả cacao tươi cần xử lý. Ảnh: Q.D

Sáng kiến này không chỉ giải quyết vấn đề quản lý chất thải mà còn mở ra cơ hội phát triển mới cho ngành ca cao. Doanh thu từ biochar có thể bù đắp chi phí quản lý chất thải và tạo thêm nguồn thu nhập. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp ca cao khác đầu tư vào các công nghệ kinh tế tuần hoàn".

Ông Nguyễn Đình Tuấn - cán bộ quản lý Dự án Kinh tế tuần hoàn trong sản xuất ca cao của Helvetas Việt Nam

Quá trình sản xuất biochar bắt đầu bằng việc băm nhỏ và phơi khô vỏ quả ca cao, sau đó được đưa vào lò Torch Updraft Gasifier để đốt khí hóa. Trong quá trình khí hóa, vỏ quả ca cao được chuyển hóa thành biochar chất lượng cao ở nhiệt độ lên đến 770°C. Ngọn lửa đuốc được hình thành trong quá trình đốt, không tạo khói, hiệu quả khí hóa đạt mức cao, nguyên liệu cháy hoàn toàn. Khí sạch sinh ra được sử dụng để cung cấp nhiệt cho nhà máy, cải thiện đáng kể hiệu quả sấy hạt ca cao và hỗ trợ các ứng dụng nhiệt khác trong cơ sở.

Hệ thống lò đốt biochar được thiết kế đồng bộ và kết nối với hệ thống sấy hạt trong nhà máy thông qua các thiết bị chuyển nhiệt. Nhiệt lượng sạch tạo ra trong quá trình đốt vỏ được theo dõi và điều chỉnh phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của từng công đoạn sấy, đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng và mùi vị hạt ca cao thành phẩm. Các mẫu biochar được kiểm tra độc lập bởi Quatest 3 với bốn chỉ số cơ bản: Carbon cố định, hàm lượng tro, chất dễ bay hơi và mức Hydrogen, kết quả cho thấy tất cả các mẫu đều đạt tiêu chuẩn chất lượng biochar.

Lợi ích lớn

Đại diện đơn vị thử nghiệm sáng kiến, ông Đặng Tường Khanh - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, chia sẻ: "Nguồn vỏ trái ca cao sau khi khai thác hạt thường trở thành phế phụ phẩm bỏ đi, không những không có giá trị mà còn gây ảnh hưởng tới môi trường. Với sáng kiến này, nguồn vỏ phế phẩm trên trở thành nguồn nguyên liệu đốt, tạo nhiệt sạch và than sinh học có giá trị cao. Chúng tôi rất mong muốn sáng kiến hữu ích này có thể được áp dụng rộng rãi hơn nữa."

Ông Dương Văn Trực - chuyên gia kỹ thuật từ Công ty TNHH Nước và Môi trường Sài Gòn (Sawaen), chia sẻ: "Giải pháp này có thể áp dụng cho cả doanh nghiệp cũng như các hộ nông dân".

Biến vỏ ca cao thành sản phẩm có giá trị - Ảnh 2.

Nhiệt lượng tạo ra từ quá trình đốt biochar được sử dụng để sấy hạt ca cao. Ảnh: Q.D

Cũng theo ông Trực, công nghệ này có nhiều lợi ích lớn. Trước hết là tối ưu việc quản lý chất thải: Công nghệ này giúp chuyển đổi vỏ quả ca cao từ một chất thải cần xử lý thành một sản phẩm có giá trị. Phương pháp này không chỉ giảm khối lượng chất thải mà còn chuyển đổi chúng thành biochar, qua đó góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu suất: Quá trình sản xuất biochar cung cấp nguồn nhiệt sạch cho việc sấy hạt ca cao. Hệ thống sấy mới làm giảm thời gian sấy trong mùa mưa từ 15 ngày xuống còn 7 ngày, gần bằng thời gian sấy trong mùa khô, nhờ đó tiết kiệm năng lượng đáng kể và giảm nguy cơ nấm mốc, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cải thiện chất lượng đất và tăng năng suất: Sử dụng biochar sẽ giúp cải thiện cấu trúc đất, giữ nước và tăng dưỡng chất cho đất, từ đó góp phần nâng cao năng suất cây trồng. Đây là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng một hệ thống nông nghiệp bền vững.

Và lợi ích nữa là bảo vệ môi trường, bởi sản xuất biochar góp phần lưu trữ carbon lâu dài, giảm mức CO2 trong khí quyển và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu. Hơn nữa, biochar có khả năng hấp thụ các chất ô nhiễm trong nước, cải thiện chất lượng nước.