Quyết định số 90 của UBND TP.HCM về xây dựng công trình trên đất nông nghiệp được ban hành với kỳ vọng giải quyết được bài toán mà lâu nay nông dân Thành phố và các cấp quản lý "bí" lời giải.
Theo Hội Nông dân TP.HCM, trước đây đất nông nghiệp không được phép xây dựng, người dân đành dựng tạm lều, che mái tạm… dẫn đến trường hợp xây dựng không phép phải tháo dỡ, gây thiệt hại nhiều chi phí.
Ngoài ra, còn có tình trạng không có điện, nước để tưới tiêu phải dùng nhờ; giá điện tính theo giá điện dân dụng, chi phí hàng tháng cao, dẫn đến lợi nhuận sản phẩm nông nghiệp thấp sau khi trừ các chi phí.
Điển hình đối với các hộ trồng mai, kiểng bonsai, không có nơi chứa vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc… Vườn không được che chắn nên khó đối phó với biến đổi khí hậu, tình trạng mai nở không đúng Tết cũng xảy ra nhiều năm, ảnh hưởng đến chất lượng và thất thu trong các đợt thu hoạch.
“Người dân cũng gặp khó khăn khi muốn đầu tư nhà màng, nhà lưới để đầu tư phát triển những cây con giống mới, mô hình mới nhưng không được cho phép. Không có nơi dự trữ, bảo quản trang thiết bị, vật tư nông nghiệp, phân bón nên không dám mạnh dạn áp dụng các mô hình mới; không dám đầu tư mua trang thiết bị, vật tư dự trữ để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp”, ông Trần Văn Thắng - nông dân xã Trung Lập Hạ (huyện Củ Chi, TP.HCM) thông tin.
Quyết định số 90 đã có hiệu lực, việc bây giờ là làm thế nào để những quy định kia đi vào đời sống một cách hiệu quả, giúp ích được cho việc sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân Thành phố.
Chưa kể, quyết định mới này nếu không thực hiện chặt chẽ, dễ dẫn tới những trường hợp lợi dụng, biến tướng làm sai từ việc xây dựng công trình phụ trợ cho sản xuất nông nghiệp thành công trình mục đích khác.
Theo ông Phạm Thành Lộc - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 (huyện Củ Chi, TP.HCM), để thực hiện thành công quyết định này, cần phân loại những nông dân có nhu cầu thật sự đối với việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp. Những đối tượng có dấu hiệu lợi dụng chính sách để biến tướng, làm mục đích xấu phải bị loại ra.
“Đây là cơ hội để phát huy vai trò, nhiệm vụ của Hội Nông dân dân địa phương trong việc sàng lọc, nắm lại thực trạng sản xuất của hội viên, cũng như phát triển hội viên mới. Đồng thời việc rà soát nhu cầu cần có sự giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp cơ sở. Cần có quy trình khảo sát, cho ý kiến chấp thuận hoặc yêu cầu bổ sung các điều kiện để có thể xây dựng công trình phụ”, ông Lộc cho biết.
Hội Nông dân TP.HCM đã triển khai Quyết định số 90 đến với các cơ sở Hội. Theo ông Trần Quân Đức - Chi hội trưởng Chi hội 5, Hội Nông dân TP.Thủ Đức (TP.HCM), Thành phố cần hỗ trợ nông dân trong thủ tục pháp lý; trong việc xin cấp phép xây dựng, giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến quy định mới để đảm bảo quy trình diễn ra nhanh chóng và minh bạch.
“Thông qua các buổi tư vấn, có thể hướng dẫn hội viên chuẩn bị hồ sơ xin phép và giải đáp thắc mắc liên quan đến quy định pháp lý, giúp giảm thời gian và chi phí cho nông dân. Khuyến khích hướng dẫn thực hiện hồ sơ, đăng ký qua mạng”, ông Đức đóng góp.
Về vấn đề thủ tục, hồ sơ cần chuẩn bị để được đăng ký cấp phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, báo Dân Việt đã có câu hỏi gửi Sở Xây dựng TP.HCM.
Ông Lâm Thanh Tùng - Phó trưởng Phòng Quản lý nhà và công sở (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết, người dân liên hệ UBND cấp huyện để được xem xét chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng công trình và thời gian tồn tại của công trình theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Quyết định số 90.
Việc xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 131 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 49 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng) về xây dựng công trình tạm và được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 30 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng).
Quyết định số 90 phần lớn được nông dân TP.HCM đón nhận, cạnh đó vẫn có nhiều nông dân và cán bộ còn những băn khoăn.
Ông Nguyễn Đức Cường - Phó chủ tịch Hội Nông dân Quận 12 (TP.HCM) chia sẻ, tại khoản 1, Điều 5 của Quyết định số 90 quy định về "tỷ lệ diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp tối đa 1% diện tích đất nông nghiệp nhưng tối đa không quá 50m2" là khá khiêm tốn.
"Điều này người dân còn nhiều lo lắng. Tôi mong muốn tăng tỷ lệ xây dựng hơn nữa để đảm bảo phục vụ sản xuất, nhất là các mô hình sản xuất phải có nơi sơ chế và bảo quản", ông Cường đóng góp.
Trong khi đó nông dân Trần Bảo Sơn - Hội viên Hội Nông dân xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, quy định về diện tích đất nông nghiệp khu đất đang sử dụng từ 500m2 trở lên mới được xây dựng công trình trên đất nông nghiệp còn nhiều bất cập.
"Vì hiện nay với việc phát triển nông nghiệp đô thị, một số địa bàn như Quận 12 còn nhiều hộ sản xuất nông nghiệp diện tích nhỏ hơn 500m2 thì không được áp dụng chính sách này, còn với quy mô 500m2, cho phép xây dựng diện tích 5m2 thì quá nhỏ", ông Sơn nêu.
Cũng có nhiều ý kiến của bà con nông dân thắc mắc, đã có Quyết định 90 chính thức cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp thì chính quyền huyện, xã có còn kiểu "trên nóng, dưới lạnh" như trước đây nữa không?
Theo ông Lâm Thanh Tùng, Quyết định số 90 nêu rõ, trong quá trình triển khai thực hiện, UBND các quận, huyện, UBND TP.Thủ Đức có trách nhiệm theo dõi, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Nếu phát sinh khó khăn vướng mắc hoặc cần thiết bổ sung thêm Quy định cho phù hợp điều kiện thực tế thì UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức và các đơn vị liên quan có ý kiến gửi về Sở Xây dựng để tổng hợp, báo cáo đề xuất trình UBND Thành phố xem xét quyết định.
Tham khảo thêm