Huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) có diện tích trồng dừa khoảng 500ha. Những trái dừa tươi nay được nâng giá trị nhờ vào việc thay đổi “ngoại hình” và khắc chữ lên trái.
Người dân trồng dừa khu vực U Minh Thượng chủ yếu bán trái tươi và khô cho thương lái. Chị Phan Kim Cương - chủ cơ sở dừa tươi tiện lợi Coco An Nhiên ở tổ 8, ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cho biết: “Dừa U Minh Thượng có vị ngọt, thơm nhưng giá bán thấp và không ổn định, vì vậy tôi tìm hiểu trên internet và áp dụng các phương pháp kỹ thuật để gia tăng giá trị cho trái dừa”.
Sau nhiều lần thử nghiệm, chị Kim Cương mạnh dạn đầu tư kho lạnh, máy mài, máy khắc chữ laser để tạo ra sản phẩm dừa tươi tiện lợi.
Việc thay đổi “ngoại hình” và khắc chữ lên trái dừa giúp tăng giá trị cho trái dừa tươi và có thị trường tiêu thụ ổn định.
Dừa sau khi thu hoạch sẽ được tách bỏ phần vỏ và tiến hành các bước gọt trọc, mài sơ dừa, ngâm qua nước chanh tươi để hạn chế dừa ngả màu.
Trái dừa sau đó được quạt mát cho khô ráo và khắc khoen, khắc logo, khắc chữ theo yêu cầu của khách hàng.
Sản phẩm dừa nắp khoen của Coco An Nhiên hiện được phân phối tại các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê và chợ trong và ngoài Kiên Giang.
Công nhân thực hiện các công đoạn thay đổi ngoại hình cho trái dừa tại cơ sở dừa tươi tiện lợi Coco An Nhiên ở tổ 8, ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang).
Để tạo thương hiệu cho sản phẩm, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện U Minh Thượng hỗ trợ cơ sở dừa tươi tiện lợi Coco An Nhiên đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu và tham gia các cuộc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện U Minh Thượng Ngô Chí Phong cho biết: “Sản xuất dừa tươi tiện lợi vừa tăng giá trị cho trái dừa U Minh Thượng vừa tránh tình trạng nông dân bị thương lái ép giá sau thu hoạch.
Đầu tư ứng dụng máy móc, công nghệ mới đã giúp địa phương có thêm sản phẩm độc đáo, thu hút người tiêu dùng, giữ vững diện tích trồng dừa, ổn định thu nhập cho nông dân và phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn ở U Minh Thượng”.
Cuối tháng 7-2024, cơ sở dừa tươi tiện lợi Coco An Nhiên được tổ thẩm định đề án khuyến công địa phương năm 2024 thống nhất trình UBND tỉnh phê duyệt đề án khuyến công địa phương, hỗ trợ ứng dụng máy móc vào sản xuất dừa nắp khoen.
Đề án hỗ trợ các máy như máy laser CO2 siêu tốc, máy bắn khoen dừa, máy mài bóng, máy băm sơ dừa, máy gọt vỏ dừa tự động.
Chị Phan Kim Cương - chủ cơ sở dừa tươi tiện lợi Coco An Nhiên ở tổ 8, ấp Công Sự, xã An Minh Bắc (U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) khắc chữ lên trái dừa.
Với các thiết bị này, năng suất sản xuất của cơ sở dự kiến tăng từ 1.500 trái/tháng lên 3.000 trái/tháng, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường.
Sản lượng dừa tươi nắp khoen sẽ tăng từ 25.000 trái/năm lên 40.000 trái/năm, doanh thu từ 400 triệu đồng/năm lên 880 triệu đồng/năm; lợi nhuận tăng từ 80 triệu đồng/năm lên 120 triệu đồng/năm.
Trong quá trình sản xuất, chị Kim Cương thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường như sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, xử lý nước thải bằng bể tự hoại, tái sử dụng sơ dừa làm phân bón, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng cháy, chữa cháy…
Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Trương Văn Minh, tổ trưởng tổ thẩm định đề án khuyến công tỉnh Kiên Giang cho biết mục tiêu chính khi đầu tư máy móc tiên tiến nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Ngoài phân khúc khách hàng cao cấp tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch thì cơ sở sản xuất cần đa dạng sản phẩm dành cho khách hàng tại các hội nghị.
Đây là mô hình tiềm năng, sản phẩm mới của tỉnh. Mô hình này không chỉ giúp tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.