Dự diễn đàn có ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Nguyễn Quý Dương - chuyên viên Cục Thủy sản; ông Nguyễn Đức Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa…
Đặc biệt, tham dự diễn đàn còn có gần 200 đại biểu đến từ các Trung tâm Khuyến nông; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tổ đội khai thác và ngư dân khai thác hải sản các tỉnh ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Theo báo cáo tại diễn đàn, trong thời gian qua, lĩnh vực khai thác hải sản được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và đã có bước phát triển vượt bậc. Từ đội tàu thủ công lạc hậu, đến nay, cả nước đã có trên 30.300 tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên.
Để phát huy hiệu quả tàu khai thác xa bờ, đã có nhiều tiến bộ kỹ thuật được áp dụng góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả đánh bắt, cơ giới hóa để giảm sức lao động cho ngư dân và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Kết quả 9 tháng năm 2024, tổng sản lượng khai thác lũy kế đạt 3.016.500 tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2023. Khai thác thủy sản tiếp tục gắn với các biện pháp bảo vệ, phát triển nguồn lợi, thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp IUU, không báo cáo và không theo quy định.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, lĩnh vực khai thác thủy sản cũng có một số thách thức lớn. Cụ thể, quy mô sản xuất còn chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún trong tổ chức sản xuất và liên kết. Đầu tư cho hạ tầng chưa đồng bộ, giá trị gia tăng thủy sản thấp, việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn hạn chế.
Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới vào lĩnh vực khai thác thủy sản, nhất là ứng dụng trong bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã cải thiện nhưng còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Thẻ vàng EC chưa được tháo gỡ, vẫn còn tình trạng vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Bên cạnh đó, lao động khai thác thủy sản thiếu về số lượng, chưa đáp ứng về chất lượng. Biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển, đến sản lượng khai thác và thu nhập của người dân.
Tham gia Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Người dân Ngư Lộc sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản, hiện toàn xã có 215 tàu thuyền với 1.650 lao động trực tiếp đi khai thác ngoài biển. Bên cạnh đó, có 120 hộ kinh doanh, chế biến từ nghề cá. Để tháo gỡ thẻ vàng EC, chúng tôi đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chống IUU đến ngư dân và các tổ chức liên quan".
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung bàn giải pháp để đẩy nhanh việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, cộng đồng, đơn vị quản lý, doanh nghiệp trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phòng chống khai thác bất hợp pháp vẫn còn diễn ra.
Việc ưu tiên hiện nay cần tập trung giảm các tàu đánh bắt không hiệu quả, gần bờ, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi một phần ngư dân sang nghề nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái... nhằm đưa nghề cá chúng ta phát triển bền vững, ổn định.
Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi nghề khai thác sang nuôi trồng thủy sản, giảm khai thác, tăng nuôi trồng; Ứng dụng các khoa học kỹ thuật tiên tiến trong khai thác và nuôi trồng thủy sản. Củng cố, đổi mới các tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; tổ chức sản xuất thủy sản theo chuỗi giá trị, chú trọng tăng về giá trị sản xuất.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tàu cá như: Xây dựng cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia; lắp đặt hệ thống giám sát hành trình, nhật ký điện tử, chống khai thác bất hợp pháp IUU.
Tăng cường công tác quản lý đội tàu; theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá, nhất là đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU.
Phát biểu tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa có 6.701 tàu thuyền đang khai thác đánh, bắt thủy hải sản trên biển, sản lượng khai thác hàng năm khoảng 214.000 tấn. Diễn đàn này tôi thấy rất thiết thực để cùng nhau tháo gỡ thẻ vàng EC nhằm ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập cho ngư dân.
Về tháo gỡ thẻ vàng EC, tỉnh Thanh Hóa thực hiện nghiêm túc, xây dựng hệ thống giám sát tàu cá, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm... Đối với các chủ tàu thuyền khai thác ngoài tỉnh không về, chúng tôi thành lập đội liên ngành để phối hợp với tỉnh bạn kiểm tra".
Với sự quyết tâm của Chính phủ và sự chung tay của các cấp, các ngành, việc gỡ bỏ thẻ vàng là hoàn toàn khả thi. Việc gỡ bỏ thẻ vàng không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi trường biển và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản Việt Nam.
Thẻ vàng EC là một cảnh báo mà Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đối với các quốc gia có hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU). Việt Nam đã nhận được cảnh báo này vào năm 2017 và việc gỡ bỏ thẻ vàng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
"Điểm nhấn quan trọng của Diễn đàn Khuyến nông @Nông nghiệp hôm nay là việc các đại biểu đã nắm vững các quy định về khai thác IUU và các giải pháp kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá. Chúng tôi mong muốn các địa phương sẽ tích cực triển khai các kiến thức đã thu được, đặc biệt là việc kiểm soát chặt chẽ số lượng tàu thuyền hoạt động, nhằm đảm bảo khai thác thủy sản bền vững và hiệu quả hơn", ông Hoàng Văn Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết.