Được đào tạo nghề bài bản, người dân vùng nông thôn Phú Yên tăng thu nhập
Được đào tạo nghề bài bản, người dân vùng nông thôn Phú Yên tăng thu nhập
Tuyết Nhung - Trần Hậu
Thứ tư, ngày 23/10/2024 12:14 PM (GMT+7)
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên luôn quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Từ đó, giúp nâng cao trình độ tay nghề, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm theo nhu cầu, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Những năm qua, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên đã phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ: đa dạng hóa các ngành, nghề đào tạo cho lao động nông thôn, cụ thể theo nhu cầu người học và thực tiễn sản xuất; chọn lọc ngành nghề phù hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, nhằm tạo việc làm, chuyển đổi nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.
Ông Phan Đại Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết: "Trong 9 tháng đầu năm 2024, các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có tham gia tuyển sinh và dạy nghề. Đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn với các ngành nghề cụ thể như: điện công nghiệp, điện dân dụng, hướng dẫn du lịch, cắt gọt kim loại, kỹ thuật chế biến món ăn, nuôi trùn quế, mây tre đan, kỹ thuật làm bánh Âu – Á, lái xe ô tô, kỹ thuật trồng trọt, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, nghiệp vụ nhà hàng, tin học văn phòng, sửa chữa xe máy, ô tô, thêu ren dệt thổ cẩm truyền thống....
Kết quả, Sở đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho 6.802 người. Trong đó, Cao đẳng 672 người, Trung cấp 1.684 người, Sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 4.446 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối tháng 9/2024 ước đạt 77,26%, trong đó tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ đạt 28,62%. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng tay nghề cho lao động nông thôn, người dân có cơ hội tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững".
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên đã tổ chức kỳ thi kỹ năng nghề tỉnh Phú Yên năm 2024 với 3 đơn vị tham gia, gồm: Trường Cao đẳng nghề Phú Yên; Cao đẳng Công Thương miền Trung và Trường Trung cấp nghề Thanh niên dân tộc Phú Yên. Kỳ thi có 37 thí sinh dự thi với 10 nghề, kết quả có 12 giải Nhất, 8 giải Nhì và 17 giải Khuyến khích.
Bên cạnh đó, Sở tổ chức điều tra khảo sát nhu cầu học nghề lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Phú Yên với kết quả có 7.636 người có nhu cầu học nghề. Trong đó, đào tạo dưới 3 tháng là 5.733 người, sơ cấp 1.751 người, trung cấp 128 người và cao đẳng 24 người.
Đơn vị đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền công tác tuyển sinh, cập nhật dữ liệu thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với các cơ quan báo, đài của Trung ương, địa phương để tuyên truyền sâu rộng về công tác đào tạo nghề.
Đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn là người đồng bào dân tộc thiểu số gắn với giải quyết việc làm, các chuyên đề, chủ trương, chính sách mới hướng dẫn thực hiện về công tác đào tạo nghề theo Luật giáo dục nghề nghiệp.
Công tác chú trọng đào tạo nghề cho nhiều đồng bào dân tộc thiểu số đã cơ bản thay đổi được nhận thức của người dân, chủ động cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Từ đó bà con có thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện rõ nét.
Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức giảng dạy trong các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Đứng chân trên địa bàn huyện miền núi Sơn Hòa, Trường trung cấp Nghề thanh niên dân tộc Phú Yên (Sở LĐ-TB&XH), luôn chú trọng công tác đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số các huyện miền núi của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nhân lực có tay nghề. Năm học vừa qua, nhà trường có 61 học sinh vừa nghề, vừa học văn hóa, trong đó có tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp là 94,7%.
Em La Lan Kiệt ở xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) được học miễn phí nghề theo chính sách ưu đãi, chia sẻ: "Gia đình em thuộc hộ nghèo, nên học xong lớp 9, em đăng ký vào trường để vừa học nghề vừa tiếp tục học phổ thông. Em thấy học hết phổ thông ra trường, lại có tay nghề, có thể tìm được việc làm phù hợp để đảm bảo cuộc sống".
"Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã bám sát những mục tiêu của các Nghị quyết, Chỉ thị, đề án gắn với chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2024, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yêntiếp tục đa dạng hoá các loại hình đào tạo nghề; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2024 lên 78%, trong đó có văn bằng chứng chỉ là 29%.
Tổ chức mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý, giáo viên của các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tăng cường, đẩy mạnh công tác giám sát, thanh kiểm tra các Cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện công tác dạy nghề ngày một phát triển và hoàn thiện hơn...", ông Thắng chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.