Đi tìm cây cầu vồng 9 nhịp bằng đá bắc qua sông Đuống cách đây 300 năm ở miền quan họ Bắc Ninh
Đi tìm dấu tích cây cầu vồng 9 nhịp bắc qua sông Đuống cách đây hơn 300 năm ở miền quan họ Bắc Ninh
Thứ năm, ngày 30/06/2022 06:08 AM (GMT+7)
Người Bắc Ninh xưa lưu truyền câu ca: “Đã qua chín nhịp cầu Hồ/Đố ai ghẹo được cô đồ Vạn Vân”. Khoảng hơn 300 năm về trước đã từng có một cây cầu vồng chín nhịp soi mình bên dòng sông Đuống. Ai đã khởi dựng một cây cầu như thế? Sao lại là cầu chín nhịp, hình dáng ra sao, bây giờ dấu tích còn không?
Theo chân các bậc tiền bối điền dã ở vùng bãi ven sông Đuống vào một ngày xuân ấm, không có nắng. Từ giữa làng Chi Trung (xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), chúng tôi vượt qua con đê nườm nợp hai làn xe ô tô nối đuôi nhau suốt ngày đêm để sang bãi bồi ven sông Đuống.
Cách nhau có một con đê mà không gian cảnh sắc hai bên khác biệt hoàn toàn, ở bên kia vừa hòa trong bản nhạc hối hả, sôi động, tất bật thì sang bên này chúng tôi thung thăng tận hưởng thanh âm du dương, dịu dàng giữa một vùng thủy tú nên thơ, khoáng đạt của đất trời.
Hoa cỏ mùa xuân dùng dằng níu giữ bước chân người lữ khách, cảm giác như chìm đắm, lạc vào một miền sơn cước bình lặng, cách biệt hoàn toàn với những ồn ào, huyên náo của phố thị. Ấy chính là hành trình chúng tôi kiếm tìm dấu tích cây cầu chín nhịp bắc qua sông Đuống đã trôi vào dĩ vãng từ mấy trăm năm về trước.
Cho đến nay, chưa ai biết địa điểm xây dựng cầu Hồ xưa ở đoạn nào nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải cho biết, cách đây hơn 20 năm, ông cùng một nhà báo đã phát hiện thấy còn một số tấm bia đá phản ánh việc xây dựng và tu sửa cầu Hồ trong lịch sử và hiện đang được lưu giữ tại chùa Giáo Đường (xã Tân Chi, huyện Tiên Du).
Chúng tôi đến chùa Giáo Đường, ngôi cổ tự khuất dưới bóng cây cổ thụ nhìn ra dòng Thiên Đức hiền hòa. Nơi đây từng là một trong những trung tâm Phật giáo lớn đào tạo các tăng ni cho nhiều chùa ở vùng Kinh Bắc xưa.
Cùng với thờ Phật, chùa còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không là Quốc sư dưới triều vua Lý Thần Tông. Chùa vốn được khởi dựng từ lâu đời, quy mô bề thế với nhiều hạng mục công trình nhưng đã bị phá hủy hoàn toàn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khi hòa bình lập lại, nhân dân địa phương phục dựng lại chùa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải điền dã, nghiên cứu các văn bia ghi chép về việc xây dựng và tu sửa cầu Hồ tại chùa Giáo Đường (xã Tân Chi, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh).
Giá trị đặc sắc nhất của chùa Giáo Đường hiện nay là hệ thống bia đá. Trong đó có 5 bia đá được khắc vào thế kỷ XVIII cho biết việc xây dựng và tu sửa cầu Hồ xưa gồm: “Lập kiều giang bi” và “Hồng kiều bi ký” đều tạo tác năm Vĩnh Thịnh 3 (1707), “Trùng tu hồng kiều tập phúc bi văn” khắc năm Vĩnh Thịnh 13 (1717), “Thập phương công đức” khắc năm Cảnh Hưng 21 (1760), “Tái tạo hồng kiều bi” khắc năm Cảnh Hưng 31 (1770).
Mỗi tấm bia đá là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh, từ trang trí hoa văn đến khắc chữ Hán. Tấm bia có kích thước lớn nhất với chiều cao lên tới 2,2m (riêng phần chóp bia cao 60cm), rộng 70cm, tấm bia có kích thước nhỏ nhất cao 90cm, rộng 70cm, dầy 27cm.
