Dân Việt

Phú Yên: Khuyến nông đồng hành cùng nông dân trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp

Nguyễn Châu Hải Đăng 30/10/2024 11:03 GMT+7
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân các cấp trên địa bàn để khảo sát nhu cầu, nội dung cần thiết và mời đúng đối tượng tham gia tập huấn, các cuộc hội thảo, những chuyến tham quan học tập đã giúp các chương trình khuyến nông đạt hiệu quả cao, mang lại lợi ích thiết thực.

Bám sát thực tiễn, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật

Năm 2024, là năm đánh dấu sự nỗ lực của ngành Khuyến nông Phú Yên trong công tác đổi mới và tổ chức các nội dung lớp tập huấn, học tập ngoài tỉnh, hội nghị, hội thảo có giá trị kiến thức, thực tiễn và hiệu quả đến với bà con nông dân với tiêu chí "người thực việc thực", "lấy người học làm trung tâm", phương pháp "cầm tay chỉ việc" tại các lớp tập huấn hiện trường, đối thoại trực tiếp tại các hội nghị, hội thảo và học tập kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất tiên tiến thực tế ngoài tỉnh để học viên so sánh và áp dụng.

Với ưu thế số lượng hội viên toàn bộ là nông dân, có các cấp Hội tại cơ sở, Hội Nông dân là đơn vị sâu sát với nông dân, nắm chắc tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, là cầu nối quan trọng giúp Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp cận đúng nhu cầu thực tế của nông dân.

Hằng năm, Trạm Khuyến nông các huyện, thị xã, thành phố đều chủ động phối hợp với Hội Nông dân cấp huyện, xã nhằm nắm bắt, đăng ký nội dung cần tập huấn trên cơ sở nhu cầu của nông dân và định hướng sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Phú Yên: Khuyến nông đồng hành cùng nông dân trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp - Ảnh 1.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên phối hợp với Hội Nông dân xã Hòa Quang Bắc tổ chức lớp tập huấn “Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lay ơn”.

Tính đến tháng 9/2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tổng cộng 30 lớp tập huấn ngay tại hiện trường cho 869 học viên tham gia.

Với các nội dung đa dạng như: Kỹ thuật chế biến, dự trữ thức ăn thô xanh (bắp, cỏ, rơm...) và phối trộn thức ăn cho bò; Hướng dẫn kỹ thuật chiết, ghép cho cây ăn quả; Các phương pháp ủ, sử dụng phân chuồng và phụ phẩm trong nông nghiệp; Hướng dẫn kỹ thuật ngâm, ủ, xử lý hạt giống trước gieo sạ và nhận biết, phòng trừ một số đối tượng gây hại chủ yếu trên cây lúa nước giai đoạn cây con; Kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa lay ơn....

Trung tâm đã thực hiện 2 chuyến học tập ngoài tỉnh dành cho 40 nông dân với nội dung: "Học tập mô hình sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái tại các tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk)"; "Học tập mô hình sản xuất, tiêu thụ rau, hoa và cây cảnh tại tỉnh Lâm Đồng". Tổ chức 2 hội nghị, hội thảo với nội dung: "Giải pháp nuôi trồng và phát triển thủy sản bền vững" tại thị xã Sông Cầu và "Một số giải pháp chăn nuôi gia cầm bền vững" tại thị xã Đông Hòa cho 212 nông dân tham gia.

Nhờ sự nỗ lực phối hợp trong việc triển khai các nội dung đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân giữa Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hội Nông dân các cấp, cùng với sự thay đổi phương pháp tập huấn đã mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nông dân.

Nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập

Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) cho biết: "Việc tổ chức các lớp tập huấn tại hiện trường, chuyến đi học tập ngoài tỉnh cũng như hội nghị, hội thảo của Trung tâm Khuyến nông Phú Yên đã mang lại hiệu quả rất tốt. Công tác liên hệ, phối hợp với Hội Nông dân tại địa phương được thực hiện chặt chẽ với tinh thần đúng nhu cầu, đúng đối tượng người dân tham gia và phổ biến kiến thức sát thực tế sản xuất.

Phú Yên: Khuyến nông đồng hành cùng nông dân trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp - Ảnh 2.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cùng đại diện các Công ty trao hỗ trợ vật tư cho nông dân tại Hội nghị “Một số giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững” tại thị xã Đông Hòa.

Do đó, bà con nông dân sau khi học về đã áp dụng hiệu quả, không những giúp gia tăng thu nhập mà còn góp phần hoàn thiện các tiêu chí sản xuất giúp xã Hòa Quang Bắc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào tháng 8/2024 vừa qua. Thời gian tới, chúng tôi rất mong Trung tâm Khuyến nông có nhiều nội dung đào tạo, tập huấn hơn nữa để bà con nông dân có cơ hội tham gia học tập nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập".

Từ việc tham gia các nội dung đào tạo, tập huấn do Trung tâm Khuyến nông tổ chức, nhiều hộ nông dân đã áp dụng các nội dung mới, tiến bộ vào sản xuất tại hộ gia đình. Điển hình như ông Trần Đình Thạch (trú thôn Chư BLôi, xã EaBar, huyện Sông Hinh) đã mạnh dạn thực hiện mô hình lồng ghép giữa sản xuất và tham quan du lịch tại vườn sầu riêng.

Ông Thạch chia sẻ: "Được sự quan tâm của Hội Nông dân xã, huyện và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sau khi tham gia chuyến đi học tập kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, chúng tôi là những nông dân đang canh tác sầu riêng trên địa bàn huyện Sông Hinh vô cùng phấn khởi khi được trực tiếp tham quan và nghe chia sẻ hướng dẫn, tích lũy nhiều kinh nghiệm trong trồng và tiêu thụ sầu riêng.

Ngoài việc thiết kế vườn thành địa điểm dừng chân cho khách du lịch tham quan, tôi đã mạnh dạn đăng ký sản phẩm sầu riêng tham gia sản phẩm tiêu biểu của huyện Sông Hinh và đang được hướng dẫn để cấp chứng nhận sản phẩm OCOP của huyện".

Sự phối hợp của Hội Nông dân các cấp trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng được thể hiện rõ nét trong công tác tổ chức hội nghị, hội thảo của Trung tâm Khuyến nông. Cụ thể, tại Hội nghị "Một số giải pháp phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững" tại thị xã Đông Hòa, Hội Nông dân các huyện tham gia đã chọn và giới thiệu các hộ nông dân nhận chế phẩm bảo vệ môi trường từ các Công ty, đồng thời phối hợp với Trạm Khuyến nông địa phương trong theo dõi và báo cáo kết quả các mô hình tại hộ dân được hỗ trợ.