Dân Việt

Hiệu quả từ những mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo ở thành phố Huế

Trần Hòe 17/10/2024 15:19 GMT+7
Những mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo ở thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã phát huy hiệu quả, giúp các hộ có việc làm, thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình quầy tạp hóa, quầy nước giải khát tạo việc làm ổn định

Là lao động chính trong gia đình, nhưng bà Lê Thị Nữ ở phường Đông Ba (thành phố Huế) thường xuyên bị đau ốm, không có việc làm ổn định, dẫn đến gia đình bà gặp khó khăn trong việc vươn lên thoát nghèo. Đầu năm 2024, gia đình bà Nữ được Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường Đông Ba hỗ trợ mô hình sinh kế "Quán nước giải khát" với tổng kinh phí 8,5 triệu đồng. Từ khi được hỗ trợ mô hình này, gia đình bà Nữ đã có việc làm với thu nhập ổn định.

Hiệu quả từ những mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo ở thành phố Huế - Ảnh 1.

Ủy ban MTTQ và các đoàn thể phường Đông Ba, thành phố Huế hỗ trợ mô hình sinh kế "Quán nước giải khát" cho hộ bà Lê Thị Nữ.

Tương tự hộ bà Nữ, các hộ bà Nguyễn Thị Thành, ông Tôn Thất Thọ cũng đã được phường Đông Ba hỗ trợ hỗ trợ các mô hình sinh kế "Quầy hàng tạp hóa", "Quán nước giải khát". "Nhờ được hỗ trợ quầy hàng tạp hóa mà gia đình tôi đã có việc làm ổn định để có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững", bà Thành tâm sự.

Theo Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững phường Đông Ba, để thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn, thời gian quan, phường đã xây dựng phương án, lộ trình giảm nghèo đến từng hộ gia đình. Cùng với các chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng như hỗ trợ sản xuất, dạy nghề cho lao động..., từ năm 2023 đến nay, các cơ quan, đoàn thể và các mạnh thường quân, doanh nghiệp trên địa bàn đã chung tay mở các quầy tạp hóa, quán nước giải khát để tạo sinh kế ổn định cho các hộ nghèo.

Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn phường Đông Ba còn 21 hộ nghèo, giảm 10 hộ so với năm 2022, hộ cận nghèo còn 18 hộ, giảm 7 hộ so với năm 2022. Mục tiêu phường đề ra là đến cuối tháng 12/2025 số hộ nghèo trên địa bàn giảm xuống còn 14 hộ.

Trong năm 2024, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững phường xây dựng phương án, lộ trình giảm nghèo cụ thể với giải pháp hỗ trợ tương ứng các thiếu hụt và nhu cầu hỗ trợ thích hợp đối với từng hộ nghèo. Phường tiến hành hỗ trợ nguồn vốn vay cho 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo đủ điều kiện, nhu cầu vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Phường phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, vốn giải quyết việc làm… để phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh.

Hiệu quả từ những mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo ở thành phố Huế - Ảnh 2.

Trao mô hình sinh kế "Quầy nước giải khát" cho hộ ông Tôn Thất Thọ ở phường Đông Ba, thành phố Huế.

Bên cạnh đó, phường phấn đấu 100% người thuộc diện hộ nghèo trong độ tuổi, đủ năng lực lao động có nhu cầu học nghề được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn và định hướng nghề nghiệp, được ưu tiên giới thiệu việc làm để có việc làm ổn định. Địa phương cũng tăng cường huy động đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách giảm nghèo, khuyến khích thoát nghèo bền vững, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt các phong trào, cuộc vận động giúp đỡ người nghèo, hội viên nghèo do các cấp, các ngành, hội, đoàn thể và các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong xã hội phát động.

Tại phường Thuận Lộc, từ đầu năm 2024 đến nay, phường đã trao tặng 3 mô hình sinh kế cho 3 hộ nghèo và hộ mới thoát nghèo, mỗi mô hình trị giá 10 triệu đồng. Những mô hình sinh kế này đã phát huy hiệu quả khi tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ. Từ nay đến cuối năm 2024 phường dự kiến sẽ trao thêm 3 mô hình sinh kế cho các hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Ngoài hỗ trợ mô hình sinh kế, phường cũng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các nguốn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, địa phương đã khảo sát, giới thiệu và phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo nghề cho hàng chục trường hợp là thành viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trong đó chú trọng đào tạo các nghề có thể tạo việc làm cho người dân, như: Kỹ thuật chế biến món ăn và vệ sinh an toàn thực phẩm, điêu khắc gỗ…

Hiệu quả từ những mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo ở thành phố Huế - Ảnh 3.