Có 4 tấm bia đá tứ diện dáng mái long đình, xung quanh diềm bia trang trí mây, lá, chim, hoa, có bia chạm rồng, 4 mặt đều khắc chữ Hán.
Tấm bia “Tái tạo hồng kiều bi” khắc năm 1770 có đoạn viết về việc dựng cầu được nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải dịch như sau: “…Việc xướng xuất bắt đầu từ tiền Hội chủ hưng công Thực Lại Quận phu nhân trong lưỡng phủ đều là sự hiệp đồng của tất cả thập phương cung kính tin theo; những người ở xa ít nhiều đều có, người có công, người có tiền, người đang trên đường tìm đến phúc đức.
Xây cầu để mọi người đều vui vẻ đến chợ mua bán. Kẻ phú thương thì vui vẻ xuất ra nghìn vạn tiền để cùng giúp làm cầu để mong thung dung trên hồng kiều cùng nhiều quý khách. Nhân đó dựng bia đá ghi danh để bố cáo việc làm cầu đã hoàn thành để liệt kê tôn ty trên dưới cùng bài minh trên đá để quan tước tính danh bất hủ, để lưu lại cho con cháu được phúc đẳng hà sa như cây cầu này, để nghìn năm sau công luận còn biết đến…”.
Nội dung văn bia cho biết cây cầu Hồ xưa do dân của hai phủ Thuận An và Từ Sơn cùng thập phương công đức xây dựng và các lần tu sửa cầu. Trên bia còn ghi cả danh sách họ tên những người công đức, không đề cập đến địa điểm xây dựng, cũng không miêu tả kỹ về kiểu dáng, công năng của cây cầu Hồ.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, tìm hiểu, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải khẳng định: Những bia đá nói về việc dựng cầu trên sông Đuống đều ghi “hồng kiều”. “Kiều” là cầu, còn “hồng” nghĩa là vồng. Như vậy kiểu dáng của cây cầu Hồ xưa là cầu vồng, không phải cầu phẳng. Lý do xây dựng cầu vồng có lẽ để tàu thuyền dễ dàng qua lại, nhất là khi mùa nước lên cao.
Nhắc lại câu ca dân gian: Đã qua chín nhịp cầu Hồ/Đố ai ghẹo được cô đồ Vạn Vân”, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Khải cũng cho rằng, với dữ kiện trong câu ca dao trên, có khả năng cầu Hồ xưa là cây cầu bằng đá và có 9 nhịp.
Giả thiết này cũng có lý vì nguyên xưa sông Đuống là dòng chảy tự nhiên, chi lưu của sông Hồng nhưng không rộng như bây giờ.
Nguồn thư tịch cổ cho biết, sông Thiên Đức từ thời Lý đã giữ vai trò quan trọng, chính vì vậy qua các triều đại Lý, Trần, năm nào sông cũng khơi thông nhưng phải đến thời Nguyễn, dưới triều vua Minh Mệnh thì dòng sông mới được tiến hành cải tạo tổng thể, khơi rộng để giảm lũ lụt cho Hà Nội.
Chẳng biết cầu Hồ xưa vì sao mà biến mất. Nhưng hàng trăm năm nay, dòng Đuống vẫn cuộn chảy ôm trong mình bao huyền thoại, bồi đắp nên nền văn hóa đặc trưng của mảnh đất Bắc Ninh-Kinh Bắc giàu truyền thống và năng động chuyển mình phát triển.
Và năm 1998 sau tái lập tỉnh, Bắc Ninh quyết tâm xây dựng một cây cầu Hồ hiện đại đầu tiên qua sông Đuống thay cho cây cầu trong lịch sử để thỏa khát vọng ngược xuôi của nhân dân hai phía Bắc phần và Nam phần sông Đuống.
Bây giờ, trên dòng sông Đuống qua địa phận Bắc Ninh cùng với cầu Hồ còn có cầu Bình Than và cầu Phật Tích cũng sắp hoàn thành, tạo điều kiện cho miền Quan họ thông thương thuận lợi và ngày càng văn minh, phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.