Dân Việt

Khu rừng nổi tiếng này ở Nghệ An có 2 loài chim hoang dã quý hiếm, gọi gà mà là chim quý trong sách Đỏ

Thắng Tình 01/11/2024 05:58 GMT+7
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An vừa công bố nhiều loại gà, chim hoang dã quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam. Trong đó có loài gà tiền mặt vàng, gà lôi trắng. Gà tiền mặt vàng, gà lôi trắng là động vật rừng, động vật hoang dã có tên trong sách Đỏ Việt Nam, sách Đỏ Thế giới.

Gà tiền mặt vàng, gà lôi trắng trong khu rừng Pù Huống (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) là loài chim quý, được xếp vào nhóm IB loài nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ.

Gà tiền mặt vàng loài động vật quý hiếm "dính" bẫy ảnh

Ngày 31/10, ông Võ Minh Sơn, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống cho biết: "Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống là một khu vực có tính đa dạng sinh học cao với nhiều hệ sinh thái tự nhiên cũng như thành phần loài động vật. 

Thời gian qua, cán bộ và công nhân viên của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống ở huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An đã phối hợp với người dân địa phương đặt "bẫy ảnh" để điều tra đa dạng sinh học tại đây. 

Qua đó, lực lượng chức năng phát hiện 2 loài gà quý hiếm là gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng".

Trong số các động vật rừng lọt vào bẫy ảnh có gà tiền mặt vàng là loài động vật hoang dã quý hiếm có cái tên khá lạ khiến nhiều người tò mò. 

Thực tế, gà tiền mặt vàng có tên khoa học Polyplectron bicalcarratum, thuộc họ Trĩ Phasianidae, bộ Gà Galliformes. Ở Việt Nam gà tiền mặt vàng có 2 phân loài. 

Đặc điểm nhận dạng gà tiền mặt vàng: Gà (chim) đực trưởng thành nhìn tổng thể bộ lông màu xám tro hơi nâu. Da quanh mặt vàng phớt hồng. Đỉnh đầu có lông xù lên tựa như mào thấp, màu hơi vàng trắng.

Phát hiện 2 loài chim đặc biệt quý hiếm ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống- Ảnh 1.

Cận cảnh một con gà tiền mặt vàng, loài chim hoang dã quý hiếm có tên trong sách Đỏ được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống ở huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An qua bẫy ảnh. Ảnh: M.S.

Gà mặt tiền vàng có hông, phần trước cổ nâu trắng nhạt. Phía sau cổ, ngực có những vệt trắng rõ. Lưng, phao câu và lông bao đuôi cũng có những vệt trắng xếp thành hàng ngay ngắn, nhưng nhạt mờ hơn ngực. 

Trên cánh có những sao tròn màu xanh lam óng ánh. Lông đuôi cũng có những sao dạng bầu dục màu lục xanh biếc. Mỗi đôi sao được xếp theo hàng ngang.

Gà (chim) cái tương tự như chim đực nhưng cỡ nhỏ hơn, lông xỉn hơn. Da mặt màu hồng thịt. Màu trắng của mào, lông ở gáy và họng không rõ lắm. Những sao trên cánh nhỏ và đen hơn, ánh sao không rõ bằng ở chim đực. Trên các lông đuôi ngắn nhất không có sao.

Mỏ đen ở chóp và hai mép, phần còn lại màu hồng thịt, chân xám nâu, có 2 cựa (mỗi chân 1 cựa). Con cái cựa ít phát triển.

Phát hiện 2 loài chim đặc biệt quý hiếm ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống- Ảnh 2.

Ngoài gà tiền mặt vàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống ở huyện Qùy Hợp, tỉnh Nghệ An còn phát hiện nhiều loài chim hoang dã, động vật hoang dã, động vật rừng quý qua bẫy ảnh. Ảnh: M.S

Gà tiền mặt vàng là loài chim quý, được xếp vào nhóm IB loài nguy cấp, quý, hiếm, ưu tiên bảo vệ. Toàn dân cần tích cực bảo vệ gà tiền mặt vàng ở các khu vực chúng có mặt kể cả trong và ngoài các Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên.

Mọi hành vi vi phạm liên quan đến nhóm loài này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể trọng lượng, số lượng hay giá trị tang vật.

Khu bảo tồn thiên nhiên nơi có 48 loài chim quý hiếm, nhiều loài động vật rừng quý hiếm có tên trong sách Đđỏ

Cũng theo lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, gà lôi trắng và gà tiền mặt vàng là 2 loài thường xuyên được người dân bắt gặp nhưng chỉ với số lượng 2 đến 4 con mỗi đàn. Ngoài ra, nhiều loài chim quý khác cũng được phát hiện tại khu bảo tồn này.

Các loài gà được phát hiện mới đây đều phân bố ở nhiều trạng thái rừng khác nhau. Tuy nhiên, sinh cảnh yêu thích của chúng là rừng hỗn giao gỗ tre nứa hoặc trạng thái rừng có pha lẫn tre nứa. 

Các loài chim trong bộ gà thường kiếm ăn trên mặt đất và có giá trị về thực phẩm nên rất dễ bị săn bắt, dẫn đến số lượng cá thể ít đến rất ít.

Phát hiện 2 loài chim đặc biệt quý hiếm ở khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống- Ảnh 3.

Gà lôi trắng, loài chim hoang dã, động vật rừng có tên trong sách Đỏ được phát hiện tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) qua bẫy ảnh. Ảnh: M.S.

Theo lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, để phục vụ công tác quản lý và bảo tồn, việc cập nhật thành phần loài chim là rất cần thiết, đặc biệt là với những loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng.

Đối với các loài này cần xác định được đặc điểm hiện trạng, phân bố cũng như những mối đe dọa chủ yếu đến loài, từ đó các giải pháp bảo tồn và phát triển các loài chim quý hiếm sẽ được đề xuất và thực hiện.

Qua điều tra 6 tuyến trên 36km tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, phỏng vấn 54 hộ dân vùng đệm, lập 12 ô tiêu chuẩn, đặt 13 bẫy ảnh, 12 điểm đặt máy ghi âm và lưới mờ, kết quả đã ghi nhận tổng số 273 loài chim, thuộc 60 họ, 17 bộ, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Kết quả này đã bổ sung 8 loài chim lần đầu ghi nhận tại khu bảo tồn.

Theo danh mục chim Việt Nam mới nhất, số loài chim ghi nhận được tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống chiếm 28,7% số loài chim tại nước ta hiện nay. Đây là con số thể hiện rất rõ tính đa dạng của khu bảo tồn này.

Qua điều tra của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, đã ghi nhận: bộ Sẻ có 37 họ, 164 loài; bộ Gõ kiến có 18 loài; bộ Ưng 12 loài; bộ Gà 11 loài; bộ Sả 11 loài; bộ Bồ câu 10 loài; các bộ chim còn lại có dưới 10 loài, chiếm tỷ lệ không đáng kể về loài trong khu hệ chim.

Qua điều tra đã thống kê được tổng số 48 loài chim quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Trong số 48 loài quý hiếm có 7 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam; 12 loài có tên trong Danh lục đỏ IUCN; 6 loài được liệt kê vào nhóm các loài chim nguy cấp, quý hiếm cần ưu tiên bảo tồn.