Tôi đã sống ở Hà Nội hơn 23 năm, chính xác là 23 năm 1 tháng 3 ngày, tính từ cái ngày 5/9/2001 khi xách ba lô lên Hà Nội nhập học đại học đến nay. Hơn 20 năm với đời người thì dài, nhưng với lịch sử thì chẳng bằng nửa cái chớp mắt! Thời gian trôi nhanh như gió thoảng, đủ dài để mà yêu mảnh đất này, nhưng cũng chưa bao giờ đủ để tôi dám nhận mình là "người Hà Nội".
Lần nào đi công tác các tỉnh phía Nam, khi ai đó ân cần hỏi "người Hà Nội vào à?" tôi cũng phải vội vàng sửa lại: "Cháu sống ở Hà Nội, còn quê Hải Phòng". Vì sao? Vì người Hà Nội, theo tôi, phải có một chất rất riêng – một sự hào hoa thanh lịch, nhưng quan trọng hơn là cái chất "chơi" mà không phải ai cũng lĩnh hội được. Và cái chất chơi của Hà Nội thì không đâu qua được chất của dân phố cổ.
Nếu trong cuộc trò chuyện nào đó, có ai tự nhận là dân Hà Thành, tôi cũng phải tự vấn trong đầu – họ có thực sự là dân Hà Thành không, có phải dân chơi phố cổ thực sự không – hay chỉ là một sự học đòi, tập tành cái chất chơi đó?
Về mặt địa lý, có người nói rằng, dân Hà Nội "gộc" là cứ phải tính những ai có hộ khẩu ở 4 quận nội thành lịch sử là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Có người còn cực đoan lấy tháp Rùa làm trục, làm km số 0, rồi từ đó phiên ra bán kính 500 mét được coi là gần, đi quá là kêu xa rồi. Chẳng thế mà, Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng… đều lớn lên ở Hàng Gai, Hàng Bạc, từ đó viết lên những ký sự ẩm thực Hà Nội mà nay khó ai có thể vượt qua.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng khái niệm "dân phố cổ" không chỉ là những người sống ở khu phố cổ Hà Nội, mà là một khái niệm mang tính văn hóa sâu sắc, bao hàm cả phong cách sống, tư duy và thái độ với cuộc đời.
Họ có một cái "chất" rất riêng, không phải do học vấn cao siêu hay tài sản kếch xù, mà chính là sự thừa hưởng từ truyền thống, từ văn hóa gia đình, từ cái "chất" Hà Nội thanh lịch nhưng cũng ngấm ngầm phóng khoáng.
Người ta hay nói "người Hà Nội học giỏi" nhưng thực tế, đa số "dân chơi" Hà Nội không trọng cái kiểu học gạo. Dân phố cổ học những thứ họ yêu thích, những thứ có thể trở thành một phần của cuộc sống và nghệ thuật.
Đàn ông phố cổ, dẫu kiêu bạc, bất cần đời, lại có một cái duyên ngầm để rồi khái niệm "con giai phố cổ" đi vào văn chương. Đàn bà thì vừa thanh thoát, vừa thâm trầm, có thể chơi nhạc, thưởng trà, vẽ tranh, cắm hoa. Và dù có thể thi thoảng buông vài câu chửi thề, cái chất thanh lịch vẫn không hề mất đi. Để rồi nét đẹp của thiếu nữ Hà Thành đi vào hội hoạ.
Họ không phải là những người chạy theo bằng cấp hay danh vị. Ngược lại, họ chẳng mấy bận tâm đến việc đeo đuổi học hàm, học vị, không coi sách vở là điều kiện tiên quyết để đo giá trị cá nhân. Điều họ coi trọng là cái đẹp, cái thẩm mỹ trong cuộc sống.
Họ "chơi" không phải để phô diễn mà là để tìm sự tự do, sáng tạo, tôn trọng bản thân, không bị ràng buộc bởi những chuẩn mực thông thường. Có thể đây là kết tinh của một lối sống có thẩm mỹ, một tâm hồn yêu cái đẹp và sự thanh cao trong từng chi tiết nhỏ – từ việc uống trà, ăn uống đến cách bày biện nhà cửa.
Họ có thể không giàu về tiền bạc, nhưng lại giàu có về tinh thần và truyền thống. Cái "chơi" của họ là cách tận hưởng cuộc sống với sự bình thản, sâu lắng, đầy sáng tạo. Đối với họ, "chơi" là nghệ thuật, là cách thể hiện bản ngã, và mỗi hành động đều mang một ý nghĩa văn hóa và giá trị tinh thần.
Trong từng con ngõ nhỏ, từng khu phố cổ kính, người Hà Nội mang trong mình nét điềm đạm, khoan thai. Trong cái không gian nhộn nhịp và đôi khi bận rộn của thành phố, người Hà Nội vẫn giữ được một thái độ điềm tĩnh, không quá vội vàng hay xô bồ. Họ ít khi rơi vào trạng thái quá khích, mà thường giữ thái độ ung dung, đủng đỉnh.
Chính "thành ngữ dân gian" mà giới trẻ hay nói vui "Hà Nội không vội được đâu" đã miêu tả rõ nét thái độ ung dung, đủng đỉnh này. Còn theo tôi, điều mà người Hà Nội tìm kiếm thường là sự an yên trong tâm hồn. Chính điều này đã tạo nên nếp sống giản dị, mộc mạc của người xứ kinh kỳ. Cái "chất" không phải chỉ là sự thanh lịch bề ngoài mà còn là sự thâm trầm, tinh tế trong từng suy nghĩ và cách hành xử.
Người Hà Nội đang sống trong những ngày tưng bừng mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Nhìn lại hành trình phát triển của Hà Nội, chúng ta không chỉ tự hào về những thành tựu kinh tế mà còn đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị văn hóa và nhân cách con người.
PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc, một nhà sử học uy tín, từng nhấn mạnh: "Hà Nội không chỉ là trái tim của cả nước về chính trị mà còn là trung tâm văn hóa, nơi kết tinh và phát huy những giá trị tinh thần, trí tuệ suốt hàng ngàn năm lịch sử. Con người Hà Nội, với sự thanh lịch và tao nhã, không chỉ bảo tồn những di sản văn hóa của Thăng Long mà còn biết cách sáng tạo, làm giàu thêm cho những giá trị ấy qua từng thế hệ".
Ông cũng khẳng định "Chính sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống và hiện đại đã tạo nên một bản sắc riêng biệt cho người Hà Nội, giúp họ vượt qua những biến động của thời cuộc và giữ vững nét đẹp của một Thăng Long văn hiến".
Người Hà Nội hiện đại, dù tiếp nhận luồng gió mới từ thế giới, vẫn luôn gắng giữ cho mình phong thái điềm tĩnh trong ứng xử, tinh tế trong cách sống dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Sự phát triển của Hà Nội, vì thế, không thể chỉ nhìn từ những thành tựu bề nổi về kinh tế hay các công trình hiện đại. Đó còn là câu chuyện về những giá trị văn hóa tinh thần, từ cách người Hà Nội sống và làm việc, đến cái "chất" riêng của dân phố cổ – với tinh thần thanh lịch, hào hoa nhưng vô cùng phóng khoáng - nơi những giá trị ấy vẫn được truyền lại và bảo tồn cho đến đời sau.