Tại huyện A Lưới của Thừa Thiên Huế, nghề dệt độc đáo này đang tạo việc làm, thu nhập tốt cho dân
Tại huyện A Lưới của Thừa Thiên Huế, nghề dệt độc đáo này đang tạo việc làm, thu nhập tốt cho dân
Trần Hòe
Thứ ba, ngày 08/10/2024 10:55 AM (GMT+7)
Việc bảo tồn, phát triển nghề dệt zèng không chỉ là hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn là một phương thức thoát nghèo hiệu quả tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Nghề dệt zèng (vải thổ cẩm) là nghề truyền thống được hình thành cách đây hàng trăm năm của đồng bào Tà Ôi ở huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Trang phục làm từ sản phẩm dệt zèng đã trở thành nét văn hóa của đồng bào Tà Ôi ở nơi đây và gắn liền với các phong tục tập quán truyền thống riêng.
Từ khi huyện A Lưới triển khai các giải pháp khôi phục nghề dệt zèng gắn đã giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân; nghề truyền thống này ngày càng phát triển, nhiều cơ sở dệt zèng được thành lập mới ở các xã, thị trấn. Năm 2016, nghề dệt zèng của người Tà Ôi được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Bắt đầu hình thành dưới hình thức tổ hợp tác từ năm 2012, Hợp tác xã (HTX) Thổ Cẩm Xanh Azakooh ở thị trấn A Lưới do nghệ nhân Mai Thị Hợp làm Giám đốc là cơ sở dệt zèng có quy mô lớn nhất huyện A Lưới.
Để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX ra thị trường trong nước và nước ngoài, bà Mai Thị Hợp đã tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, các hoạt động Festival hàng năm của tỉnh. Bà cũng tham gia trưng bày giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài như Thái Lan, Pháp, Nga... Đến nay, sản phẩm zèng A Lưới được nhiều du khách trong nước và quốc tế biết đến, yêu thích, có những cơ sở để có thể xuất khẩu ra nước ngoài theo các đơn đặt hàng.
Không những vậy, các sản phẩm zèng của người dân huyện miền núi A Lưới đã xuất hiện ở những sàn diễn thời trang trong nước và quốc tế, qua đó nâng tầm vị thế nghề dệt zèng A Lưới. Để tăng hiệu quả kinh tế, các nghệ nhân còn đa dạng hóa các sản phẩm từ zèng, nhiều sản phẩm thời trang đã được làm ra từ zèng như giày, túi xách, ví, mũ nón...
Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hoạt động của HTX ngày càng hiểu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều nhiều người dân trên địa bàn huyện A Lưới. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm zèng, HTX được chia thành nhiều bộ phận chuyên môn, ngoài thợ dệt còn có các bộ phận khác phụ trách về kinh tế, kỹ thuật, truyền thông.
Trung bình mỗi tấm vải zèng bán ra ngoài thị trường có giá từ 300.000 đến 600.000 đồng/tấm, sản phẩm đặc biệt giá gần 2 triệu đồng. Qua nhiều năm hoạt động hiểu quả, đến nay HTX giải quyết việc làm, thu nhập cho khoảng hơn 100 lao động trên địa bàn huyện A Lưới.
"Đa số chị em tham gia HTX chỉ dệt zèng những lúc rảnh rỗi sau những giờ làm nương rẫy. Thu nhập của mỗi người tùy thuộc vào số lượng sản phẩm họ làm ra. Những người làm nhiều thì thu nhập tốt, còn nếu làm những lúc rảnh rỗi thì thu nhập cũng được khoảng 2-3 triệu đồng/tháng", nghệ nhân Mai Thị Hợp chia sẻ.
Việc bảo tồn, phát triển nghề dệt zèng không chỉ là hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống mà còn là một phương thức thoát nghèo hiệu quả tại huyện A Lưới.
Tại xã Quảng Nhâm, vào tháng 8/2021, Tổ hợp tác Dệt zèng được Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ 30 triệu đồng để hoạt động. Hiện tổ có hơn 10 thành viên và sinh hoạt 1 lần/tháng. Dù chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi nhưng mỗi người dân tham gia tổ có thu nhập khoảng từ 1,5 đến hơn 2 triệu đồng/tháng.
Thấy nghề dệt zèng của người Tà Ôi đem lại hiệu quả kinh tế, đồng bào Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy trên địa bàn huyện cũng học hỏi, phát triển nghề này. Chị Hồ Thị Miên (người Cơ Tu, ở xã A Phú Vinh) cho biết, trước đây chị và các phụ nữ Cơ Tu khác ở xã không ai biết dệt zèng. Sau khi được các chị em Tà Ôi truyền nghề, phụ nữ Cơ Tu ở địa phương đã có thêm việc làm, đưa lại thu nhập khoảng từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. "Chúng tôi chủ yếu dệt zèng vào những lúc nhàn rỗi nhưng có thêm thu nhập khá, nhờ đó mà gia đình thoát nghèo", chị Miên kể.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, những năm qua, huyện luôn tuyên truyền, vận động, hỗ trợ các hộ giữ gìn, phát triển nghề dệt zèng và bảo tồn hoa văn trên thổ cẩm này. Cùng với các sản phẩm thủ công truyền thống khác và các loại nông sản, sản phẩm nghề dệt zèng đã được đưa vào phục vụ nhu cầu của du khách nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.
"Bảo tồn và phát triển dệt zèng không chỉ là hoạt động giữ gìn văn hóa truyền thống mà đang thực sự là một phương thức thoát nghèo hiệu quả của đồng bào các dân tộc trên địa bàn", ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.