Trao mô hình sinh kế "Quầy nước giải khát" cho hộ nghèo trên địa bàn phường Thuận Lộc, thành phố Huế.

Bà Bùi Thị Thu Hằng- Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho biết: Để thực hiện lộ trình giảm nghèo theo chỉ tiêu của thành phố phân bổ, Đảng ủy phường xác định công tác giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên, thoát nghèo bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ phường đến cơ sở, góp phần cùng thành phố, tỉnh giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững của phường đã lập kế hoạch, phân chỉ tiêu và lập phương án, lộ trình giảm nghèo đến từng hộ gia đình cho các tổ trưởng dân phố để nắm các chiều thiếu hụt, từ đó tìm ra giải pháp hỗ trợ giúp đỡ thích hợp đối với từng hộ dân. Với việc uy động mọi nguồn lực gắn với triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, phường phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,41%.


Vượt chỉ tiêu giảm số hộ nghèo

Theo UBND TP.Huế, thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được các ban ngành, địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với chuẩn nghèo đa chiều và điều kiện thực tiễn tại các địa phương. Trên cơ sở các nhiệm vụ thuộc chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, thành phố phấn đấu cuối năm 2024, toàn thành phố giảm từ 110- 130 hộ nghèo, đảm bảo đạt và vượt chỉ tiêu của tỉnh phân bổ.

Hiệu quả từ những mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo ở thành phố Huế - Ảnh 4.

Bàn giao nhà “Đại đoàn kết” cho hộ nghèo ở thành phố Huế.

Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố đã tổ chức tập huấn các nội dung liên quan về các tiêu chí và chuẩn nghèo đa chiều, chuẩn hộ có mức sống trung bình cũng như phương pháp, quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thành phố cũng xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn để làm cơ sở để xây dựng kế hoạch, giải pháp giảm nghèo và thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội trong năm 2025 cũng như hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế và các chính sách khác theo quy định cho các đối tượng.

Lực lượng rà soát viên trên địa bàn đã trực tiếp đến từng hộ gia đình để quan sát, khảo sát, thu thập thông tin của hộ. Kết quả rà soát phải phản ánh đúng thực tế tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực trạng đời sống của nhân dân; tránh tình trạng chạy theo chỉ tiêu, thành tích, cũng như lợi dụng chính sách liên quan đến hộ nghèo, hộ cận nghèo để trục lợi làm sai lệch thực trạng nghèo của địa phương...

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2023, thành phố Huế còn 861 hộ nghèo với 2.282 khẩu (chiếm tỷ lệ 0,65%), 2.015 hộ cận nghèo với 6.382 khẩu (chiếm tỷ lệ 1,52%). Sau khi rà soát, UBND các xã, phường đã tiến hành niêm yết công khai, công bố kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại trụ sở UBND cấp xã và các thôn/tổ dân phố trên địa bàn để người dân biết và theo dõi.

Hiệu quả từ những mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo ở thành phố Huế - Ảnh 5.

Trao tặng thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ mới thoát nghèo tại phường Đông Ba, thành phố Huế.

Năm 2023, số hộ nghèo trên địa bàn thành phố giảm so với năm trước là 531 hộ, từ 1.392 hộ xuống còn 861 hộ nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo năm 2023 của thành phố vượt trên 156% so với chỉ tiêu HĐND thành phố giao (531/338 hộ), đạt trên 392% kế hoạch cấp tỉnh giao (531/135 hộ). Đây là năm thứ 2 liên tiếp thành phố Huế giảm số hộ nghèo vượt chỉ tiêu cấp tỉnh giao (691/331 hộ nghèo, đạt 208%). Đối với hộ cận nghèo, thành phố giảm 379 hộ, từ 2.394 hộ xuống còn 2.015 hộ.

Theo lãnh đạo UBND thành phố Huế, việc rà soát chặt chẽ, bình xét chính xác, dân chủ, công tâm để xác định hộ nghèo, cận nghèo là điều kiện để mọi nguồn lực hỗ trợ đến người dân được kịp thời, đầy đủ. Thông qua đó, địa phương nắm được tình hình, khó khăn của từng trường hợp cụ thể, giúp cho người dân được tiếp cận, hưởng lợi từ những chính sách hỗ trợ phù hợp. Đây cũng là động lực để để mỗi người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của nhà nước.