Phù Lưu xưa là 1 trong 7 xã của tổng Phù Lưu, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn với chợ Giàu - một làng buôn nổi tiếng xứ Bắc và nhiều dòng lớn như: họ Hoàng, họ Chu Tam, họ Lê Trần, họ Nguyễn Huy, họ Nguyễn Công, họ Nguyễn Phó bảng...
Tiêu biểu là họ Chu Tam với truyền thống hiếu học và làm quan trong triều hiện còn lưu giữ được ngôi nhà thờ họ có tuổi đời hàng trăm năm.
Theo nguồn tư liệu lưu giữ tại từ đường họ Chu Tam thì đây là một dòng họ lớn có lịch sử hình thành và phát triển sớm ở Phù Lưu. Thời Lê - Mạc, họ Chu Tam đã đóng góp cho quê hương đất nước một nhân tài kiệt xuất - Tiến sĩ Chu Tam Dị, đăng khoa năm Kỷ Sửu (1529) làm quan đến chức Hàn lâm viện thị thảo.
Nhà thờ họ Chu Tam được khởi dựng từ thời Lê - thế kỷ XVI để thờ tự tổ họ Chu và Tiến sĩ Chu Tam Dị.
Đến thời Nguyễn, nhà thờ được xây dựng lại và trên tấm bia đá “Chu tộc phả ký” khắc năm Tân Mùi niên hiệu Tự Đức có ghi: Nhà thờ họ Chu Tam được xây dựng từ đời thứ 2 ở Ngõ Giếng, nhà thờ một ngôi 7 gian, đất rộng 10 thước, ruộng để làm giỗ một mẫu, hai sào, tám thước, 2 thửa gần nhau ở thôn Nội Trì, ba sào tám thước ở khu Cổng Lăng.
Nhà thờ họ Chu Tam ở đất Đông Ngàn, Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Nhà thờ họ Chu Tam hiện nằm ở giữa khu phố xung quanh giáp khu dân cư đông đúc, mặt quay hướng Nam gồm các hạng mục công trình: Cổng, nhà khách, tiền đường, hậu đường, nhà bia, nhà hậu và sân vườn.
Cổng vào từ đường được xây dựng theo kiến trúc cổ, mặt ngoài đắp 3 chữ Hán khổ lớn “Chu từ đường” (từ đường họ Chu) hai bên được làm cột trụ lồng đèn đắp 2 chữ Phúc, Lộc.
Mặt trong cổng ghi rõ năm trùng tu xây dựng là năm 1941 niên hiệu Bảo Đại cùng chữ “Vượng” ở giữa thể hiện nguyện ước mong muốn của con cháu bền vững và hưng thịnh muôn đời.
Nhà khách gồm 3 gian gỗ xoan kiến trúc thời Nguyễn được xây dựng theo kiểu bình đầu bít đốc, trên có tay ngai, cấu trúc vì kèo theo kiểu “chồng giường kẻ truyền” phần chạm khắc trang trí trong kiến trúc tập trung chủ yếu ở đầu bẩy, cốn mê với chủ đề tứ linh, tứ quý hoa lá và vân mây cách điệu.
Nhà tiền đường kiến trúc kiểu bình đầu phía trước xây cột trụ lồng đèn, khung nhà làm bằng gỗ xoan được bào soi kỹ lưỡng, cấu trúc vì giữa kiểu “chồng giường kẻ truyền”, vì hồi “chồng giường giá chiêng” phần chạm khắc trang trí trong kiến trúc tập trung chủ yếu ở đầu bẩy, cốn mê với chủ đề tứ linh, tứ quý và hoa lá cách điệu.
Nhà hậu đường ba gian, kiến trúc kiểu bình đầu bít đốc, bộ khung làm bằng gỗ lim bào soi kỹ lưỡng. Chính diện Hậu đường chạm nổi bốn chữ Hán khổ lớn “Chu Tam từ đường” chung quanh diềm được chạm trang trí hình rồng chầu mặt nguyệt và các loài linh thú cùng hoa lá vân mây cách điệu.
Hậu cung là nơi tôn nghiêm đặt hương án, bài vị cụ thuỷ tổ Tiến sĩ Chu Tam Dị cùng nhiều đồ thờ cúng khác. Trong khuôn viên nhà thờ còn có nhà bia - nơi ghi chép truyền thống khoa bảng và hiếu học của dòng họ và nhà hậu - nơi đặt bài vị cúng hậu của dòng họ Chu Tam.
Nhà thờ họ Chu Tam hiện lưu giữ được nhiều hiện vật quý, tiêu biểu là lư hương đồng niên đại (1428 - 1439), 2 bia đá niên đại thời Nguyễn, 1 tượng bán thân đá.
Đặc biệt là cuốn gia phả mang ký hiệu R28 (đang lưu giữ tại Thư viện Quốc gia) gồm 109 trang chữ Hán, ghi chép chi tiết gia phả, thế thứ của họ Chu bắt đầu từ Sơ tổ cụ Chu Chí Thiện đến nay là 19 đời.
Trong đó có Thuỷ tổ khảo (đời thứ hai) là Chu Phủ Quân tự Tam Dị, ông sinh năm 1494, năm 1529 thời Mạc Thái Tổ ông thi đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Kỷ Sửu và từng giữ các chức vụ quan trọng như Hàn lâm Đại học sĩ, đốc đồng xứ Tuyên Quang.
Ông là vị quan thanh liêm, chính trực, giản dị, hết lòng phục vụ nhân dân. Tiên tổ khảo (đời thứ tám) là Chu Phủ Quân tự Tam Đạt hiệu Phúc Tuy, làm quan đến chức Tiên công thứ lang Huyện Thừa huyện Hải Lăng.
Ông là người có tâm, lại đẹp mệnh, đức độ cao, nổi tiếng một thời. Tiên tổ khảo (đời thứ mười) là Chu Phủ Quân, hiệu Sinh Triều Lê tự Gia Hội hiệu Phúc Thành.
Ông nối chí cha mở trường làng vui nghề dạy học. Ông là Hội trưởng hội Văn thôn Thị, thôn Nội. Khi ông mất thôn Thị, thôn Nội làm lễ tế ông.
Tiên Tổ khảo (đời thứ mười ba) là Chu Phủ Quân huý Hiển tự Vi Chi hiệu Kim Phong, ông là người trực tính, ôn hoà, giản dị mà nghiêm khắc. Mồ côi cha lúc 4 tuổi, nhà nghèo, thiếu thốn nhưng cuộc sống yên bình.
Ông sớm yết bảng về kinh dự thi khoa Hoành Từ (cùng với khoa Sĩ Vọng, khoa Đông Các, khoa Tuyển Cử là các khoa thi bất thường ngoài các khoa thi định kỳ thời Lê Trung Hưng) rồi được bổ làm Huấn đạo huyện Thọ Xương. Ông giỏi cả Thi, Thư, Sử học. Đến nay còn giữ được hai bộ bút tích cùng các tập chiếu, biểu, văn sách của ông.
Nhà thờ họ Chu Tam có lịch sử lâu đời, đã được Nhà nước xếp hạng và luôn được các con cháu trong dòng họ, cùng với chính quyền địa phương có ý thức gìn giữ trở thành một trong những di tích lịch sử văn hóa phản ánh truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc, góp phần cho sự phát triển văn hóa chung của quê hương, đất nước.